Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   TEM Đông Dương in đè (tem tạm thời) : 1945 - 1946 (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=15)
-   -   Con tem và lịch sử - Tác giả Dương Trung Quốc (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=2576)

tugiaban 02-12-2008 21:46

Con tem và lịch sử - Tác giả Dương Trung Quốc
 
Con tem và Lịch sử


1.
Con tem bưu chính nhỏ bé nhưng dường như ngay từ lúc mới ra đời nó đã mang biểu trưng mang tính quốc gia. Do đặc trưng luôn gắn với những bức thư gửi đến muôn phương nên sức truyền bá của nó vô cùng mạnh mẽ, không chỉ trong nội địa mà tới nhiều quốc gia khác. Do vậy con tem có thể được hiểu như một thông điệp chứa đựng nhiều ý nghĩa văn hoá, chính trị và trong chừng mực nào đó cả ý nghĩa lịch sử nữa.
Năm 1945, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam độc lập với quốc hiệu “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” đã ra đời. Có thể tin chắc rằng sự lan truyền thông tin sớm nhất về sự ra đời một nước Việt Nam mới, một quốc gia độc lập, có thể chế Dân chủ - Cộng hoà được gửi tới nhiều đồng bào trong nước và thế giới chính là qua những con tem đựơc dán trên các bì thư.
Ngay với những con tem của chế độ cũ với ký hiệu địa lý là “Indochine” đã được ngành bưu chính cách mạng xử lý một cách rất sáng tạo là in chồng vào vị trí thích hợp trên con tem cũ dòng ghi quốc danh mới “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” chính là một thông điệp thể hiện rất rõ ý nghĩa cách mạng được thể hiện trên con tem : chấm dứt chế độ chính trị cũ nhưng vẫn kế thừa những giá trị hữu dụng của các phương tiện phục vụ dân sinh. Với phần lớn các con tem đựơc “lưu dung” đều mang nội dung văn hoá hay ít mang nội dung chính trị. Đây cũng là một nét riêng mang dấu ấn lịch sử của sưu tập tem Việt Nam mà những người sưu tập hay nhữnh người quan tâm đến lịch sử ngành bưu chính nói chung, con tem Việt Nam nói riêng. (Cho đến nay vẫn chưa rõ ai là người đã đưa ra sáng kiến này và đã có quốc gia nào thực hiện phương cách này chưa ?).
Tuy nhiên một con tem “chính hiệu” mở đầu cho lịch sử tem Việt Nam phải là sản phẩm trí tuệ, nghệ thuật, công nghệ Việt Nam và phải là sản phẩm trực tiếp phản ảnh thành quả của cuộc cách mạng và của một nhà nước độc lập. Đó là con tem chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát hành vào thời điểm mà hôm nay chúng ta trân trọng kỷ niệm tròn 60 năm.
Thật là có ý nghĩa khi con tem đầu tiên ghi dấu ấn lịch sử về sự ra đời của một chế độ cách mạng của một nhà nước Việt Nam độc lập lại là bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý nghĩa ấy không chỉ sâu sắc bởi vị thế của nhân vật lịch sử là một lãnh tụ cách mạng, người kiến tạo nên nhà nước Việt Nam độc lập mà nó còn phản ảnh được phân nào tình cảm của cả một dân tộc vừa thoát ra khỏi chế độ thực dân và phong kiến đối với một nhân vật của lịch sử. Cùng với thời gian, 60 năm qua những giá trị ấy không những còn nguyên vẹn mà càng trở nên sâu sắc bởi thực tiễn sống động của thực lịch sử dân tộc ta trước những thử thách và đạt tới những thành tựu to lớn. Rất mong con tem này cùng những hiện vật lịch sử có liên quan (các văn bản khai sinh,phác thảo mẫu, tác giả, các phương tiện in ấn... và chính những con tem) xứng đáng ở vào một vị trí trang trọng không chỉ tại Bảo tàng của ngành mà hoàn toàn xứng đáng có mặt tại những bảo tàng Quốc gia như một trong những dấu ấn khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, vì những đặc thù vốn có của con tem. Những con tem mang nhật ấn ngày 2-9-1946 , ngày phát hành đầu tiên, cũng là dịp tổ chức lễ Quốc khánh đầu tiên tại một nước Việt Nam độc lập đáng được gọi là báu vật quốc gia.
