Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Café VietStamp (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=57)
-   -   Truân chuyên con tem (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=7518)

Nguoitimduong 21-12-2010 20:41

Truân chuyên con tem
 
Truân chuyên con tem

Nguyễn Nam (bayvut.com.au)
Mới được nhen nhóm lại sau một thời gian dài lụi tàn, Sài Gòn hiện là nơi phong trào sưu tập tem sôi động nhất cả nước. Nhưng vẫn còn đó nhiều trắc trở cho một thú chơi bổ ích, lành mạnh.







Ông Đỗ Thành Kim, một trong những người sưu tập tem có tiếng ở Việt Nam, đặt biệt là tem Tết. (Nguyễn Nam)

Ngày ấy, bây giờ

Sáng sớm, trong một con hẻm sâu ở quận 3 (TP.HCM), ông Đỗ Thành Kim đang ngồi lụi cụi bọc nhựa để bảo quản cho những con tem vừa được bạn bè từ nước ngoài gửi về. Ông Kim là một trong những người chơi tem và mua bán tem vào dạng kỳ cựu nhất ở TP.HCM, với hơn nửa thế kỷ mày mò sưu tập và sở hữu một gia tài tem khá ‘dữ dằn’. “Vậy mà có lúc tưởng là đã phải bỏ hẳn rồi đó chứ!”, ông Kim vừa tỉ mẩn với mấy con tem vừa nói về thời điểm thoái trào của phong trào sưu tập tem ở Sài Gòn kể từ sau năm 1975. Khi đó, vì sợ kết tội, ông và nhiều nhà sưu tập phải đứt ruột đem đốt hết toàn bộ gia sản tem từ thời chế độ trước cùng nhiều bộ tem nước ngoài kỳ công sưu tập được. Nhiều năm sau đó, hầu như không còn ai nghĩ tới chuyện sưu tập tem nữa. “Một phần vì phải lao vào cuộc mưu sinh khó nhọc, chơi tem trở thành một trò vui ‘xa xỉ’, một phần vì khi đó nếu muốn ra bưu điện yêu cầu mua hơi nhiều tem một tí và khai báo mục đích là ‘sưu tập’ thì sẽ chẳng ai bán cho anh, tem chỉ để dán gửi thư thôi”, ông Kim kể.
Trước năm 1975 ở Sài Gòn, phong trào chơi tem rất mạnh, điểm bán tem chơi để sưu tập mọc lên như nấm để nhằm phục vụ giới sưu tập những người chơi tem đông đảo. Ông Kim, lúc 25 tuổi, khi kinh nghiệm sưu tập và ‘gia tài’ tem đã khá khá, cũng mở riêng cho mình một quầy bán tem nho nhỏ. “Người mua đông lắm, mỗi khi ngành bưu chính phát hành tem mới là người ta phải đến xếp hàng chen nhau để mua”, ông nhớ lại.
Phải đến tận những năm 90, phòng trào chơi tem tại Sài Gòn mới bắt đầu dần dần phục hồi lại với sự xuất hiện của một hội quán nhỏ của người chơi tem trên đường Phó Đức Chính. Khi đó, ông Kim cũng bắt đầu tìm cách liên hệ thư từ với các hội tem trên thế giới để trao đổi tem chơi cá nhân và đặt mua tem bán lại cho người chơi tem trong nước. Được sự hỗ trợ của Internet, với các diễn đàn mạng cho người chơi tem, giới trẻ tìm đến với thú sưu tập tem ngày càng nhiều hơn trong mấy năm gần đây.
Ông Kim lại quay lại với nghề khi xưa, trở thành một địa chỉ giới chơi tem Sài Gòn hay tìm đến để làm giàu thêm bộ sưu tập của mình, nhất là các loại tem Tết, tem động vật hoang dã, tem tàu hỏa... có xuất xứ từ hàng trăm nước trên thế giới. “So với ngày xưa thì vẫn còn kém xa lắm, nhưng phục hồi được như vậy cũng là vui lắm rồi!”, ông Kim tâm sự.
Khó khăn

