Ðề Tài: Danh nhân Việt Nam
Xem riêng 01 Bài
  #6  
Cũ 02-04-2008, 21:29
Rua's Avatar
Rua Rua vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Sống
 
Ngày tham gia: 05-01-2008
Đến từ: Nha Trang, Sai Gon
Bài Viết : 92
Cảm ơn: 84
Đã được cảm ơn 380 lần trong 83 Bài
Mặc định

Cụ Nguyễn Văn Siêu
(1799-1871)






Cụ Nguyễn Văn Siêu sinh năm 1799 tại làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Lúc đầu có tên là Định, tự là Tồn Ban, hiệu Phương Đình và Thọ Xương cư sĩ. Trên các sáng tác về văn học Cụ vẫn thường lấy tên là Nguyễn Siêu.
Cụ là trưởng tộc họ Nguyễn, thế hệ thứ 10, bên Đại Tông.
Ngay từ hồi nhỏ, Cụ đã theo gia đình rời làng ra ở nội thành Hà Nội, dựng nhà giáp Giang Nguyên, thôn Cổ Lương, phường Dũng Thọ, huyện Thọ Xương. Nhà Cụ ở ngay trên bờ sông Tô Lịch, chỗ đầu nguồn nối với sông Hồng ở phố Chợ Gạo. Sông Tô Lịch lúc đó chảy qua phố Nguyễn Siêu, ra Hàng Đường, sang Hàng Lược, rồi theo dọc phố Phan Đình Phùng bây giờ mà lên Bưởi. Di tích ngôi nhà này bây giờ ở vào khoảng hai nhà số 12-14 phố Nguyễn Siêu.Gần ngôi nhà số 20 là ngôi đình cũ của giáp Giang Nguyên, nơi mà Cụ Nguyễn Văn Siêu, sau khi mất, được tôn làm thành- hoàng. Dân làng thờ Cụ chung cùng với Tô Lịch Giang-Thần và Kinh-sư-đại-doãn Nguyễn-Trung-Ngạn (đời nhà Trần).
Ngôi nhà trên về sau được sửa thành trường dạy học của Cụ, có kiến trúc hình vuông nên mang tên là phương đình. Tại ngôi nhà này, ngay từ năm mới 12 tuổi, để chứng tỏ chí hướng của mình, Cụ đã viết lên hai chữ Lạc-Thiên (có nghĩa là Yên vui với đạo Trời) và đôi câu đối dán trong buồng học:

“ Xưa nay. đạo học không đường tắt
Nhà tranh vẫn hay có người tài “

Năm 20 tuổi, Cụ đến tập văn ở trường Cụ Phạm Quý Thích. Cùng học với Ngô Thế Vĩnh (người cùng Cụ Siêu nghiên cứu về Nguyễn Trãi) và Chu Doãn Chí.

Năm 26 tuổi, Cụ mới bắt đầu đi thi và đỗ á nguyên (Cử nhân thứ hai) ở trường thi Hà Nội. Từ đó cho đến năm 1838, trong vòng 13 năm, Cụ chỉ ở nhà đọc sách và dạy học. Đồng thời cụ kết bạn với Cao Bá Quát (bạn vong niên vì Cụ hơn Cao Bá Quát tới 10 tuổi), để rồi cùng nổi tiếng là “Thần Siêu Thánh Quát” về mặt văn chương thơ phú.

Năm 1838 (40 tuổi), Cụ mới cùng Cao Bá Quát lên đường vào Huế thi Hội. Họ Cao trượt, tuy rằng đã trượt 2 khoá trước và sẽ còn trượt, còn Cụ đỗ Tiến sĩ nhưng chỉ là phó bảng. Tại khoa thi Hội năm 1838 này, Cụ kết thân với Đinh Nhật Thân và Nguyễn Hàm Ninh, để rồi cùng nổi tiếng là bốn nhà văn kiệt hiệt ở kinh đô Huế gọi là Tràng-An tứ kiệt.

Sau khi thi đỗ, Cụ Nguyễn Văn Siêu được cử giữ chức Hàn lâm viện kiểm thảo. Năm sau thăng chủ sự bộ Lễ. Năm sau nữa thăng Viên ngoại lang bộ Lễ (thời Vua Minh Mạng).

Năm 1840, vua Thiệu Trị nối ngôi vua Minh Mạng. Vì chú ý đến tài năng của Cụ Siêu từ khi còn là hoàng tử, nên vừa lên ngôi vua Thiệu Trị đã cho chuyển Cụ về Nội-các làm Thừa-chỉ. ít lâu sau lại trao thêm chức Thị-Giảng dạy các hoàng tử Hồng - Bào, Hồng - Nhậm.