2.
Kể từ đó, những con tem Việt Nam liên tục được phát hành thực hiện những công năng phổ biến trong ngành bưu chính và cùng với thời gian đã hình thành một sưu tập tem Việt nam phong phú và hội nhập với hệ thống tem của thế giới. Ngoài công năng của một phương tiện liên lạc, nó vẫn không ngừng phát huy vai trò là những thông điệp truyền bá những thông tin về đất nước ta, đặc biệt là trong quan hệ quốc tế.
Nội dung tem vô cùng phong phú những chắc chắn những nội dung liên quan đến lịch sử thường chiếm một vị trí quan trọng và có giá trị lâu dài làm phong phú cho những bộ sưu tập.Và tự thân mỗi con tem, qua thời gian cũng tự tạo nên những gia trị mang tính lịch sử của riêng những con tem ấy. Ví như, một con tem đươc phát hành để chào mừng Đại hội Đảng, khi ra đời nó chỉ phản ảnh một sự kiện mang tính thời sự nhưng cùng với độ lùi của thời gian con tem ấy sẽ mang ý nghĩa như những dấu ấn của một sự kiện nay đã mang tính lịch sự
Về nội dung của những con tem liên quan đến thể tài lịch sử thường là : các sự kiện (thường được phát hành vào các dịp kỷ niệm chẵn theo một tần số nhất định)- nhân vật (cũng như vậy) – di tích lịch sử – hiện vật lịch sử. Bên cạnh những nội dung liên quan đến lịch sử Việt Nam, còn có thể đề cập tới một số nội dung liên quan đến lịch sử thế giới ( sự kiện Cách mạng tháng 10 Nga... chân dung các danh nhân lịch sử thế giới...).
Trong số các đề tài lịch sử, giai đoạn lịch sử hiện đại Việt Nam gắn với cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, cũng bao gồm cả lịch sử Đảng CSVN có một vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Trước hết, là một phần lịch sử dân tộc gắn liền với chế độ chính trị đương đại, sự kiện phát hành và tự thân những con tem đã mang một ý nghĩa chính trị sâu sắc. Nó thể hiện sự trân trọng và tôn vinh các sự kiện và nhân vật (là những nhà lãnh đạo lớn hay những nhân vật anh hùng có công trạng lớn) cũng như những giá trị cần truyền đạt tới xã hội nhằm phát huy những giá trị ấy vào cuộc sống hiện tại.
Trong điều kiện chiến tranh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng thiếu thốn khi nhà nước cách mạng còn rát non trẻ đã buộc phải cầm súng chiến đấu, khi khả năng ngành bưu chính phục cụ dân sinh còn bị hạn chế vì tình trạng chiến tranh và phương tiện liên lạc, số lương, số mẫu tem được phát hành còn rất khiêm tốn. Nhưng có thể nói là từ khi một nửa nước được giải phóng, một phần hệ thống bưu chính có điều kiện hoàn chỉnh thành một thiết chế được điều hành mang tính quốc gia, nhu cầu bưu chính tăng cao cùng với sự phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và mở mang quan hệ quốc tế, số lượng tem và số mẫu tem phát hành càng lớn. Nhu cầu hội nhập với đời sống quốc tế của con tem, trong đó có tập quán sưu tập tem càng đòi hỏi chất lượng trong đó có chất lượng về nội dung của con tem ngày càng đòi hỏi cao. Hơn thế nữa, với độ lùi cần thiết của thời gian những nội dung mang tính lịch sử cách mạng được phản ánh trong con tem ngày càng phong phú. Và sẽ hình thành như một quy luật, sự nghiệp cách mạng càng phát triển cùng với thời gian thì đề tài lịch sử cách mạng cang trở nên phong phú và có một giá trị ngày càng cao trong bộ sưu tập tem Việt Nam.

