Xem riêng 01 Bài
  #3  
Cũ 29-04-2013, 07:15
tem-truyen-thong tem-truyen-thong vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Sống
 
Ngày tham gia: 01-05-2010
Bài Viết : 126
Cảm ơn: 193
Đã được cảm ơn 2,248 lần trong 155 Bài
Mặc định

Trích dẫn:
Nguyên văn bởi vnmission Xem Bài
Về bì thư Lệ Thủy

Ngày 12-4-2013, mạng delcampe xuất hiện bì thư dán 3 tem Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hành 1946 và 1 tem Đông Dương in đè:


Vì bì thư này có hai con dấu Lệ Thủy khác nhau, nên tôi tạm gọi nó là "bì thư Lệ Thủy," chữ viết tay cho thấy bì thư được gửi đi ngày 30-3-1949 từ Lệ Thủy (Quảng Bình), người nhận là "Ông và Bà Nguyễn-Trọng-Sư, Chu-Le" (Chu Lệ, Hà Tĩnh).

Giá khởi điểm chỉ có 14.00€, nhưng đã kết thúc ngày 18-4-2013 ở giá 1651.00€!

Đến nay, mọi người có ý kiến rất khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về bì thư này. Chưa ai được cầm tận tay, thấy tận mắt, do đó mọi ý kiến đều chỉ là đoán định, qua kinh nghiệm hoặc luận giải từ những góc độ khác nhau.

Anh Bozoo và một số người, trong đó có tôi, nghi ngờ tính chân thực của bì thư, nêu một số câu hỏi về cước phí, địa chỉ người nhận, 2 con dấu và mầu sắc của chúng, v.v…

Trong trao đổi với tôi, một nhà sưu tập tem truyền thống có tên tuổi của Việt Nam khẳng định bì thư Lệ Thủy là thật, căn cứ vào những đặc điểm như vết vàng do keo dán xung quanh răng tem; các đốm trên bì thư; 2 dấu trên 1 bì thư là điều rất hay, không thể làm giả; nếu làm giả, không ai làm 1 cái. Một số bạn khác cơ bản chia sẻ với ý kiến này.

Tôi vừa tham khảo ý kiến một chuyên gia hàng đầu hiện nay về bưu chính giai đoạn đầu VNDCCH là Jean Goanvic. Ông Goanvic chia sẻ một số thông tin và nhận xét rất tinh tế. Được ông cho phép, tôi xin lược dịch lại đây:

1. Cước phí tối thiểu nửa cuối năm 1948 là 2đ, đến mùa xuân 1949 tăng lên 5đ. Giai đoạn này chúng ta đã thấy một số bì thư dán tem in đè, nhưng không một bì nào trả cước 2,5đ. Tem VNDCCH thời kỳ này cũng không có con nào giá mặt 2,5đ, mà chỉ có tem in đè đổi giá thành 2$00 hoặc 3$00. Tuy nhiên, trong thời chiến, việc bì thư dán tem có cước phí lạ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

2. Tem: Vào thời điểm 1949, tem Chủ tịch HCM 1946 rất hiếm, tuy nhiên ta cũng đã thấy một số bì thư dán tem trong bộ này. Tem Doudard de Lagree 40c in đè khá phổ biến, phần lớn được sử dụng thời kỳ 1946-47. Liệu tem này có còn lại cho tới 1949 không? Khả năng này không nhiều, nhưng cũng không thể loại trừ.

3. Con dấu. Một số dấu của Việt Minh, trong đó có dấu của Lệ Thủy, đã bị quân Pháp lấy được vào tháng 2-1949. Một lính Pháp đã lấy mẫu của các con dấu này, gồm cả nhật ấn hủy tem và dấu chính thức của Phòng Bưu điện huyện Lệ Thủy. Cùng với các con dấu, quân Pháp cũng lấy được một văn bản của Ty Bưu điện Bình Định ngày 2-2-1949 gửi Phòng Bưu điện Lệ Thủy, thông báo việc gửi cho Phòng này 2 con dấu, một là “dấu chính” có hiệu lực ngày 15-2-1949, và một là “nhật ấn” có chừa chỗ ở giữa để điền ngày (hình).


Ba câu hỏi đặt ra là:

- Thứ nhất, quân Pháp đã xử lý các con dấu lấy được như thế nào? Có thể họ đã giữ lại tất cả các con dấu này, nhưng cũng không loại trừ họ đã hủy ngay sau đó.

- Thứ hai, liệu Ty Bưu điện Bình Định gửi bao nhiêu con dấu và nhật ấn cho Phòng Lệ Thủy? Căn cứ vào nội dung văn bản nêu trên, rõ ràng chỉ có một con dấu và một nhật ấn được gửi đi.

- Thứ ba, liệu ngay sau đó Ty Bưu điện Bình Định có làm dấu mới để gửi cho Phòng Lệ Thủy? Nhiều khả năng câu trả lời là “có”, nhưng con dấu thứ hai này làm sao có thể giống với con dấu ban đầu như hai giọt nước như vậy?


Riêng về con dấu Phòng Lệ Thủy đóng ở phía dưới góc bên trái bì thư: Đây là con dấu hành chính (chính thức) của Phòng Bưu điện Lệ Thủy, mà văn bản trên gọi là “dấu chính.” Con dấu này được đóng vào bì thư, chứng tỏ đây phải là bì thư công vụ. Tại tất cả các nước, thông thường thư công vụ do các bưu cục gửi đi đều không phải dán tem. Trường hợp này không những dán tem, mà lại còn dán với cước phí lạ, chưa từng thấy!

