Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Cùng đọc và suy gẫm (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=533)
-   -   Hiện tượng xã hội đáng suy nghĩ (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=11438)

The smaller dragon 18-04-2013 01:46

Hiện tượng xã hội đáng suy nghĩ
 
1 File đính kèm
Sáng nay, tôi nhận được tin và ảnh dưới đây. Xã hội Việt Nam ta ngày nay có nhiều cái mới quá. Tôi chia sẻ trong Diễn Ðàn một phần bài viết, mong nhận phản ứng của mọi người. Tôi không đưa hình vào ngay trong bài được, mong Ban Biên Tập giúp. Cám ơn. The smaller dragon


Lên chùa ngắm ảnh đại gia
Hải Tâm - 15/04/2013

Nhiều ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi với kiến trúc độc đáo tại tỉnh Trà Vinh ít nhiều bị biến dạng sau khi doanh nhân Trầm Bê (cổ đông lớn của nhiều ngân hàng) “phát tâm xây dựng”. Tại huyện Trà Cú, có ít nhất ba ngôi chùa cổ là Vàm Ray, Ba Sát và Phnô-đung được nhiều bà con gọi là “chùa ông Trầm Bê” do trước cổng chùa và quanh chánh điện có ghi tên, hình ảnh, tranh vẽ, tượng của ông Trầm Bê và dòng họ của ông. Sau những mốt như chơi siêu xe, sở hữu biệt thự khủng, có lẽ đã đến thời đại gia ... "chơi" chùa chăng?

1. Ảnh đại gia, tranh vẽ đại gia chưa bao giờ là của lạ. Nhưng khi chúng được đường đường chính chính treo giữa chốn chùa chiền tôn nghiêm, ở những vị trí hoành tráng, bắt mắt nhất, ắt lại thành "chuyện chỉ có ở Việt Nam".


Hình ảnh gia đình Trầm Bê ngay chánh điện chùa Phnô-đung, Trà Vinh.

2. Chuyện "chùa đại gia" có thể hi hữu, nhưng nó lại cho thấy một xu hướng đang ngày càng trở nên phổ biến trong đời sống tâm linh hiện đại. Đó là xu hướng trần tục hóa, vật chất hóa những không gian, giá trị thiêng. Nhiều người không chỉ còn quan niệm "trần sao âm vậy" mà còn đẩy lên thành trần sao... thì thần Phật vậy.

Chùa ngày thêm đông, thêm đồ sộ mà nhân tâm lại thêm rỗng và bóng Phật thêm vắng là cảm nhận về thời bây giờ vậy!

ngotthuha231 18-04-2013 07:17

Tuần trước cháu cũng đọc báo viết về hiện tượng này rồi. Cháu gửi link để bác đọc thêm. :)

http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/5...-phan-cam.html

Poetry 18-04-2013 08:51

Hành động này là biểu hiện lố bịch của kẻ hợm của. Có công đức xây chùa nhưng lại đặt hình ảnh mình và gia đình mình ngang thậm chí còn trang trọng hơn cả Đức Phật thì công đức đó có còn không? Kẻ hợm của là vậy, còn các vị trụ trì chùa cũng không đúng. Đâu phải cứ công đức nhiều tiền là muốn làm gì thì làm trong chốn cửa Phật. Ghi nhận công đức thiếu gì cách, có thể dựng hẳn 1 tấm bia công đức đặt trong sân chùa hoặc trong hậu điện. Xét cho cùng, chuyện lố bịch này xảy ra là do cả bên nhà chùa lẫn kẻ công đức hợm của.

VAPUTIN 20-04-2013 21:42

Va tui không quen ông Trầm Bê nhưng có một lần gặp ông này để ký hợp đồng mua đất. Lúc đó ông không khác gì bây giờ: hơi béo, lùn, da ngăm ngăm. Ăn mặc thì không ai biết là đại gia: áo sơ mi, quần short, mang dép săng đan...trông như một bác sồn sồn bán tạp hóa.

Trong chuyện cái chùa Vàm ray này theo Va tui dư luận hay mọi người lu loa như thế là không công bằng với ông Bê.

Chùa Vàm ray trước đây nghèo và xuống cấp trầm trọng như thế nào, có ai biết không? Không ai biết cả.
Thế mà có người dám bỏ ra hơn 20 tỷ đồng để trùng tu (phải nói là hầu như xây mới vì chùa cũ đã xuống cấp trầm trọng không còn sửa chữa gì được nữa) thì người ta la lối um sùm. Ông Bê bỏ tiền ra sửa chùa và muốn người ta ghi nhận sự đóng góp của gia đình ông thì đâu có gì sai?

