Xem riêng 01 Bài
  #1  
Cũ 27-08-2020, 02:22
*VietStamp*'s Avatar
*VietStamp* *VietStamp* vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
THÀNH VIÊN ĐẦU TIÊN
 
Ngày tham gia: 02-09-2007
Đến từ: VIET STAMP - Hồ Chí Minh city - Việt Nam
Bài Viết : 987
Cảm ơn: 3,238
Đã được cảm ơn 3,540 lần trong 732 Bài
Mặc định 60 năm rong ruổi cùng tem Tết

Name:  do thanh kim_60 nam.jpg
Views: 448
Size:  119.1 KB

Trước Tết Nguyên đán tầm một, hai tháng, ông Đỗ Thành Kim đã bôn ba nhiều nơi trên thế giới "săn" tem Tết. Không "săn" được con tem Tết như ý, ông mất ăn mất ngủ cả tháng. "Săn" được rồi thì con tem ấy biến ông lão ngất ngưởng tuổi bát thập thành đứa trẻ nít được quà. Thú chơi đó thấm thoắt đã hơn 60 năm...

Vợ con cư ngụ ở Mỹ từ nhiều năm trước nhưng ông Kim vẫn bám trụ lại TP Hồ Chí Minh. Con cái réo inh ỏi: "Ba già rồi, ở bên đó lủi thủi một mình, rủi bịnh ra thì kêu ai?". Ông cười khì trong điện thoại, ở đây mới sưu tập nhiều tem Tết đẹp của đồng bào mình. Chứ đi xa, người có tuổi như ba nhớ cố hương sao chịu nổi. Qua xứ người, con tem dường như cũng phai nhạt màu quê cha đất tổ.

Quả không ngoa khi bạn bè vẫn hay đùa: Đỗ Thành Kim mê tem hơn mê vợ. Bởi đó là "người tình" đầu tiên và cũng là "người tình" trăm năm của đời ông. Hồi còn là cậu học trò, ông được mấy cậu bạn cùng lớp khoe thư của người thân từ nước ngoài gửi về. Điều làm Kim tò mò chú ý hơn cả là con tem trên bao thư.

Cậu bé thầm nghĩ và ồ lên thú vị: Cứ hễ dán con tem bé xíu này vào bì thư là có thể chuyên chở bao thông điệp từ người này sang người khác, cho dù khoảng cách địa lý có xa xôi đến mấy. Tem còn là hiện thân của đặc trưng văn hóa, bản sắc vùng miền nơi nó sinh ra. Thích quá, Đỗ Thành Kim xin ngay con tem Nhật ấy. Đó là năm 1958.

Ngày đầu sưu tập, tem của cậu học trò Kim là những con tem "chết" như thế (tức tem đã được sử dụng, có đóng dấu bưu điện). Về sau, nghe nói tem "sống" (tem chưa sử dụng) có giá trị hơn nên mỗi lần mẹ cho tiền quà, ông giấu mua tem.

Ông lấy vợ, sinh con, nhà mở tiệm tân dược nên làm ăn khấm khá. Khách nườm nượp nhưng bà vợ thấy số tiền của chồng mình quanh năm không dư dả là bao. Bà điên tiết làm một phen ra trò: "Không bài bạc, rượu chè, hay là chả lấy tiền cho gái?".

Ông tá hỏa, đành khai thiệt: "Tôi gom tiền mua tem". Bà vợ càng nổi đóa: "Trời ơi, con tem bé xíu rẻ rề mà ông tốn cả đống tiền mua à? Xạo!". Ông lập cập trưng ra hàng ngàn con tem bấy lâu nay cất kỹ trong tủ cho vợ xem thì bà mới tạm tin, nhưng từ đó, bà cứ nguýt ngắn nguýt dài mỗi lần ông hăm hở mang về tem mới. Con cái có sớ rớ, làm rách mất tem quý của ông, bà cũng kệ.

Năm 1994, có vị khách người Trung Quốc lặn lội tới tận nhà, rút 1.300 đô la mua ngay ba con tem trong bộ con rồng. Lúc này, vợ ông mới ú ớ: "Mấy con tem cũ xì mà bán được ngần ấy tiền?". Sau bữa đó, bà giữ hộ tem cho chồng như giữ báu vật, con cháu la cà lại gần quấy phá là coi chừng.

Người sưu tập tem thường chọn chủ đề sưu tập nhất định như chim chóc, cá, hoa, chân dung, xe cộ... để đi sâu. Riêng ông Đỗ Thành Kim thì nổi tiếng với tem Tết, nhất là tem 12 con giáp. Điều đặc biệt là ông Kim không chỉ sưu tập tem ở Việt Nam mà còn kỳ công góp nhặt từ rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khắp năm châu.Chính ông cũng rất ngạc nhiên khi các nước không ăn Tết Âm lịch cũng có tem "thập nhị chi".

Đầu thập niên 80, sự giao lưu văn hóa giữa các nước trở nên cởi mở hơn. Hiểu ý nghĩa thiêng liêng của 12 con giáp, đồng thời nhằm phục vụ đời sống tinh thần cho người dân nhập cư, các nước phương Tây, châu Phi, châu Úc… bắt đầu in những con tem Tết Âm lịch đầu tiên tương ứng với con vật cầm tinh mỗi năm. Ngoài các nước như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada…, bộ sưu tập tem của ông Kim còn có xuất xứ từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ xa xôi ở châu Phi, châu Âu như: Polynesia, Batum, New Caledonia, Palau, Marshall, Liechtenstein, Cộng hòa Guyana, Cộng hòa Togo, Cộng hòa Liberia, Cộng hòa Sierra Leone, Cộng hòa Ghana, quần đảo Aland, quần đảo Micronisia, quần đảo Grenada Carriacou & Petite Martinique...

