Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Lang thang lượm lặt (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=157)
-   -   Những hình ảnh đau lòng về lao động trẻ em (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=10312)

ngotthuha231 22-06-2012 20:06

Những hình ảnh đau lòng về lao động trẻ em
 
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra một thông điệp trên trang web của mình: "Hàng trăm triệu trẻ em gái và trẻ em trai trên khắp thế giới đang phải lao động để kiếm sống. Điều này đã tước đi của các em quyến được giáo dục đầy đủ, sức khỏe, giải trí và các quyền tự do cơ bản khác. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng quyền của trẻ em".

Hãy cũng điểm qua thực trạng xã hội nhức nhối này qua các bức ảnh do phóng viên các hãng thông tấn quốc tế ghi nhận, được giới thiệu trên trang BOSTON.COM.


Bàn tay nhem nhuốc của một đứa trẻ Afghanistan tại các nhà máy sản xuất gạch Sadat ở Kabul, nơi trẻ em làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều hàng ngày. Lao động trẻ em khá phổ biến tại các nhà máy gạch, nơi các bậc cha mẹ chúng phải lao lực để kiếm những đồng tiền công ít ỏi. Những đứa trẻ thường tham gia phụ giúp cha mẹ mình để công việc trở nên nhẹ nhàng hơn.


Cậu bé Czoton, 7 tuổi, làm việc tại một nhà máy sản xuất bong bóng ở vùng ngoại ô của Dhaka, Bangladesh. Khoảng 20 trẻ em trong nhà máy này và hầu hết trong số chúng làm việc 12 giờ một ngày.


Maya, cô bé sắp 16 tuổi đang làm gái mại dâm trong căn phòng nhỏ của cô tại khu Kandapara ở Tangail, một thành phố Đông Bắc Bangladesh. Phục vụ khoảng 15-20 khách hàng, cô được khoảng 300-500 Taka mỗi ngày (tương đương 3,66 - 6,11 USD). Cô có một đứa con trai 4 tuổi, hiện đang sống với bố mẹ cô ở Barisal. Maya là một trong hàng trăm công nhân tình dục, chủ yếu là thanh thiếu niên, đang phải sống một cuộc sống khổ nhục tại khu ổ chuột Kandapara. Những người như cô thường phải uống Oradexon, loại thuốc tăng trọng mà nông dân sử dụng để vỗ béo gia súc của họ để có cơ thể nở nang và hấp dẫn hơn đối với khách hàng.


Shefali, một gái mại dâm 11 tuổi, đang được chỉnh trang lại đôi lông mày ở căn phòng nhỏ của mình tại khu Kandapara, Bangladesh. Shefali được sinh ra trong khu nhà thổ Kandapara, và mẹ cô cũng là một gái mại dâm. Cô phải phục vụ khoảng 20-25 khách hàng mỗi ngày, nhưng không biết mình kiếm được bao nhiêu tiền vì tất cả đều bị chủ nhà chứa thu. Đổi lại, cô được ăn 3 bữa mỗi ngày và thường được tặng các món quà khác nhau.


Một cậu bé nhập cư Ấn Độ làm việc trong một nhà máy sản xuất sari (trang phục truyền thống của phụ nữ Nam Á) tại Katmandu, Nepal.


Một bé gái Mianmar đội chậu xi măng trên đầu khi làm việc tại công trường xây dựng một khách sạn ở thủ đô mới thành lập NayPyiTaw.


Cậu bé khoảng 4, 5 tuổi Jacques Monkotan đang đập đá trong một mỏ ở Dassa Zoume, Benin. Tại khu vực này, trẻ em thường không được đến trường mà phải đến các điểm khai thác đá để giúp bố mẹ kiếm tiền sinh nhai.


Một cậu bé Bangladesh làm việc tại một nhà máy sản xuất nồi nhôm ở Dhaka. Từ tháng 9/2003 Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã công bố bản báo cáo rằng hơn 6.3 triệu trẻ em dưới 14 tuổi phải lao động tại Bangladesh.


Một cậu bé làm sạch các bộ phận của một chiếc xe tải ở New Delhi, Ấn Độ.


Các cậu bé ở khu vực Darfur (Khartoum, Sudan) đang làm những viên gạch bằng bùn. Nhiều trẻ em ở Darfur sống trong khu ổ chuột bên ngoài Khartoum và cố gắng kiếm sống bằng cách bán gạch bùn hoặc các công việc lặt vặt khác.