Hình ảnh của gia đình ông có được vẽ trong chùa cũng đâu có gì sai? còn nói là chưa có tiền lệ thì cũng chả đúng vì nếu ai từng đến thăm nhà thờ Huyện Sỹ sẽ nhìn thấy trong nhà thờ tại gian chái bên trái là tượng bán thân ông Huyện Sỹ bằng thạch cao gắn cột đầu, phía sau là phần mộ bằng đá cẩm thạch được trang trí hoa văn. Trên mộ là tượng toàn thân ông Huyện Sỹ kê đầu trên hai chiếc gối bằng đá cẩm thạch được điêu khắc tinh xảo, đầu chít khăn đóng quay về cung thánh nhà thờ, mình mặc áo dài gấm hoa văn tinh xảo, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày. Đối diện bên phải là tượng vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài, với tóc búi, cũng dựa trên hai chiếc gối, hai tay nắm trước ngực, mặc áo dài gấm, chân mang hài. Phía trong cùng còn có tượng bán thân của con trai và con dâu ông bà là Gioan Baotixita Lê Phát Thanh (bên phải) và Anna Đỗ Thị Thao.

Nên nhớ là ông Huyện Sỹ đã hiến đất vá 1/7 gia tài của mình (khoảng 6000 lượng vàng) để xây nhà thờ đó cho cộng đồng. Nhà ông Sỹ được chôn, được tạc tượng trong nhà thờ chả thấy ai than phiền cả, hay bây giờ thiện hạ lòng dạ đố kỵ hẹp hòi hơn xưa?

Đối với người Khmer ông Bê là ân nhân. Theo phong tục của họ thì ai xây chùa, làm đường, xây cầu, chợ, trường...cho cộng đồng thì được gọi là okna và được đặt tên cho công trình đó. Ở đây ông Bê chính là một ốc nha (okna) và xứng đáng được đặt tên cho ngôi chùa chứ đừng nói là vẽ hình trong chùa. Tại sao người Kinh cứ muốn áp chế cách suy nghĩ, phong tục tập quán của mình cho dân tộc Khmer?

Với đóng góp của gia đình ông Bê, chùa Vàm ray ngày nay là ngôi chùa Khmer lớn nhất và đẹp nhất Việt Nam, ngày càng có nhiều khách du lịch đến chiêm bái.

Các bạn nên mở rộng lòng mình đừng để mình trở thành người hẹp hòi, đố kỵ. VN bây giờ có nhiều người giàu nhưng có mấy ai bỏ tiền ra xây chùa xây trường xây cầu cho cộng đồng như ông Bê. Va tui không biết ông có "nhóm lợi ích" gì không nhưng hành động từ thiện của ông thật đáng hoan nghênh. Mong ông tiếp tục giúp đỡ đồng bào.

VAPUTIN 20-04-2013 22:33

http://i1240.photobucket.com/albums/...usaigon1/2.jpg

Lăng mộ ông bà Lê Phát Đạt ( Huyện Sĩ) ngay trong nhà thờ mang tên ông

http://i1240.photobucket.com/albums/...usaigon1/1.jpg

VAPUTIN 20-04-2013 22:35

Bài báo dùng một ảnh duy nhất chụp phần có hình ảnh gia đình ông Bê là không khách quan, mời các bạn xem khung cảnh toàn chùa Vàm ray
---------------------------------------------------------------------------------------
http://kenh14.vn/kham-pha/cung-toi-t...3035757736.chn

Tọa lạc tại ấp Vàm Ray, xã Hàm Tân, Huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, chùa Vàm Ray được chính thức khánh thành ngày 22/05/2010. Đây chính là ngôi chùa Khơ me lớn nhất Việt Nam, một nơi để các đồng bào Phật tử Khơ me gặp gỡ và cùng nhau tu tâm, tích đức.
http://k14.vcmedia.vn/Images/Uploade...huavamray1.jpg
Chùa Vàm Ray được người dân Trà Vinh coi như một kỳ tích của Phật giáo tại đây.
Chùa được ông Trầm Bê (một người con của Phật giáo Nam tông Khơ me) tài trợ phục chế và cải tạo, trong thời gian 3 năm với tổng kinh phí hơn 1 triệu USD (khoảng gần 20 tỷ đồng vào thời điểm năm 2010).