Năm 1847, hoàng tử Hồng-Nhậm lên ngôi là vua Tự - Đức.
Hai năm sau vua Tự-Định cắt Cụ đi xứ sang cống nhà Thanh bên Trung Quốc. Nhà vua dặn riêng Cụ: Khanh học vấn uyên bác, chuyến này sang xứ, xem xét non sông, phong tục nên ghi chép kỹ, khi về tiến lãm. Khi về (1850) Cụ Siêu dâng lên vua quyển Vạn lý tập dịch trình tấu thảo, được thăng Học sĩ ở Viện Tập hiền.
Năm sau lại thăng án sát Hà Tĩnh rồi án sát Hưng Yên kiêm luôn chức Tuần phủ. Thuở đó Hưng Yên hay bị vỡ đê, Cụ có gửi về kinh một số điều trần nhưng không hợp ý vua, Cụ bị giáng trật. Năm sau (1854) Cụ đệ đơn xin từ chức về nhà vui với việc dạy học và soạn sách.

Họ Nguyễn tại làng Kim Lũ nay còn giữ một bức chân dung của Thần Siêu, do một hoạ sĩ Trung Hoa viết trên lụa vào năm 1868 là năm Cụ mừng thượng thọ 70. Trên bức chân dung này chính Cụ đã đề vào một bài tán như sau:

“ Hoà sáng với bụi đời
Thì lòng ta chẳng thích.
Noi xưa vượt thới thường
Thì sức ta không kịp
Điều mắt thấy tai nghe
Chẳng có gì không thật
Tiến bước trong cảnh lui
Giữ sinh tồn muôn vật.”

Trong bài trên, Cụ đã giãi bày tâm sự và đã nói lên lý do tại sao Cụ đã treo ấn từ quan để trở về làm thầy đồ dạy học.
Cụ Nguyễn Siêu viết rất nhiều, có trên mười ngàn trang sách, bao gồm nhiều loại: nghiên cứu về Văn học, Sử học, Địa lý, Triết học và Sáng tác.
Cụ mất vào năm 1872, hưởng thọ 73 tuổi, để lại nhiều tác phẩm và được các học trò thu thập, khắc và in thành sách :

- Phương đình địa dư chí (Sử và Địa)
- Phương đình thi tập (Văn)
- Phương đình văn tập (Văn và Sử)
- Phương đình tuỳ bút lục (Văn và Sử)
- Phương đình vạn lý tập (Văn, Sử, Địa)
- Chư kinh khảo ước (Văn, Sử, Triết)
- Chư sử khảo thích (Sử)
- Từ thứ bị giảng (Văn, Sử, Triết)

Cụ Nguyễn Siêu là người tài rộng, đức cao, sự nghiệp đa dạng. Với tấm lòng thương dân, trong khi đi từ Bắc Ninh sang Hải Dương, Cụ chứng kiến cảnh cơ cực của đồng bào nên đã viết:

“Dân Bắc Kỳ khổ thay
Cặp xuân Mậu Ngọ (1858) này.
Đông, Tây chạy luẩn quẩn,
Đường thây chết đói đầy.
Dốc kho phát từng chén
Chờ cơm hàng tuần nay.
Hột gạo vừa tranh được
Đã đè nhau chết ngay.”

Tình trạng trên đây là do sự bất ổn của xã hội hồi đó (thời vua Tự Đức): binh đao không ngớt, hạn hán, lụt lội, mất mùa liên miên xảy đến làm dân vô cùng cơ cực lầm than.


Kiến thức rộng lớn về non sông đất nước, phương pháp làm việc thận trọng, nghiêm túc đã đưa Cụ đến vị trí của một nhà Địa lý học lớn với công trình Dư hoa địa chí nổi tiếng. Tác phẩm này, ngoài tư liệu phong phú, sắp xếp khoa học, còn có một số phát hiện và kiến giải mới.

Cụ Nguyễn Siêu cũng rất chú ý đến Sử học và tỏ ra là một học giả có quan điểm Sử học dân tộc vô tư và vững vàng: ngay dưới thời triều Nguyễn mà triều đình vẫn coi nhà Tây Sơn là Nguỵ là Tặc, ai nói trái lại sẽ bị kết tội phản nghịch, nhưng trong bài Thăng Long hoài cổ Cụ đã kín đáo ca ngợi công ơn của nhà Tây Sơn là đã duy trì được nền độc lập tự chủ cho đất nước và bày tỏ nối niềm luyến tiếc ngậm ngùi:

“Tây Sơn ra Bắc đến Long Thành
Thấm thoắt nay đã bốn chục Xuân
Muôn thủa núi sồng người Việt chủ
Ba triều văn vật đất Nam mình
Mặt xanh tóc bạc người còn đó
Nước chảy mây trôi cảnh vắng tanh.
Thành lẻ, trời tà, Thu đã muộn
Người xưa chuyện cũ xót xa tình.”