Điều mà những nhà sưu tập tem trong nước bức xúc nhất sau khi phong trào chơi tem dần phục hồi ở các nơi là các quy định của cơ quan quản lý đối với dòng tem Việt Nam của chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hòa - VNCH). Hơn 35 năm khi kết thúc chiến tranh, những con tem chế độ cũ vẫn không được góp mặt tại các cuộc triển lãm trong nước dù nó là chủ đề sưu tập rất quan trọng của giới chơi trong và ngoài nước và đã được xuất hiện chính thức trên các danh mục tem quốc tế.
Ông Phùng Đại Hùng (Q. Phú Nhuận, TP.HCM), một người chuyên sưu tập tem của chế độ cũ nói: “Những con tem đó đã tồn tại và ghi lại nhiều hình ảnh của miền Nam trong suốt một phần tư thế kỷ trên một nửa đất nước và , quen thuộc với rất nhiều người. Nó là một phần của lịch sử. Thật không công bằng khi phân biệt như vậy. Chúng tôi là những nhà sưu tập, chúng tôi chỉ sưu tập và chia sẻ với mọi người những con tem đã từng tồn tại, chứ không phải để bày tỏ thái độ chính trị gì cả!”.
Ông Hùng cũng nói vô lý nhất là cả những con tem VNCH rất đẹp và ý nghĩa mà nội dung không hề liên quan gì đến chính trị như tem Tết, phong tục truyền thống, phong cảnh... cũng bị loại hoàn toàn ra khỏi các cuộc triển lãm lớn, nhỏ. Cách đây vài tháng, ông Phùng Đại Hùng đưa đi triển lãm bộ tem về các thời kỳ lịch sử Việt Nam từ thời Pháp thuộc cho đến khi thống nhất đất nước đi tham dự triển lãm. Tuy nhiên, chỉ có dòng tem từ thời chế độ cũ là có hình ảnh một số nhà yêu nước chống Pháp như Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu... nhưng ông không được phép đưa chúng vào bộ sưu tập đi tham dự triển lãm, dù chúng rất quan trọng. Bộ sưu tập vì vậy theo ông đã “không trọn vẹn, mất đi nhiều giá trị, ý nghĩa”. Theo ông, những quy định đó đã khiến việc sưu tập dòng tem này đi xuống, nhiều người không còn mặn mà, trong khi không có chúng thì “rõ ràng con chặng đường lịch sử in dấu trên những con tem Việt bị khuất đi một phần quan trọng”, ông Hùng nói.
Và nhiều mối lo

Trong khi đó, tình hình phát hành tem trong nước hiện nay cũng khiến nhiều ‘tín đồ’ của thú chơi này thấy ‘ngậm ngùi’ nếu so sánh với tem nước ngoài. “Các mẫu tem quanh quẩn với nội dung kỷ niệm các sự kiện chính trị là chính, thi thoảng có thêm vài mẫu tem cá, chim, hoa... là hết. Cách trình bày, thể hiện cũng đơn điệu, không đẹp”, ông Phùng Đại Hùng nhận xét. Còn ông Đỗ Thành Kim thì có một phát hiện khác: “Mấy năm trước thì mỗi năm phát hành được có khoảng 20 đợt tem được phát hành, bây giờ chỉ còn khoảng 10 đợt. Việc phát hành cũng rất tùy tiện, có khi phát hành vào tận chiều tối khiến giới chơi tem muốn có một phong bì chứng thực ngày phát hành đầu tiên cũng khó”.
Trong khi đó ở nhiều nước trên thế giới, tem phát hành có nội dung phong phú bao quát rất nhiều mặt của đời sống với nhiều loại tem phục vụ dành cho cho nhiều đối tượng khác nhau. Không những thế, chất liệu làm tem cũng rất đặc biệt, độc đáo như tem vàng, bạc, tem thêu... Đi kèm đó là nhiều vật phẩm bưu chính khác rất đa dạng. Chẳng hạn khi các tập truyện Harry Porter gây sốt trong giới trẻ thì ngành bưu chính Anh nhanh chóng phát hành con tem và các vật phẩm có nội dung xoay quanh truyện với cách thể hiện rất vui nhộn, sáng tạo, bắt mắt. Các bạn trẻ sưu tập tem ở Việt Nam hiển nhiên là mê tít và phải cố săn cho được khi chúng vừa được phát hành.
“Chúng tôi cũng lo việc gửi thư qua đường bưu chính ngày càng giảm, con tem ngày càng xa lạ có thể ảnh hướng đến phong trào chơi tem trong những lớp kế cận sắp tới. Với lại tụi trẻ bây giờ suốt ngày phải học thêm học bớt chứ có được được tự do la cà với tem như bọn chúng tôi ngày nhỏ đâu”, ông Hùng tâm sự.
Bao nhiêu lo lắng cho sự thăng trầm của một thú chơi lành mạnh vẫn còn đó thì ngay trong thời điểm này giới chơi tem trong nước lại thêm một phen ‘choáng váng’ về quy đinh mới về việc nhập khẩu tem. Theo đó, cứ mỗi bưu kiện tem nhập về từ nước ngoài, dù phục vụ sưu tập cá nhân hay kinh doanh, sẽ bị đánh thuế đến 30% giá trị của lô tem, và muốn nhập về trên 500 con tem mỗi lần thì buộc phải xin giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông. “Đây là một quy định khiến người chơi tem rất hoang mang. Giá tem theo đó sẽ đội giá mạnh, và việc giao dịch, trao đổi với bạn tem ở nước ngoài cũng sẽ khó khăn hơn nhiều. Đã có nhiều kiến nghị lên trên, nếu không có điều chỉnh gì thì phong trào chơi tem mới nhen nhóm lên được không biết rồi sẽ về đâu!”, ông Kim lo lắng.


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 03:46.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.