Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Lịch sử - Xã hội - Chính trị - Kinh tế ở Việt Nam (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=700)
-   -   Di tích Lịch sử - Văn hóa ở Thủ đô Hà Nội (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=1197)

Poetry 17-05-2008 01:35

Di tích Lịch sử - Văn hóa ở Thủ đô Hà Nội
 
Chùa Một Cột




Chùa nằm giữa một hồ nước hình vuông 16 x 16 m, có tên chữ là Diên Hựu (phúc lành lâu dài). Chùa tọa lạc ở quận Ba Đình, được xây dựng năm 1049 dưới thời vua Lý Thái Tông.



Tương truyền khi ấy, vua Lý Thái Tông đã cao tuổi mà chưa có con trai nên nhà vua thường đến các chùa cầu tự. Một đêm, nhà vua chiêm bao thấy Đức Phật Quan Âm hiện ra trên đài hoa sen ở một hồ nước hình vuông phía tây thành Thăng Long, tay bế đứa bé trai trao cho nhà vua. Ít lâu sau, hoàng hậu sinh con trai. Nhà vua liền cho dựng chùa Một Cột có dáng dấp như đã thấy trong giấc mơ để thờ Phật Quan Âm.



Chùa Một Cột tuy nhỏ nhưng có kiến trúc độc đáo, được tạo dáng như một bông sen cách điệu từ dưới nước vươn lên. Chùa được đặt trên một cột đá hình tròn đường kính 1,2 m dựng giữa hồ Linh Chiểu, trong hồ trồng sen. Chùa có kết cấu bằng gỗ hình vuông mỗi cạnh 3 m, mái lợp ngói uốn cong đầu đao ở 4 góc. Chùa còn có tên chữ là Liên Hoa Đài (Đài Hoa Sen).



Năm 1105, vua Lý Nhân Tông mở rộng kiến trúc chùa, xây cầu, tháp và 4 hành lang chạm vẽ công phu. Chùa được sửa chữa nhiều lần và quy mô còn lại như ngày nay. Năm 1954, thực dân Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã nổ mìn phá chùa. Năm 1955, chùa được phục hồi như cũ.

hat_de 17-05-2008 08:33

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi Poetry (Post 7360)
Chùa Một Cột

tem thiếu nhiều quá
chùa một cột xuất hiện như hình ảnh chính trên tem cũng khá nhiều, có cả trên tem thuế và tem đông dương.
ngoài ra ko kể hơn 100 (một trăm) mẫu tem khác của VN với hình ảnh là họa tiết nhỏ.

Khi nào mượn lại được quyển danh mục tem em sẽ hệ thống lại cho

ngoài ra chùa Một cột còn có trên mẫu "tem trong tem" của VN nữa :D

manh thuong 17-05-2008 11:11

9 File đính kèm
Hồi năm 2006, MT ra thăm Hà Nội, có ghé qua chùa Một cột và ghi lại mấy hình ảnh xin góp vui với anh Poetry cho thêm phần xôm tụ







duca 17-05-2008 17:42

5 File đính kèm
Góp vui cùng các bạn
File Đính Kèm 6621

File Đính Kèm 6622

File Đính Kèm 6791

Poetry 22-05-2008 22:00

Chùa Láng

Chùa có tên chữ là "Chiêu Thiền Tự", chùa thờ Phật và thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh - Quốc sư nổi tiếng thời nhà Lý, sau này chùa còn thờ cả vua Lý Thần Tông. Chùa được dựng vào thế kỉ 12, đời vua Lý Anh Tông (1138 - 1175) ngay trên nền nhà cha mẹ thiền sư Từ Đạo Hạnh tại làng Yên Lãng, huyện Từ Liêm nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.



Bố cục của chùa đối xứng theo một trục dọc: cửa tam triều (tam quan ngoại), tam quan (nội), rồi đến nhà bảo cái (nhà bát giác), với tả vu hữu vu ở hai bên. Chùa chính bố cục "nội công ngoại quốc". Kết thúc toàn bộ ngôi chùa là Hậu đường (nhà Tổ) và các công trình phụ trợ: Lầu chuông, Lầu khánh và sân vườn. Cửa tam triều, tam quan, và nhà bảo cái là những công trình có giá trị nghệ thuật kiến trúc đặc sắc.