Cụ Nguyễn Siêu đã kết hợp nhuần nhị giữa nhà khoa học và nhà thơ để trở thành một nhà giáo dục xuất sắc. Cụ tỏ ra là một nhà sư phạm có quan điểm giáo dục tiến bộ khi chủ trương thực học và công kích lối học khoa cử.

Ngôi trường hình vuông của Cụ là một trung tâm giáo dục nổi tiếng của Hà Nội giữa thế kỷ thứ 19. Ngôi trường đó ở gần ngôi đền của làng Cổ Lương, ngày nay vẫn còn di tích “Cổ Lương linh từ” ở phố Nguyễn Siêu. Xưa kia, đấy là nơi học trò tứ trấn tìm về, xin ở đậu, ngủ nhờ để được đến Tòa Phương đình của thầy Nguyễn Siêu để được nghe giảng bài.

Là người Hà Nội, Cụ Nguyễn Siêu còn đưa vào văn thơ rất nhiều hình ảnh của Hà Nội ngày xưa qua các bài : Chơi Hồ Tây, Dong thuyền trên sông Nhị buổi sáng, chơi Hồ Gươm, Lên lầu chuông đền Ngọc, Trên núi Ngọc trông xuống...

Không chỉ làm thơ về Hà Nội và Hồ Gươm mà Cụ còn làm những việc thiết thực về văn hoá cho những nơi này. Chính Cụ là người đã cùng với Tín trai (Cư sĩ làng Nhị hà) đứng ra lập hội Hướng thiện, trùng tu thắng cảnh Hồ Gươm của Hà Nội, xây dựng và sửa sang Đền Ngọc-Sơn thành một nơi thắng tích rất đượm chất thơ với cầu Thê Húc (đậu ánh ban mai), lầu Đãi Nguyệt (đợi trăng); có tính cách văn học với đài Nghiên Tháp Bút cùng những câu đối nhắc kẻ sĩ phải trau dồi cả tài lẫn đức; có ý nghĩa xã hội như đình Trấn Ba (đình chắn sóng), ngăn chặn những làn sóng tệ hại làm sói mòn nền đạo lý xã hội. Với việc trùng tu đền Ngọc Sơn cụ Nguyễn Siêu đã tỏ ra là một nhà kiến trúc có tài. Cụ đã nâng vùng Hồ Gươm lên gần như quang cảnh ngày nay, đặc biệt còn để lại bút tích trên bức cuốn thư đắp nổi ở cổng Đền.
Nhà sư phạm và nhà thơ Vũ-Tông-Phan nổi tiếng cuối thế kỷ thứ 19 đã đánh giá công lao văn hoá của Cụ Nguyễn Văn Siêu như sau:

“Bút Phương đình một đời
Bên Hồ Gươm muôn thuở”



Tuy chỉ đỗ đến phó bảng nhưng về tài viết văn của ông thì đã có câu thơ của người đương thời (tác giả có thể là vua Tự Đức) ca ngợi:

Văn như Siêu Quát vô tiền Hán,
Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường
Nghĩa là:

Về văn chương thì Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát hơn cả những nhà văn Trung Quốc thời nhà Hán (thời văn học phát triển nhất) như: Tư Mã Thiên, Bang Cố.
V về thơ phú thì Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương hơn đứt các thi nhân Trung Quốc thời nhà Đường (triều đại thơ phú nở rộ) như: Lý Bạch, Đỗ Phủ.
Cũng từ đây mới có danh hiệu thần Siêu và thánh Quát đặt cho ông và Cao Bá Quát.

Năm 1865 ông huy động công đức, đồng thời bỏ công sức và tài trí của mình vào việc tôn tạo quần thể chùa Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Đài Nghiên Tháp Bút, nằm bên hồ Hoàn Kiếm (tại tọa độ: 21°01'50,46" vĩ bắc và 105°51'12,74" kinh đông). Quần thể kiến trúc này hiện vẫn giữ được nguyên vẹn giáng vẻ thời đó.

Cụ Nguyễn Siêu là một nhà văn hoá có tầm cỡ ở thế kỷ thứ 19.
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn Rua vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
hat_de (09-09-2010)