Ông Trầm Bê – người đã tài trợ toàn bộ kinh phí phục chế, xây dựng chùa.
Đối với người Khơ me, Phật giáo là một phần của cuộc sống và họ đã kiến tạo một nền văn hóa rực rỡ gắn liền với Phật giáo Nam tông tại vùng đất Nam Bộ. Ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, tinh thần của cộng đồng nên được xây dựng bề thế, trang nghiêm, chạm khắc rất tinh tế với mái cong, nóc nhọn, tháp cao vút, nằm giữa khuôn viên rộng để bà con đến làm lễ, vui chơi…


Bây giờ chúng ta cùng ngắm vẻ đẹp của chùa Vàm Ray, niềm tự hào Phật giáo Nam tông Việt Nam. Nếu có thể, trong dịp lễ Vu lan – báo hiếu, các bạn hãy một lần đến thăm và tịnh tâm ở chùa nhé các bạn!


Giống như nhiều chùa Khơ me Nam Bộ, chùa Vàm Ray mang kiến trúc Angkor của người Campuchia. Chùa Vàm Ray có hai cấp sân rộng bao quanh ngôi chánh điện, được tráng xi măng. Mái có ba cấp, mỗi cấp được chia thành ba nếp, nếp giữa lớn hơn, hai nếp phụ hai bên bằng nhau, không có tháp nóc…
Chánh điện chùa. Điểm chung của chùa Khơ me Nam Bộ là chánh điện thường quay về hướng Đông, vì họ cho rằng con đường tu hành của Phật đi từ Tây sang Đông.
Khi vào bên trong chánh điện, các bạn sẽ choáng ngợp bởi vẻ bề thế và lộng lẫy với nhiều màu sắc, đậm chất văn hoá Khơ me, mang nét đặc thù nền tảng của Bà la môn giáo, ảnh hưởng sâu đậm văn hoá Ấn Độ.
Đối diện chánh điện là các cột trụ với hình tượng thần rắn Naga 5 đầu, dùng để thắp nến vào những ngày lễ hội, tượng trưng cho việc Phật pháp sẽ soi sáng cho nhân loại, giúp mọi người sống hướng thiện như chính loài rắn (đã được đức Phật thuần hóa – theo quan niệm của người Khơ me). Cửa vào chánh điện được chạm trổ rất công phu, tinh xảo, kết hợp giữa phong cách nghệ thuật chùa và nghệ thuật chạm khắc dân gian, tạo nên nét độc đáo cổ kính.
Lối vào chùa rất khang trang, rộng rãi.
Tượng thánh bốn mặt “Maraprum đội đèn” ở chi tiết lan can. Những hàng cột phía ngoài chánh điện được xây dựng theo lối kiến trúc cổ Cô-ranh, phía trên tiếp giáp giữa đầu cột với mái chùa có tượng thần Krud mình người đầu chim, mỏ ngậm viên ngọc với hai tay đỡ mái chùa.
Tất cả các chi tiết, hoa văn đều được chạm khắc tỉ mỉ bằng đất sét, đặt trên 1 bàn lớn, xong được áp vữa – bê tông vào để đổ thành khuôn, sau đó dùng những khuôn này để tạo nên những chi tiết, hoa văn trên công trình.
Đỉnh cao nghệ thuật thể hiện ở những họa tiết độc đáo nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang, như tượng đầu vị thánh bốn mặt Maraprum là tiền thân của Brahma - vị thần sáng tạo ra thế giới, nữ thần Kayno nửa người nửa chim, chim thần Marakrit.
Trên những hàng cột là phù điêu các tiên nữ và quái vật. Theo triết lý của người Khơ me, đó là những thử thách đối với phật tử trên bước đường tu thành chánh quả. Trên mái vòm và cầu thang đều chạm trổ họa tiết có thần rắn Naga, vì họ quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này.
Tượng chằn Year hung dữ, mặc áo giáp, đứng bảo vệ ngôi chùa. Tượng chằn hình dáng to lớn, mặt dữ tợn, miệng há rộng, răng nanh to nhọn, tay cầm chày, vốn là biểu tượng cái ác, xấu, gây thương đau cho mọi người. Nhưng tượng chằn đặt trong chùa lại là biểu tượng cái thiện vì người Khơ me tin rằng loài vật này được Đức Phật thu phục để phục vụ cho chánh điện, bảo vệ sự bình yên cho dân lành.
Những vị thần được bố trí khắp các lối đi, chánh điện như quan niệm của người Khơ me: chính những vị thần này sẽ che chở và bảo vệ họ.
Một buổi lễ của người theo đạo Phật giáo Khơ me. Về với đồng bào Khơ me Nam Bộ trong dịp tết cổ truyền Chôl – Chnăm – Thmây hay trong các lễ hội, nghĩa là: đi trong hương hoa, nghe lời cầu kinh, niệm Phật râm ran. Tiếng trống sa-dăm hòa tiếng hát lâm thôn bay xa. Từ người già đến trẻ đều xênh xang áo mới. Các cô gái mặc xà rông sặc sỡ, tay bưng mâm có tấm lụa vàng phủ các lễ vật cúng Phật. Các chàng trai mang đạo cụ phục vụ lễ hội vừa đi vừa múa trống sa dăm rộn rã cả vùng quê.
Trải qua tiến trình lịch sử, ngôi chùa có một vị thế rất vững chắc trong đời sống xã hội và tâm thức của người Khơ me Nam Bộ. Chùa chính là nơi diễn ra các lễ hội lớn trong năm như: Tết cổ truyền Chôl – chnăm – thmây, lễ Đôn ta, lễ hội Ook – Oom – Bok, cũng là nơi tập trung bà con Khơ me đến học chữ Paly, học giáo lý, học nghề… Người Khơ me theo đạo Phật (Phái tiểu thừa) nên mọi nghi thức lễ hội, đón mừng năm mới đều diễn ra ở các ngôi chùa cổ kính.

