Xem riêng 01 Bài
  #28  
Cũ 25-10-2010, 15:06
vnmission's Avatar
vnmission vnmission vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 05-04-2008
Bài Viết : 1,370
Cảm ơn: 2,251
Đã được cảm ơn 11,379 lần trong 1,353 Bài
Mặc định

Xin chia sẻ với các bạn bài viết trên VS 3 để tiện theo dõi:



NHỮNG CON TEM LỊCH SỬ

Tác giả chân thành cảm ơn bác Đàm Hiếu Mạnh
đã đóng góp ý kiến quý báu cho dự thảo bài viết.


Hà Nội thu vàng gắn với những người con đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh những ngày đầu Cách mạng, và cũng gắn với những con tem lịch sử của chúng ta.

1. Ý tưởng về tem bưu chính đã hình thành từ trước 2/9/1945, tuy nhiên không thành hiện thực vì khi đó Việt Minh chưa giành được chính quyền hay kiểm soát hệ thống bưu chính. Nhân dân vẫn dùng tem Đông Dương, Việt Minh chỉ có nhu cầu gửi công văn, tài liệu, do đó chỉ có thể có tem nhãn sự vụ, dán lên bì công văn theo độ khẩn để giao liên chuyển cho kịp.

Khi đó Việt Nam chưa tham gia điều ước bưu chính quốc tế nào, để tạm thời sử dụng trong nước ta lấy tem Đông Dương lưu kho in đè [Trừ tem Cấy lúa, toàn bộ 52 tem Đông Dương còn lại được tận dụng đều là loại được in tại Hà Nội thời 1941-44]. Việc in đè tem cũ khá phổ biến trên thế giới, nhất là tại các thuộc địa hay vùng tạm chiếm của Pháp và Đức cuối thế kỷ XIX và trong Chiến tranh thế giới II. Tem thuộc địa của Pháp cũng đã được in đè để sử dụng tại Nam Kỳ (1886), Trung và Bắc Kỳ (1888) và toàn Đông Dương (1889). Nhưng đây là lần đầu tiên tem của chính quyền thuộc địa được sử dụng trong một Nhà nước độc lập vừa lật đổ ách thống trị của chính quyền thực dân [sau này, một số nước châu Phi mới giành độc lập cũng tam thời in đè tem cũ để sử dụng], một sự kế thừa có chọn lọc thể hiện rõ một tầm nhìn…

2. Là người hiểu rõ ý nghĩa của tem bưu chính, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định phát hành những con tem đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thông qua Giáo sư Đỗ Xuân Hợp, Bác yêu cầu Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền Trần Huy Liệu cho thực hiện việc này. Khi xảy ra vụ tem in đè trái phép năm 1946, Giáo sư Đỗ Xuân Hợp cũng đã thông tin cho luật sư về tem in đè lỗi [Quang Chính, Hồ Chí Minh với tem thư những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, Tạp chí Tem số 17, tháng 3/1996, tr. 4].

Không phải ngẫu nhiên một trong những nơi Bác đến thăm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám là Bưu điện Trung ương Bờ hồ, ngày 17/1/1946. Ngay từ 3/4/1946, một dự thảo Khoản ước tạm thời về thư tín và hàng không với Trung Hoa đã được trình lên Hội đồng Chính phủ [Đỗ Hoàng Linh, Hồ Chí Minh – 474 ngày độc lập đầu tiên, NXB Thanh niên 2008, tr. 130-31]. Tuy không được chấp thuận, dự thảo này cho thấy sự quan tâm của Chính phủ mới đối với hợp tác bưu chính quốc tế. Thực vậy, bưu chính là một chủ đề được thảo luận và đã được ghi nhận trong các văn bản ký với Pháp năm 1946, đặc biệt là Thỏa thuận Hội nghị tham mưu (Conférence d'Etat-major) 3/4 và Tạm ước (Modus vivendi) 14/9.

3. Những con tem đầu tiên của một quốc gia mới giành độc lập có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng. Quốc gia có thể chưa được công nhận về ngoại giao, nhưng tem bưu chính được phát hành thể hiện trên thực tế nền độc lập của quốc gia đó. Điều ước quốc tế đầu tiên mà Việt Nam ký với nước ngoài, bản Hiệp định sơ bộ ngày 6/3/1946 chỉ ghi: Chính phủ Pháp công nhận nước Cộng hòa Việt Nam là một quốc gia tự do... Tuy vậy, sự hiện diện của tem bưu chính, đặc biệt là những con tem in đè “DOC-LAP TU-DO HANH-PHUC”, đã cho thấy quyết tâm giữ bằng được nền độc lập của Nhà nước Cộng hòa non trẻ.