Một đứa trẻ thu hoạch hạt cà phê tại một trang trại ở El Paraiso, 120 km về phía đông của Tegucigalpa, Honduras. Honduras, đất nước đang hy vọng sẽ trở thành nước xuất khẩu cà phê đầu tiên ở Trung Mỹ không có điều luật nào quy định về vấn đề lao động trẻ em.


Một công nhân trẻ em dùng xẻng gom cà phê tại một đồn điền ở El Paraiso, Honduras. Trên các sườn đồi núi của miền Đông Nam Honduras, hàng ngàn nhà máy chế biến cà phê mới mọc lên, và lao động trẻ em được tận dụng triệt để.


Một bé gái xếp các viên gạch để phơi khô dưới ánh sáng mặt trời tại một nhà máy sản xuất gạch trong làng Chheuteal, tỉnh Kandal, Campuchia.


Một cậu bé làm việc tại một kho than vào gần Lad Rymbai, hạt Jaintia Hills, Ấn Độ. Mặc dù trường học địa phương miễn học phí, nhưng vẫn rất khó khăn để thuyết phục cha mẹ các đứa trẻ về những lợi ích của giáo dục, thay vì coi trẻ em là nguồn thu nhập của gia đình.


Một bé gái cố gắng giấu mình đằng sau một khung cửi dệt vải trong cuộc đột kích của cảnh sát và các nhà hoạt động vì quyền trẻ em vào một nhà máy ở New Delhi, Ấn Độ. 38 lao động trẻ em đã được cứu thoát từ các nhà máy dệt trong đợt truy quét này. Hàng chục trẻ em khác được cho là đã trốn thoát.


Những đứa trẻ được giải thoát trong vụ đột kích ở New Delhi đang trả lời các câu hỏi của nhân viên cảnh sát tại văn phòng thẩm phán cấp huyện. Mặc dù Ấn Độ có các điều luật ngăn cấm lạm dụng lao động trẻ em, các cuộc lục soát của cảnh sát cho thấy vẫn có rất nhiều trẻ em nhập cư từ các tiểu bang Bihar và Uttar Pradesh bị bóc lột sức lao động trong các điều kiện tồi tệ.


Một cậu bé Afghanistan lái chiếc xe ngựa để chuyển gạch vào các lò gạch tại Kabul, Afghanistan.


Một cậu bé cắt hoa hồng trong nhà kính Cruz Blanca, San Juan Sacatepequez, gần Guatemala City. Canh tác và buôn bán hoa hồng là hoạt động kinh tế đem lại lợi nhuận lớn nhấn ở San Juan Sacatepequez.


Một cậu bé Iraq làm việc trong một nhà máy sản xuất nước đá ở khu Sadr của Baghdad.


Pablo Brothers, 15 tuổi (phải) và Jose Gonzales, 14 tuổi (trái) làm việc trong một khu mỏ tại vùng đồi Cerro Rico ở Potosi, Bolivia.


Một chiếc thang máy thô sơ đưa những người thợ trẻ em lên mặt đất từ một hầm mỏ sâu 300ft ở một ngôi làng vùng Latyrke, gần Lad Rymbai (Ấn Độ), khi những đứa trẻ bắt đầu đi ăn trưa. Nhiều mỏ than tư nhân ở Ấn Độ nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước. Điều kiện làm việc ở đây thường không bảo đảm với các công cụ thô sơ, bảo hộ lao động rất kém, và tình trạng sử dụng lao động trẻ em cưỡng bức xảy ra phổ biến. Theo các tổ chức phi chính phủ của Ấn Độ, có khoảng 5.000 mỏ than tư nhân ở vùng đồi Jaintia, với 70.000 thợ mỏ trẻ em.


Một cậu bé Ấn Độ treo quần áo sau khi nhuộm tại một nhà máy sản xuất thuốc nhuộm ở Mumbai, Ấn Độ.


Cô bé 5 tuổi Naginah Sadiq, người Pakistan, đang bê đất sét khi làm việc trong một nhà máy sản xuất gạch ở ngoại ô Islamabad, Pakistan. Naginah kiếm được 250 rupee (2,77 USD) mỗi ngày cùng với cha mình.