Ông Kim bảo nhìn trên bản đồ, phải mỏi mắt mới tìm được đất nước hoặc vùng lãnh thổ đó vì nó là những chấm nhỏ li ti. Vì không phải nước nào cũng đến được tận nơi nên ông Đỗ Thành Kim tham gia vào rất nhiều Hội Tem trên thế giới để nhờ thành viên "săn" hộ. Đổi lại, ông "săn" cho họ tem Việt Nam.

Hơn 60 năm sưu tập nên ông Kim rành rẽ thời điểm phát hành tem Tết của mỗi nước. Phát hành sớm nhất thường là Nhật Bản. Châu Phi phát hành trễ nhất. Còn các nước châu Âu hay phát hành tem con giáp sau Tết Âm lịch vài ngày. Riêng Xuân Đinh Dậu 2017 này, ông đã có gần đủ bộ tem con gà của các nước châu Á. Sung sướng nhất là lúc mua được tem trong ngày phát hành đầu tiên.

Để lưu niệm, người ta sẽ đóng một con dấu đặc biệt có khắc hình con giáp lên con tem đó. Năm Giáp Ngọ 2014, ông Đỗ Thành Kim sở hữu 80 bộ tem của 80 nước. Năm rồi, ông có hơn 70 bộ tem con khỉ của hơn 70 nước trên thế giới. Gia tài đồ sộ của ông Đỗ Thành Kim đến nay đã lên tới hàng triệu con tem mà chính ông cũng chẳng nhớ nổi.

Sưu tập tem Tết 12 con giáp từ khắp 5 châu, ông nhận thấy mỗi đất nước có hình vẽ, trình bày tem theo một cách riêng. Ở Việt Nam thì hồn nhiên, giản dị, Nhật Bản thì nét vẽ giản lược nhưng thâm thúy, Trung Quốc thì tỉ mỉ, tinh xảo… Điều đặc sắc mà ông rất thích ở tem "thập nhị chi", đó chính là cùng một con vật, nhưng ở mỗi nước sẽ giới thiệu giống loài đặc hữu của quốc gia mình.

Chính vì vậy, tình yêu tem "thập nhị chi" truyền cho ông Kim tình yêu thế giới động vật hoang dã. Nhờ chơi tem, ông biết được các loài quý hiếm đã tuyệt chủng hoặc đang trên bờ vực tuyệt chủng được WWF (Quỹ quốc tế Bảo vệ thiên nhiên) đưa vào danh sách để tuyên truyền, kêu gọi ý thức mọi người. Trong đó có không ít loài đặc hữu của Việt Nam như bướm rừng Mura, tê giác Việt Nam, gà so cổ hung vườn quốc gia Cát Tiên… Ngoài ra, ông Kim còn sở hữu nhiều bộ tem quý chủ đề khác như: Bộ tem "Anh hùng Mạc Thị Bưởi" năm 1954; bộ "Thương binh" màu xanh lá mạ năm 1966...

Chơi tem mới thấy nghề chơi cũng lắm công phu. Không phải cứ tem xưa là giá trị. Tem in lỗi mà số lượng cực ít trở nên vô cùng quý hiếm, có giá trị cao đối với giới sưu tập. Nên mới có chuyện thợ in cố tình in sai để tạo ra con tem lỗi nhằm lừa bịp. Thỉnh thoảng ông Kim cũng gặp tem giả, tem lỗi được rao bán với giá cao ngất ngưởng trên mạng.

Thấy mà đau lòng. Bởi với ông, chơi tem cũng giống như chơi cờ, câu cá, thưởng trà, chơi sách cũ… Nếu chỉ chăm chăm vào giá trị tiền bạc của nó, máu me hơn - thua thì sẽ mất đi cái thú vui tao nhã của kẻ sĩ. Ông mê tem bởi ngắm nhìn con tem bé xinh ấy như ngắm nhìn nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, ở đó hội tụ cả thời gian, không gian, tính thẩm mỹ…

Theo ông Kim, thập niên 60, 70 của thế kỉ trước có thể coi là thời kỳ hoàng kim của giới sưu tập tem Việt Nam. Cảnh người ta phải xếp hàng cả buổi mới mua được là chuyện thường ngày. Do có quy định mỗi người chỉ được mua một số lượng tem nhất định nên ông Kim thường cho tiền tụi trẻ con xếp hàng mua hộ giùm mình nhiều lượt. Ông cũng chẳng biết nên buồn hay vui khi bây giờ thông tin liên lạc phát triển, hầu hết mọi người dùng thư điện tử khiến số lượng tem càng ngày càng ít đi, dân chơi tem rơi rụng dần.

Ông Kim hiện là cố vấn cho Câu lạc bộ Viet Stamp. Cuối năm Tết đến, Câu lạc bộ tổ chức trưng bày. Ông lại bận rộn cùng những bộ tem Tết chu du khắp nơi, đến với người thưởng lãm. Ngày đoàn tụ với vợ con, ông chẳng biết đến bao giờ. Nhưng con tem Tết có khác nào nén nhang đêm 30, như cành mai, nồi bánh tét, như dưa hành, câu đối… Nó gợi cho ông nhiều xốn xang, háo hức như cậu bé con mỗi độ xuân về…

Mai Quỳnh Nga-Xuân 2017 (Báo Công an nhân dân điện tử)
__________________
Chào mừng Bạn đã gia nhập Gia đình VIET STAMP
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
5 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn *VietStamp* vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
*VietStamp*  (27-08-2020), gtvt1989 (28-08-2020), hat_de (27-08-2020), The smaller dragon (28-08-2020), tranhungdn (30-08-2020)