3.
Khi đã trở thành một đối tượng phản ảnh (nội dung) ngày càng phong phú và quan trọng, số lượng mẫu mã ngày một nhiêù thì đồng thời việc tổ chức sáng tác, sản xuất và phát hành những con tem mang thể tài lịch sử cũng đòi hỏi sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện (sản xuất) đối với loại hình tem này càng phải được quy chuẩn hoá để bảo đảm cả hai yêu cầu của một con tem, chất lượng nội dung và hình thức.
Là một người tằng nhiều năm có quan hệ chặt chẽ với ngành bưu chính trên lĩnh vực nghiên cứu lịch sử cũng như trực tiếp hợp tác tư vấn với việc làm tem thể tài lịch sử, tôi xin có mấy ý kiến sau :
a. Việc làm tem phải có một chương trình chủ động và có thời gian chuẩn bị thích hợp. Chủ động tổ chức nghiên cứu và hợp tác với giới sử học sẽ làm cho chất lượng con tem tốt hơn, trước hết nhờ có thời gian vật chất cần thiết. Lâu nay, trên thực tế, mối quan hệ giữa cơ quan bưu chính và giới sử học thông qua các cơ quan, tổ chức chuyên ngành (như Viện Sử học, Hội Sử học...) có được thực hiện thường xuyên. Nhiều thành viên có trách nhiệm của các tổ chức này được mời tham gia vào những hội đồng tư vấn và trên thực tế đã phát huy được hiêụ quả nhất định.
Tuy nhiên, phần lớn chương trình được phía bưu chính chuẩn bị trước và chuyển cho phía sử học góp ý kiến. Điều đó không sai, nhưng nếu như phía các tổ chức và cơ quan sử học cũng thường xuyên chủ động kiến nghị thì chủ trương sẽ chuẩn xác hơn. Tránh đôi lần phải “chữa cháy”. Như thế cần có một chương trình dài hạn hơn là 1 năm để đón trước.
Đôi khi vì coi nhiều con tem mang ý nghiã chính trị cao nên sự tư vấn không đầy đủ cũng có thể gây ra những tình huống phức tạp. Tôi lấy ví dụ, vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng (2-2000), ngành bưu chính đã chuẩn bị kỹ (có sự tư vấn của giới sử học) chương trình phát hành tem năm 2000 và dịp kỷ niệm này. Mẫu tem đã duyệt.. Những đột xuất, từ ý tưởng từ phía một Ban của Đảng đưa xuống, ngành bưu chính phải thay đổi toàn bộ và khẩn trương triển khai một phương án hoàn toàn khác với số mẫu tăng gấp 5 lần (2/10) và phương thức thể hiện hoàn toàn khác (từ hình tượng biểu trưng thành chân dung các nhà lãnh đạo). Khái niệm đưa ra (đề bài) không rõ ràng là “các lãnh tụ” của Đảng và lấy tiêu chí là các Tổng Bí thư từ khi thành lập đến nhiệm kỳ đương đại. Nhận nhiệm vụ này, ngành bưu chính vừa thấy khối lượng quá lớn, lại quá gấp (chỉ hơn 1 tháng từ khi chủ trương) lại còn một số vấn đề nghiệp vụ chưa giải quyết được mà quan trọng hơn hết là có làm tem chân dung các (2 vị) Tổng bí thư đang sống hay không ?.Mặc dù, lịch sử tem của chúng ta đã có tiền lệ làm tem Chủ tịch Hồ Chí Minh khi người còn sống (chính con tem đầu tiên cũng rơi vào trường hợp này) nhưng phải coi đó là một ngoại lệ, nhất là vói những nhà chính trị hiện đại thế hệ sau.
Sự lúng túng ấy đã không được giải quyết dứt điểm khi taị cuộc họp bàn có đại diện của Ban Đảng. Do vậy, ngành bưu chính vẫn phải triển khai thực hiện như chủ trương ban đầu ví đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng... Rất may, nhờ những thông tin kịp thời, vị Tổng bí thư đương nhiệm đã chủ động yêu cầu điều chỉnh, rút xuống còn 8 mẫu tem, không thực hiện việc làm tem nhưĩng người còn đang sống hay tại chức. Cuối cùng thì mọi việc đã kết thức tốt đẹp và việc phát hành bộ tem đúng thời hạn, có chất lượng tốt lại tránh được những điều phiền toái có thể nẩy sinh. Bài học ở đây là chương trình đưa ra phải thẩm định được tầm quan trọng của mối đề tài cụ thể, cần sớm xin ý kiến những cơ quan có trách nhiệm nhất và kiên quyết bảo vệ các nguyên tắc nghề nghiệp của ngành.
b) Một quy chế và lộ trình thực hiện một con tem đã được duy trì từ lâu. Nhưng cũng cần xây dựng những tiêu chí để đánh giá cho thống nhất từ cách thể hiện đến những cấm kỵ cần có. Cho dù việc thu hút người sáng tác mẫu không chỉ bó hẹp trong một số người, có thể mở rộng ra ngoài ngành bưu chính, nhưng cần có những tiêu chí được tích hợp qua kinh nghiệm được hướng dẫn cụ thể khi ra đề bài. Đương nhiên, qua quá trình lâu dài chúng ta pjải có một đội ngũ sáng tác ngày cấng mang tính chuyên nghiệp.
Sự tư vấn của các nhà chuyên môn ngoài ngành, trong đó có sử học là rất cần thiết, những các nhà tư vấn cũng cần phải mang tính chuyên môn hơn bằng sự am hiểu về những đặc trưng ngôn ngữ thể hiện của tem, những thông tin về mẫu tem cần thiết để tránh trùng hợp cũng là góp phần thực hiện tốt luật bảo vệ bản quyền trí tuệ (một vấn đề ngày càng được quan tâm và nghiêm khắc). Điều này cũng hạn chế những tư vấn còn mang cảm tính hay không khả thi đối với những người sáng tác mẫu.
Rất cần có hình thức để cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan không phải chỉ tại cấc cuộc họp tư vấn về những đề tài cụ thể mà nên khái quát thành những vấn đề lớn mang tính đặc trưng của tem Việt Nam. Ví như, một đặc điểm khác biệt với nhiều quốc gia khác là Việt Nam không có hoặc có rất nghèo nàn một di sản tạo hình cụ thể về đời sống cung đình cũng như dân gian. Sự nghèo nàn về tư liệu, đặc biệt là chân dung những nhân vật lịch sử khiến việc phóng tác những nhân vật lịch sử Việt Nam rất khó khăn phải khai thác tính ước lệ vân vân. Giải pháp nào đẻ khắc phục khi làm các đề tài thuộc thời kỳ phong kiến v.v...
Tóm lại, theo tôi, sau hoạt động kỷ niệm trọng thể này, đã đến lúc nên có những cuộc hội thảo chuyên đề theo sát những vân đề thực tế nhằm nâng cao tay nghề của các nhà chuyên môn cũng như tạo mối quan hệ tốt hơn nữa hiệu quả hơn nữa giữa ngành bưu chính với các ngành chuyên môn có liên quan. Mỗi con tem về thể tài lịch sử ngoài nội dung lịch sử được chứa đựng trong con tem còn cả những giá trị lịch sử phản ánh thời đại mà con tem ra đời cùng với sự truyền đạt những thông điệp cho nhiều đời sau lịch sử oai hùng của dân tộc.





Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử VN

vnmission 02-12-2008 22:23

Tôi thấy cái ông DTQ này đề cao các nhà sử học là chính, chứ kiến thức về tem thì hơi bị buồn. Nếu bắt CTT hỏi ý kiến các nhà sử học, các "nhà" khác cũng đòi theo thì biết nghe ai? Xin lỗi ông DTQ, nhưng theo tôi, đáng hỏi ý kiến nhất là người sưu tập tem, chứ không phải bất kỳ "nhà" nào.

hat_de 02-12-2008 23:38

bài viết trên đã từng đăng trên trang chủ của Trung Ương Hội tem

----------

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi vnmission (Post 33844)
Tôi thấy cái ông DTQ này đề cao các nhà sử học là chính, chứ kiến thức về tem thì hơi bị buồn. Nếu bắt CTT hỏi ý kiến các nhà sử học, các "nhà" khác cũng đòi theo thì biết nghe ai? Xin lỗi ông DTQ, nhưng theo tôi, đáng hỏi ý kiến nhất là người sưu tập tem, chứ không phải bất kỳ "nhà" nào.

bác VNMS nói cũng có lý. Tuy nhiên có thể hiểu va thông cảm. bác DTQ có thể quan tâm tới tem, nhưng ko thể hiểu sâu về nó. Và chúng ta cũng ko kì vọng ông hiểu thật sâu về tem được. 1 ngày chỉ có 24 h, và một người có rất nhiều việc phải làm. Kiến thức về tem của bác i có thể "buồn" so với ta, nhưng cũng ko thể phủ nhận hoàn toàn. Tất nhiên em ko có ý rằng bác VMS phủ nhận kiến thức tem của bác TQ.