Masud, 6 tuổi, khoe các phế liệu mà cậu thu thập gần cửa hàng phụ tùng xe ở Dholaikhal, Dhaka, Bangladesh. Theo người dân địa phương, khoảng 10.000 người, 1/3 trong số đó là trẻ em, làm việc trong khu vực Dholaikhal của thành phố. Khu vực này được biết như nơi để tìm các bộ phận phụ tùng xe. Công nhân làm việc khoảng 17 giờ một ngày và kiếm được khoảng cách 70-100 takas mỗi ngày (0,85 - 1,22 USD).


Một lao động trẻ em phơi khô các tấm da mới được thuộc ở Dhaka, Bangladesh.


Các bé gái tỏ ra sợ hãi khi được giải thoát từ một nhà máy ở Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, phía Nam Trung Quốc. Trung Quốc đang điều tra tình trạng hàng trăm trẻ em, độ tuổi từ 9 đến 16, đã được bán cho các nhà máy ở Quảng Đông trong 5 năm qua để làm việc như nô lệ, các phương tiện truyền thông nước này cho biết.


Một cậu bé đãi vàng trên một bờ sông tại Iga Barriere, trong khu vực giàu tài nguyên Ituri của miền Đông Congo.


Trẻ em khu ổ chuột đang học tại một trường học ven đường ở Hyderabad, Ấn Độ. Những trường học đường phố được tổ chức để giáo dục trẻ em nghèo trong một nỗ lực để ngăn cản nguy cơ từ mạng lưới lao động trẻ em.


Một bé gái Iraq cưỡi một con lừa kéo một bao tải gạch tại một nhà máy sản xuất gạch ở miền nam Iraq.


Trẻ em Ấn Độ làm việc gần cha mẹ của mình tại một dự án xây dựng ở phía trước sân vận động Jawaharlal Nehru ở New Delhi, Ấn Độ. Trẻ em được phép đi cùng cha mẹ đến nơi làm việc, nơi chúng sẽ nhận được tiền mua bánh mì và sữa và bữa ăn tối do nhà thầu cung cấp, nếu tỏ ra được việc.


Shaheen, 10 tuổi, làm việc trong một nhà máy sản xuất nhôm ở Dhaka, Bangladesh.


Mithun, 11 tuổi, taọ dáng chụp ảnh tại một mỏ gạch đá ong ở Ratnagiri, cách thành phố Mumbai của Ấn Độ 360 km về phía Nam. Em được trả hai rupee Ấn Độ (0.04 USD) cho mỗi viên gạch được vận chuyển ra khỏi mỏ. Mỗi ngày, em chuyển được khoảng 100 viên gạch. Mỗi viên gạch nặng khoảng 40kg, được bán trên thị trường với giá 10-14 rupee (0,22 - 0,31 USD).


Các cậu bé làm việc tại một cửa hàng bán than trong giờ nghỉ ngơi ở Yangonk, Mianmar.


Một thợ mỏ trẻ em giữ chặt sợi dây thừng khi trèo xuống một hầm sâu tại vùng Anzanakaro của Madagasca. Thợ mỏ địa phương phải làm việc trong những lỗ sâu và rất hẹp, nơi họ cạo sỏi và cát trong nỗ lực tìm kiếm đá saphia. Theo một nghiên cứu chính thức của Madagascar, trong số 21.000 trẻ em sống trong khu vực, 19.000 em phải lao động cùng gia đình.


Habib, 8 tuổi, làm việc tại một xưởng chế tạo chân chân vịt cho tàu thuỷ thuộc một xưởng đóng tàu bên sông Buriganga ở Dhaka, Bangladesh.


Ali, 13 tuổi, bán bánh kẹo tại bãi biển Clifton ở Karachi, Pakistan.


Một đứa trẻ Ấn Độ quay đầu nhìn vào máy ảnh khi đang thu thập các bộ phận phụ tùng tái chế tại xưởng sửa chữa ô tô ở vùng ngoại ô Jammu, Ấn Độ. Ấn Độ vẫn là nơi có số lượng lao động trẻ em lớn nhất trên thế giới bất chấp nỗ lực của các chính phủ kế tiếp nhau để giải quyết các vấn đề thông qua giáo dục bắt buộc và các chương trình chống đói nghèo.



Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 06:42.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.