Ngoài phục vụ mục đích bưu chính, tem Đông Dương in đè còn góp phần chống giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt, ba kẻ thù quan trọng và trực tiếp nhất của ta lúc đó. Các tem in đè với phụ thu như quốc phòng, cứu đói và chống nạn mù chữ… đã đóng góp thiết thực vào sự nghiệp này. Lính Pháp thoát tù khi Nhật đầu hàng đồng minh (4.400 quân riêng tại Hà Nội cuối năm 1945, theo Hiệp định sơ bộ 6/3 đều phải về nước ngay) đã mua nhiều tem vì sợ đồng piastre không sử dụng được tại Pháp. Sau 6/3, 15.000 quân Pháp vào Bắc Bộ thay thế quân Tưởng và 13.100 Pháp kiều tại Hà Nội cũng góp phần tiêu thụ lượng đáng kể tem Đông Dương in đè. Sau này, Cotevina không còn tem để bán cho người sưu tập là một thực tế cho thấy phần lớn tem Đông Dương in đè đã được tiêu thụ hết ngay từ những ngày đầu!

4. Sắc lệnh 97 do Cụ Huỳnh Thúc Kháng ký ngày 5/6/1946 quy định việc tăng gấp đôi tất cả các loại thuế bưu chính, áp dụng hồi tố từ ngày 1/12/1945 [Nguồn: http://vbqppl.moj.gov.vn]. Theo đó, cước bưu chính suốt thời kỳ 1945–46 là 30 xu, phí bảo đảm thêm 60 xu. Lúc đó đồng tiền được sử dụng tại Việt Nam chủ yếu là đồng piastre (1$ ngang 1 đồng và bằng 10 quan Pháp), do đó giá mặt trên tem được giữ nguyên trong nhiều trường hợp.

5. Chữ in đè trên tem có nhiều dạng khác nhau. Chữ bưu chính được viết theo 3 cách: “BUU-CHINH”, “BUU CHINH” và “Buu-Chinh”, trong khi chữ cộng hòa có tới 4 cách viết: “CONG-HOA”, “CONG HOA”, “CONGHOA” (viết liền) và “Cong-hoa”. Đáng lưu ý, một số tem in đè theo các Sắc lệnh ký cùng ngày 26/8/1946, nhưng chữ cộng hòa vẫn khác nhau. Vì vậy trong bài này các mẫu tự in đè được đưa vào ngoặc kép để bảo đảm tính chính xác.

Các danh bạ tem bưu chính của nước ngoài liệt kê đầy đủ các mẫu dấu in đè. Scott xác định 29 kiểu, trong khi NuLine phân biệt 31 kiểu dáng khác nhau, căn cứ không chỉ vào nội dung chữ in mà cả hình dạng các chữ và dấu xóa khác. Để bảo đảm tính khoa học của việc phân loại mẫu tự, thiết nghĩ cần có sự trợ giúp của các chuyên gia về ngôn ngữ.

6. Danh mục tem bưu chính Việt Nam do Công ty tem phát hành liệt kê dòng tem này theo mẫu chữ in đè, kết hợp với ngày ra Sắc lệnh, nếu có, theo đó 57 tem được chia thành 13 bộ. Cách liệt kê này không phân biệt cụ thể mẫu tự in đè, đồng thời chưa xác định được ngày phát hành tem. Tới nay chưa có tác giả nào nghiên cứu đầy đủ về tem Đông Dương in đè, ngoài Jacques Desrousseaux, một người Pháp say mê tem từng có mặt tại Đông Dương thời đó [Jacques Joseph René Louis Desrousseaux (1912–1993), Tổng thanh tra Hầm mỏ Đông Dương từ 1938 đến 1947]. Trong thiên Bưu chính và liên lạc Pháp tại Viễn Đông, Quyển 6, Chương 2, Desrousseaux thống kê khá đầy đủ thời gian cũng như số lượng phát hành tem Đông Dương in đè, sau đây là một số thí dụ tiêu biểu:

- Hai tem in đè đầu tiên của VNDCCH là Alexandre de Rhodes 15c, in đè mầu đen và mầu xanh lá, phát hành ngày 24/11/1945 với số lượng 1.342.500 mỗi mầu. Đây là lần đầu tiên quốc hiệu “VIET-NAM DAN-CHU CONG-HOA” xuất hiện trên tem bưu chính. Trong năm 1945, Việt Nam còn phát hành thêm 4 tem, gồm Alexandre de Rhodes 30c (ngày 29/11), Thể thao, tuổi trẻ 50c (5/12) [Việc tem Thể thao, tuổi trẻ 50c phát hành ngày 5/12/1945 cũng được cụ Đàm Trung Thiện ghi nhận trong bài Sưu tập tem những ngày đầu Cách mạng Tháng 8/1945 ở Hà Nội (Tạp chí Tem số 31, tháng 7/1998, tr. 22.)], Yersin 1$ (11/12) và đặc biệt là Lagrée 40c (12/12) – con tem đầu tiên có in đè chữ “DOC-LAP”.

- Tem những thành phố bị tàn phá 15c phụ thu 60c sửa thành “2$00” và 40c phụ thu 1$10c sửa thành “3$00” phát hành ngày 25/2 là hai tem phụ thu (semi-postal) đầu tiên phát hành nhằm mục đích “CUU-DOI” (cứu đói), theo Nghị định số 291 của Bộ trưởng Giao thông công chính ngày 23/1/1946 - chỉ 6 ngày sau khi Bác thăm Bưu điện.

- Tem Garnier 15c đổi giá thành “30 xu” được phát hành ngày 28/5 với số lượng lớn nhất, 3.140.000 tem. Đây là con tem đổi giá đầu tiên, phát hành chủ yếu nhằm mục đích bưu chính.

- Các tem Bảo Đại và Nam Phương 6c được đổi giá và phụ thu “30 xu + 3 d.” theo Sắc lệnh số 54 ngày 24/4, nhưng chỉ được phát hành vào ngày 5/9/1946, đúng thời điểm Bác Hồ mời cựu hoàng Bảo Đại làm cố vấn tối cao cho chính phủ. Hai tem này cũng cho thấy cước bưu chính vào tháng 9/1946 là 30 xu [Bộ tem mã số 01 của VNDCCH theo Sắc lệnh số 172 ngày 27/8/1946 (theo Desrousseaux phát hành tháng 10/1946) có mệnh giá 1, 3, 4, 6 và 9 hào (không kể phụ thu) phù hợp với cước bưu chính trên].

- Hai tem Grandiere 5c sửa giá thành “1 dông” và 1c sửa thành “4 dông” ra ngày 16/12/1946, chỉ 60 giờ trước ngày Toàn quốc kháng chiến, là hai con tem in đè phát hành cuối cùng. Có chiến sỹ cảm tử nào của ta sử dụng những con tem này không?

- Một số tem dự định phát hành tháng 1/1947 nhưng do chiến tranh đã trở thành tem không phát hành, như tem Garnier 1c sửa thành “5 dông”, Sihanouk 6c sửa thành “2 dông” và Yersin 6c phụ thu “+ 2 dong”… Riêng tem Cấy lúa 25c, Desrousseaux cho là chỉ được in đè vào năm 1947, có thể vào nửa cuối năm.

7. Thời điểm phát hành tem theo ghi nhận của Desrousseaux về cơ bản phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế-xã hội nước ta thời đó, tuy nhiên vẫn cần phải có nguồn độc lập khác để kiểm chứng. Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần tập hợp mọi thông tin liên quan, nhất là trong các kho lưu trữ, và triển khai sắp xếp lại dòng tem Đông Dương in đè theo thời điểm phát hành, kết hợp một cách khoa học với mẫu tự in đè, bộ tem và mệnh giá để trả lại giá trị đích thực cho những con tem lịch sử, đưa tem Đông Dương in đè vào dòng chảy chung cùng với tem Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
9 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn vnmission vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Angkor (30-10-2010), chie (28-10-2010), Cu Bim (30-10-2010), dammanh (26-10-2010), hat_de (27-10-2010), nam_hoa1 (28-10-2010), Nguoitimduong (30-10-2010), quaden@_cute (27-10-2010), Tien (27-10-2010)