Năm 2000 em có lên TL tem do CLB tem SV tổ chức bên Hồ Gươm, ông ấy ông DTQ cũng có mặt.... rùi thì cậu Thắm Qn, 1 nhà sưu tầm trẻ về tem và tiền cũng hay có những buổi giao lưu gặp mặt với nhóm hay tổ chức gì đó liên quan tới viện sử học thì phải. Tóm lại bác DTQ cũng là 1 người có tiếp xúc tem, với phogn trào tem cụ thể, triển lãm cụ thể và nhà sưu tập cụ thể


Bác DTQ là 1 nhà sử học, và có cách thể hiện suy nghĩ, diễn đạt vấn đề 1 cách rất hàn lâm và học thuật. Cảm giác nó rất khó vào đời sống #:-s. Và "tem" mà bác ấy nhắc tới chỉ là 1 phần của tem VN.

Nói tóm lai em thì em nghĩ rằng, sự quan tâm của 1 nhà sử học như vậy tới tem là tạm ổn. Em cũng đồng ý với bác VMS rằng

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi vnmission (Post 33844)
....đáng hỏi ý kiến nhất là người sưu tập tem, chứ không phải bất kỳ "nhà" nào.

Hoàn toàn chính xác, tuy nhiên vế 2 cũng hơi ấy quá ... con tem là 1 sản phẩm chung cho toàn Xh, và là sản phẩm đặc biệt cho người chơi tem, vì người chơi tem coi nó như món sưu tầm, như đối tượng nghiên cứu ... thậm chí như những ... nốt nhạc =)) .... Tuy nhiên trong mối quan hệ trở lại, thì người chơi tem ko phải yếu tố độc nhất. Vậy nên ý kiến của người sưu tầm tem là số 1 và của những đối tượng khác trong XH cũng nên cân nhắc !

Vài dòng dại dột có gì ko phải mong cả nhà bổ quá cho :D

The smaller dragon 04-12-2008 05:22

Việc phát hành tem bưu chính rất quan trọng vì tem không chỉ là cái "biên lai bưu cước" mà còn là những hình ảnh tuyên truyền tích cực và hữu hiệu về một dân tộc và một đất nước.

Thông thường, chỉ có sự phối hợp chặt chẽ của nhiều ngành chuyên môn trên tầng cấp quốc gia mới đạt được tác dụng nói trên của con tem bưu chính. Việc phối hợp giới hạn của một hai ngành thường đưa đến những sai sót tai hại. Chẳng hạn như năm 1962, người ta đã phải thu hồi con tem Đai Hội Thể Dục Thể Thao 12 Nước Xã Hội Chủ Nghĩa vì mẫu vẽ đã để cho người lực sĩ cử tạ dẫm chân lên cờ của các nước anh em (thiếu ý thức chính trị), hay như năm 1992, con tem Chu Văn An đã phải thu hồi vì sai niên đại (thiếu kiến thức lịch sử)...

Những luận giải vế ý nghĩa và tầm quan trọng của con tem bưu chính do ông Dương Trung Quốc phát biểu chẳng những cho chúng ta thấy ông không phải là người thờ ơ với con tem mà còn cho chúng ta thấy cảm tình và sự quí mến con tem của ông. Vì thế, chúng ta nên đối xử công bằng với những luận giải của nhà sử học này, nhất là khi ông ta không phải là người trong nghề như anh em chúng ta. Chỉ khi ông lên tiếng cho rằng cơ quan chủ quản việc phát hành tem cần phải làm việc với các nhà sử học -mà không đả động gì đến việc phối hợp làm việc với những ngảnh chuyên môn khác- thì lời phát biểu ấy mới tỏ ra đúng mà chưa đủ. Cũng vậy, việc hạn định cơ quan chủ quản việc phát hành tem cần tham khảo với dân chơi tem là một cái nhìn cục bộ khác.

Ngày xưa, khi miền Nam phát hành tem, người ta đã thiết lập cả một hội đồng giám khảo để xét việc tạo mẫu. Hội đồng ấy gồm nhiều thành phần: đại diện của cơ quan chủ quản và những cơ quan văn hóa thông tin đã đành, mà còn có đại diện của giới mỹ thuật và cả giới sưu tầm tem nữa. Đó không phải là một thí dụ điển hình tốt hay sao?!


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 07:17.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.