Trong chùa còn lưu giữ nhiều đồ thờ cổ. Ở hậu cung ngoài các pho tượng Phật còn có tượng vua Lý Thần Tông bằng gỗ, tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh đan bằng mây, ngoài phủ sơn. Hai dãy hành lang thờ 18 vị La Hán vẻ mặt sinh động, tư thế ngồi thiền khác nhau. Quy mô chùa ngày nay đã qua nhiều lần trùng tu, lần trung tu lớn nhất vào năm 1656.

manh thuong 25-05-2008 16:28

2 File đính kèm
Bác Poetry cho em ké thêm nhé. Các thông tin này em lấy trên mạng thôi

====
Chùa làm trên một khu đất rộng, cây cối um tùm, xưa được coi là “đệ nhất tùng lâm” của Thăng Long (rừng thông đẹp nhất). Đây là nơi tu hành của Từ Đạo Hạnh - Nhà sư nổi tiếng thời Lý. Chùa lập ngay trên nền nhà cũ của cha mẹ ông, tục truyền khi Từ Đạo Hạnh đắc đạo, hóa kiếp ở Chùa Thầy, đầu thai làm con trai Sùng Hiền Hẫu, em vua Lý Nhân Tông. Nhà vua không có con nên lập cháu, con người em làm thái tử và trở thành vua Lý Thần Tông, kiếp sau của Từ Đạo Hạnh.

Trong chùa có nhiều đồ thờ cổ, nhiều tượng Phật, tượng Lý Thần Tông. Đặc biệt pho tượng Từ Đạo Hạnh đan bằng mây phủ sơn bên ngoài, bia đá còn lại tạc năm 1656. Trước đây, chùa còn có cuốn kinh bằng đồng lá của vua Lý thường dùng để tụng niệm. Nay cuốn sách đó đã bị thất lạc.

Hội Láng được tổ chức hàng năm vào ngày 07 tháng 3 âm lịch, trước đây có tục rước kiệu lội qua sông Tô lên làng Dịch Vọng Tiền để thăm mẹ được thờ ở chùa Hoa Lăng.

File Đính Kèm 6947

File Đính Kèm 6948

Poetry 04-05-2010 13:25

3 File đính kèm
Khởi động lại mục này để hướng tới chào mừng Đại Lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội


File Đính Kèm 92222
File Đính Kèm 92223
Văn Miếu trên bưu ảnh Hà Nội xưa.

Di tích này ở 58 phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa. Tên gọi Văn Miếu có từ năm Canh Tuất, niên hiệu Thần Vũ II (1070) đời Lý Thánh Tông. Vua cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Tứ Phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Sau còn cho Hoàng thái tử đến học, vì thế có tên gọi là Thái học.


Năm Bính Thìn, niên hiệu Anh Võ Chiêu Thắng I (1076) lập nhà Quốc Tử Giám, một nhà trường mở rộng cho con em tầng lớp quí tộc đến học. Đây là một trường đại học đầu tiên của dân tộc. Vào đầu đời Trần (1253), đổi thành Quốc học viện. Đến đời nhà Lê (1483) đổi thành Thái Học đường cho tới đầu thế kỷ XIX, khi kinh đô chuyển vào Huế, nhà Nguyễn lập Quốc Tử Giám ở Huế nên nơi này lại mang tên Văn Miếu và tồn tại cho tới ngày nay.

Với việc thành lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nho giáo đã trở thành cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển, dù rằng lúc đó Nho giáo mới bắt đầu hưng thịnh ở Việt Nam.

Năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh IV (1075), Lý Nhân Tông cho tổ chức khoa thi Minh Kinh bác học đầu tiên và khoa thi Nho học tam trường. Nhà Lý đã tổ chức được 7 khoa thi.

Nhà Trần tổ chức được 19 khoa thi, đặc biệt từ khoa thi Thái học sinh thứ 3 (1247), triều đình định ra tên gọi cho 3 người đỗ cao nhất thuộc Đệ nhất giáp là Trạng nguyên, Bảng nhãn và Thám hoa.

Triều Hồ cũng rất coi trọng Nho học, Hồ Quý Ly đã dịch Tứ thư, Ngũ kinh sang Quốc âm (Nôm) để dạy vua và các hậu phi.