4. Phong bì. Thời gian này, nhìn chung giấy khan hiếm, nhiều người phải sử dụng giấy cắt ra từ sách, báo cũ... Giấy làm bì thư Lệ Thủy dường như không phải giấy ở vùng tự do, mà phải là giấy ở vùng Pháp tạm chiếm.

5. Mực dấu. Thời kỳ này, các loại dấu và nhật ấn thường khó đọc, vì mực dấu được pha loãng để có thể dùng lâu, hơn nữa do chất lượng kém, mực không thấm sâu được vào giấy bì thư. Trong khi đó, chất lượng mực của con dấu và 3 nhật ấn trên bì Lệ Thủy đều tốt. Hơn nữa, các nhật ấn hủy tem thời đó rất hiếm khi dùng mực đỏ.

Kết luận: Nhiều khả năng bì thư Lệ Thủy do một người lính Pháp thích chơi tem chế tác làm kỷ niệm, dùng phong bì và dấu mực của quân đội, còn tem, nhật ấn và các con dấu là lấy được của Việt Minh, về thời gian có thể là năm 1949.

Tôi rất chia sẻ với các nhận xét trên của ông Jean Goanvic. Như vậy, bì thư Lệ Thủy có thể coi là một bì sưu tập (philatelic cover), không phải là bì giả, nhưng chắc chắn không phải là bì thật.


Điều đầu tiên tôi muốn cảm ơn anh Vnmission đã rất trăn trở, muốn đi đến cùng sự thật trong câu chuyện về bì thư Lệ Thủy này. Tôi xin chia sẻ một vài ý kiến xung quanh việc xác định thật giả của bì thư trên.

Anh Vnmission viện dẫn những ý kiến của Jean Goanvic, một NST tôi cũng có biết. Theo tôi, những nhận xét của Jean có nhiều điểm chưa hoàn toàn chính xác:

Thứ nhất: về cước phí. Bản thân Jean cũng biết rõ việc trong giai đoạn Việt Minh, nhất là tem thư ở những vùng LK4,LK5 cước phí thường không chuẩn. Nếu là vật phẩm giả thì dư sức người ta làm cho đúng cước phí. Đây là điểm cộng cho tính "thật" của bì thư này.

Thứ hai: về tem. Nếu Jean nói thời điểm năm 1949 tem VM nào cũng hiếm thì đúng, còn nói rằng 5 con HCT này hiếm thì tôi không hiểu? Tại sao lại hiếm? Còn chuyện con in đè 40c tôi thấy không tài liệu nào nói là sử dụng nhiều năm 1946-1947 cả.

Thứ ba: về con dấu. Đây là điểm mấu chốt mà anh Vnmission nghi ngờ. Do anh có tài liệu khẳng định con dấu đã bị tịch thu. Chúng ta tạm coi là như vậy, nhưng việc có con dấu thứ hai giống hệt là điều bình thường. Khả năng rất cao là khi khắc dấu họ không làm 1 con. Không có lý do gì để khi bị tịch thu mới vội vàng đi khắc con dấu thứ hai. Tôi chả thấy vấn đề gì ở đây cả.

Thứ tư: về vấn đề thư công vụ không phải dán tem thì là điều tôi rất ngạc nhiên. Trên thế giới thế nào tôi không quan tâm, nhưng gần như tất cả tem công vụ VN thời kỳ này đều dán tem. Chính vì thế sau này, chính phủ mới phải làm ra những con tem sự vụ, những con tem Thóc. Nếu không có tem mới là lạ đấy.

Thứ năm: về những vấn đề về giấy làm bì thư, mực dấu tôi thấy ý kiến rất thiếu chắc chắn, chủ yếu mang tính suy luận là nhiều. Còn đúng là vật phẩm này được bảo quản rất tốt, mực đỏ là màu rất dễ phai. Qua thời gian dài mà vẫn rõ là điều đáng khâm phục.

Trên đây là 5 ý kiến theo kiểu"mổ xẻ" bì thư của tôi. Nhưng cao trên hết, đối với tôi lại khác hẳn. Đó là hồn của bì thư, đó là những vết tích trên bì thư, đó những câu chuyện từng được nghe về loại bì thư này. Tất cả đều đưa đến một kết luận khác hẳn so với của anh Vnmission. Việc suy diễn "người lính Pháp sưu tập" là chuyện cười hay nghiêm túc vậy?

Cuối cùng, việc mổ xẻ quá kỹ lưỡng một bì thư đã thuộc về một NST mà chúng ta - VSF, đều coi là bạn (anh Gerard), có hơi thiếu tế nhị hay không? Nếu cần thiết, chúng ta có thể nghe ý kiến trực tiếp từ anh ấy.
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
11 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn tem-truyen-thong vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Đêm Đông (29-04-2013), billy (29-04-2013), Dat_stamp (29-04-2013), lantham_0072005 (29-04-2013), New-Stamp (29-04-2013), Nguoitimduong (29-04-2013), open (29-04-2013), Poetry (29-04-2013), temhp88 (29-04-2013), tranhungdn (29-04-2013), vnmission (29-04-2013)