tem-truyen-thong 20-04-2013 22:45

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi VAPUTIN (Post 186999)
Va tui không quen ông Trầm Bê nhưng có một lần gặp ông này để ký hợp đồng mua đất. Lúc đó ông không khác gì bây giờ: hơi béo, lùn, da ngăm ngăm. Ăn mặc thì không ai biết là đại gia: áo sơ mi, quần short, mang dép săng đan...trông như một bác sồn sồn bán tạp hóa.

Trong chuyện cái chùa Vàm ray này theo Va tui dư luận hay mọi người lu loa như thế là không công bằng với ông Bê.

Chùa Vàm ray trước đây nghèo và xuống cấp trầm trọng như thế nào, có ai biết không? Không ai biết cả.
Thế mà có người dám bỏ ra hơn 20 tỷ đồng để trùng tu (phải nói là hầu như xây mới vì chùa cũ đã xuống cấp trầm trọng không còn sửa chữa gì được nữa) thì người ta la lối um sùm. Ông Bê bỏ tiền ra sửa chùa và muốn người ta ghi nhận sự đóng góp của gia đình ông thì đâu có gì sai?

Hình ảnh của gia đình ông có được vẽ trong chùa cũng đâu có gì sai? còn nói là chưa có tiền lệ thì cũng chả đúng vì nếu ai từng đến thăm nhà thờ Huyện Sỹ sẽ nhìn thấy trong nhà thờ tại gian chái bên trái là tượng bán thân ông Huyện Sỹ bằng thạch cao gắn cột đầu, phía sau là phần mộ bằng đá cẩm thạch được trang trí hoa văn. Trên mộ là tượng toàn thân ông Huyện Sỹ kê đầu trên hai chiếc gối bằng đá cẩm thạch được điêu khắc tinh xảo, đầu chít khăn đóng quay về cung thánh nhà thờ, mình mặc áo dài gấm hoa văn tinh xảo, hai tay đan vào nhau trước ngực, chân đi giày. Đối diện bên phải là tượng vợ ông là bà Huỳnh Thị Tài, với tóc búi, cũng dựa trên hai chiếc gối, hai tay nắm trước ngực, mặc áo dài gấm, chân mang hài. Phía trong cùng còn có tượng bán thân của con trai và con dâu ông bà là Gioan Baotixita Lê Phát Thanh (bên phải) và Anna Đỗ Thị Thao.

Nên nhớ là ông Huyện Sỹ đã hiến đất vá 1/7 gia tài của mình (khoảng 6000 lượng vàng) để xây nhà thờ đó cho cộng đồng. Nhà ông Sỹ được chôn, được tạc tượng trong nhà thờ chả thấy ai than phiền cả, hay bây giờ thiện hạ lòng dạ đố kỵ hẹp hòi hơn xưa?