Năm 1404, Hồ Hán Thương xuống chiếu quy định cứ 3 năm thi Hội một lần, các giám sinh phải thi qua 4 kỳ. Sang thời Lê, Quốc Tử Giám mang tên Thái học viện. Nhà trường mở rộng, có qui mô học đường, có ký túc xá, lại là nơi trực tiếp in sách. Nhà Lê tổ chức được 30 khoa thi song chỉ từ khoa Tiến sĩ đầu tiên đời vua Lê Thái Tông năm Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo III (1442) trở đi thì cứ 6 năm tổ chức 1 kỳ thi. Đời vua Lê Thái Tông, chế độ học hành thi cử trở nên nền nếp, cứ 3 năm mở 1 khoa thi, những người đỗ đạt được triều đình tổ chức lễ “xướng danh”, ban trao bảng vàng, áo mũ… được vinh qui bái Tổ. Lê Thánh Tông, một ông vua có nhiều cống hiến cho đất nước, rất chú trọng việc đào tạo hiền tài. Năm 1484, vua đã cho khắc tên những người đỗ tiến sỹ lên bia đá để lưu lại trong lịch sử khoa cử của đất nước kể từ khoa thi năm 1442.

Đến khi nhà Mạc chiếm ngôi, trong thời gian trị vì, nhà Mạc cũng tổ chức được 22 khoa thi, hiện có 1 khoa được dựng bia tại Văn Miếu, đó là khoa thi năm 1529 đời vua Mạc Đăng Dung.

Đến đầu thời Nguyễn, vua Gia Long dời Quốc Tử Giám vào Huế, đồng thời chấm dứt các kỳ thi Hội, thi Đình ở Thăng Long.

Ngoài giá trị lịch sử - văn hóa, Văn Miếu Hà Nội còn có giá trị về kiến trúc nghệ thuật, là công trình kiến trúc tiêu biểu của Nho giáo đã được xây dựng từ năm 1070 và trải qua nhiều triều đại cũng được trùng tu, sửa chữa nhiều vào các năm 1243, 1253, 1483, 1511; đến năm 1762 chúa Trịnh Doanh cho tu sửa lớn Quốc Tử Giám mà các sách chính sử đều đã ghi “… Cửa Đại Thành 3 gian 2 chái, lợp ngói bằng đồng. Đông Vũ và Tây Vũ mỗi dãy 7 gian, đằng sau có 1 cửa nhỏ 1 gian, điện Canh Phục 1 gian 2 chái… nhà bia 2 phía đông tây mỗi dãy 12 gian. Khoa để ván in 4 gian… nhà giảng dạy 2 dãy mỗi dãy 14 gian, phòng học của học sinh ở phía đông tây đều 3 dãy, mỗi dãy 25 gian, mỗi gian 2 người…”.

Các năm 1785, 1789 tiếp tục trùng tu và tới 1805 cho xây Khuê Văn Các (gác tượng trưng cho sao Khuê – sao Chủ về Văn học) (bấm vào đây để xem thêm thông tin về Khuê Văn Các). Năm 1863 cho dựng lại 2 nhà bia đông tây, mỗi dãy 11 gian để che 82 tấm bia Tiến sĩ khỏi nắng mưa xói mòn.


Hiện trong Văn Miếu có 82 tấm bia Tiến sĩ được dựng từ năm 1484 đến năm 1780, trên bia ghi rõ quê quán, tên tuổi của 1.304 vị đỗ đại khoa. Ngày 09-03-2010, bia Tiến sĩ tại Văn Miếu đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới (bấm vào đây để xem thêm thông tin về bia Tiến sĩ).

Văn Miếu - Quốc Tử Giám được trùng tu lớn, dựng lại khu Thái học như xưa đúng vào dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội để lưu giữ và bảo tồn một trường đại học quốc gia đầu tiên của đất nước.

Văn Miếu Quốc Tử Giám là một trong 12 di tích lớn của đất nước đã được công nhận di tích lịch sử - văn hóa đợt đầu vào năm 1962.

(Theo Hà Nội - Di tích Lịch sử Văn hóa và Danh thắng, Doãn Đoan Trinh, Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam, Hà Nội, 2002, tr736-738)


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 15:41.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.