Đối với người Khmer ông Bê là ân nhân. Theo phong tục của họ thì ai xây chùa, làm đường, xây cầu, chợ, trường...cho cộng đồng thì được gọi là okna và được đặt tên cho công trình đó. Ở đây ông Bê chính là một ốc nha (okna) và xứng đáng được đặt tên cho ngôi chùa chứ đừng nói là vẽ hình trong chùa. Tại sao người Kinh cứ muốn áp chế cách suy nghĩ, phong tục tập quán của mình cho dân tộc Khmer?

Với đóng góp của gia đình ông Bê, chùa Vàm ray ngày nay là ngôi chùa Khmer lớn nhất và đẹp nhất Việt Nam, ngày càng có nhiều khách du lịch đến chiêm bái.

Các bạn nên mở rộng lòng mình đừng để mình trở thành người hẹp hòi, đố kỵ. VN bây giờ có nhiều người giàu nhưng có mấy ai bỏ tiền ra xây chùa xây trường xây cầu cho cộng đồng như ông Bê. Va tui không biết ông có "nhóm lợi ích" gì không nhưng hành động từ thiện của ông thật đáng hoan nghênh. Mong ông tiếp tục giúp đỡ đồng bào.



Tôi rất đồng tình và nể phục bác Vaputin.

Poetry 20-04-2013 23:07

Tôi không rõ quan niệm của Thiên Chúa giáo như thế nào về việc này nhưng quan niệm của Phật giáo có khác. Xin giới thiệu ý kiến của Thượng Tọa Thích Nhật Từ (UV dự khuyết HĐTS, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM):

Chưa từng có trong lịch sử Phật giáo



Từ xưa đến nay, trong lịch sử Phật giáo, chùa đều do các thí chủ, người dân phát tâm xây dựng, trùng tu. Thiện chí của người phát tâm cúng dường cần được khích lệ, và việc ghi nhận công đức của gia chủ là công việc và trách nhiệm của nhà chùa, của người trụ trì.

Gia chủ có thể có quyền yêu cầu, còn ghi nhận như thế nào cho phù hợp với văn hóa Phật giáo, văn hóa dân tộc hoàn toàn là việc của nhà chùa. Nếu có yêu cầu nào không phù hợp, nhà chùa cần có giải thích để gia chủ được hoan hỷ.

Trong lịch sử Phật giáo có ngôi chùa được một, hai người đóng góp mà thành, có chùa được xây bởi tấm lòng của hàng ngàn thí chủ, song chưa có trường hợp nào mà hình ảnh những người phát tâm ấy lại treo ở những vị trí quan trọng trong chùa như tôi thấy trên báo đã đăng. Nếu ở những vị trí đó, nhà chùa treo một câu Phật ngôn, hay một bức tranh về lịch sử Phật giáo... thì tính thẩm mỹ, giáo dục ắt hẳn sẽ lớn hơn nhiều.

Về phía thí chủ, cần phải hiểu rằng khi mình phát tâm xây chùa, hay ở đây là trùng tu, ấy là để cho hàng ngàn, vạn người khác cùng sử dụng. Treo ảnh cá nhân sẽ khiến bá tánh nghĩ rằng chùa này của riêng ông A, bà B, và tâm lý tiêu cực ấy sẽ lây lan, không tốt cho cộng đồng, cho nhà chùa, cho cá nhân thí chủ.

Tuy giáo hội không có quy định về việc ghi nhận công đức lớn hay nhỏ của những người phát tâm xây dựng chùa, nhưng từ trước đến nay vẫn được thực hiện theo những cách khá tốt. Xưa vua cho xây dựng chùa cũng không có ghi tên, treo ảnh, chỉ thể hiện trên tên chùa bằng một chữ “sắc tứ...”. Các chùa có ghi tên cá nhân đóng góp cũng chỉ là một tấm bia hay bảng tên nhỏ gắn ở mặt sau chùa để không ảnh hưởng đến hình ảnh Phật, ghi nhận bằng những phiếu công đức. Khi làm lễ lần đầu, tên của các thí chủ phát tâm sẽ được tán dương công đức... và như thế đủ để hoan hỷ, an lạc.

Nguồn: http://giacngo.vn/bandoctoasoan/band.../04/12/16C40B/

VAPUTIN 20-04-2013 23:34

Bạn ạ dùng quan điểm Bắc Tông để phê phán Nam tông thì có cãi nhau đến tận thế thì cũng không phân thắng bại. Vua Campuchia tạc khuôn mặt mình ở Bayon, ghi lại chiến công mình ở Angkor wat. Ảnh vua Thái, hoàng hậu, công chúa Thái ở các chùa mà hoàng gia Thái bỏ tiền ra trùng tu không hiếm đâu. Ông Bê cũng là vua đó chỉ có điều ổng không có ngai vàng mà thôi.

Trong vụ này nghe nói có mùi chính chị chính em bạn ạ do đó bạn nên cẩn trọng để không là cái loa miễn phí của ai ai đó. Không biết bạn và các bạn khác trong 4r này đã cúng chùa được bao nhiêu tiền nhỉ?

Lòng ngay thẳng Va tui phát biểu thôi, có sai các bạn cứ sửa cho.

Poetry 20-04-2013 23:47

Xin giới thiệu tiếp ý kiến của Thượng tọa Lý Hùng (phái Nam Tông):

Trong khi đó, trò chuyện với PV Dân trí về việc này, Thượng tọa Lý Hùng - Ủy viên Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho rằng, chùa là nơi có tính chất cộng đồng, có sự đóng góp chung của đồng bào Phật tử chứ không chỉ của riêng ai, do đó, việc ông Trầm Bê cho treo hình ảnh gia đình ngay chính giữa tường chánh điện là không thể chấp nhận được.

Theo Thượng tọa Lý Hùng, ngày khánh thành chánh điện chùa Giồng Lớn, Thượng tọa có đi tham dự và nghe nhiều Phật tử xung quanh bày tỏ không hài lòng về chuyện này. Thượng tọa Lý Hùng nhấn mạnh: “Làm thiện về cho mình thì chỉ hưởng cho mình, làm để cho thấy riêng mình thôi là điều Đức Phật không dạy”. Do đó, theo Thượng tọa Lý Hùng, ông Trầm Bê làm như thế khác nào đã quên đi công đức của chư tăng, những người sáng lập chùa, coi thường nhiều Phật tử khác khi họ đến chùa cúng viếng.

Ngôi chánh điện thường được xây quay mặt tiền về hướng Đông và cơ bản những hình ảnh trên tường là hình ảnh liên quan đến Đức Phật, thậm chí không treo hình ảnh của những chư tăng sáng lập chứ nói gì đến một Phật tử nào đó. “Gia đình ông Trầm Bê không phải là thần thánh mà được treo hình ảnh của mình giữa chánh điện chùa. Bởi khi Phật tử đến chùa, đi ngang chánh điện, họ chắp tay xá lạy Phật chứ không phải xá lạy gia đình ông Trầm Bê. Ở đây hình ảnh của gia đình ông Trầm Bê treo như thế thì khác nào họ xá lạy gia đình ông này. Việc này là không nên và có thể dẫn đến hệ quả là sẽ không ai đến những ngôi chùa này nữa”, Thượng tọa Lý Hùng thẳng thắn nói.

Theo Thượng tọa Lý Hùng, nếu ông Trầm Bê muốn ghi công đức thì có thể treo ảnh, ghi tên ở một nơi nào đó, hoặc muốn ghi nhớ công ơn cha mẹ, gia tộc thì có thể xây một cái tháp nhỏ ở trong khuôn viên chùa để thờ cúng.

Nguồn: http://phattuvietnam.vn/news/Doi-son...anh-dien-8644/

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi VAPUTIN (Post 187019)
Bạn ạ dùng quan điểm Bắc Tông để phê phán Nam tông thì có cãi nhau đến tận thế thì cũng không phân thắng bại. Vua Campuchia tạc khuôn mặt mình ở Bayon, ghi lại chiến công mình ở Angkor wat. Ảnh vua Thái, hoàng hậu, công chúa Thái ở các chùa mà hoàng gia Thái bỏ tiền ra trùng tu không hiếm đâu. Ông Bê cũng là vua đó chỉ có điều ổng không có ngai vàng mà thôi.

Tôi thấy ở Thái Lan và Cambodia, người dân sùng kính Vua chỉ sau Đức Phật. Khi gặp vua, họ chắp tay trên đầu và quỳ rạp xuống đất rất cung kính. Vì vậy, người dân Thái Lan chấp nhận treo ảnh Vua ở chùa và lễ lạy hình ảnh đó âu cũng là chuyện bình thường ở xứ họ.


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 01:50.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.