Xem riêng 01 Bài
  #1  
Cũ 25-11-2010, 17:44
Poetry's Avatar
Poetry Poetry vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Chủ nhiệm, Trưởng Ban Biên tập - CLB VIET STAMP
 
Ngày tham gia: 02-09-2007
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Bài Viết : 7,875
Cảm ơn: 35,663
Đã được cảm ơn 54,830 lần trong 7,659 Bài
Mặc định Trần Văn Điểu - người mê chơi tem đất Bình Dương


Ông khoe với tôi ngay khi có kết quả dự thi tại Triển lãm Tem bưu chính Quốc gia 2010 - Vietstampex 2010 do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội phối hợp Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam và Hội Tem Việt Nam tổ chức: “Gia đình chú được một giải đồng và 6 giải khuyến khích rồi nhé!”. Đó là thành công của ông cùng mấy đứa cháu nội, ngoại sau 3 tháng chuẩn bị dự cuộc thi và triển lãm tem toàn quốc nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa qua...


Ông Điểu say sưa nói về những bộ sưu tập tem của mình.


Khi niềm say mê tem lan tỏa

Nhiều năm trước, người viết bài này đã có dịp viết về ông với thú đam mê tao nhã: chơi tem! Những tưởng, cũng như nhiều người mê chơi cá cảnh, chim, gà chọi..., ông Trần Văn Điểu ở khu phố 2, phường Phú Thọ, thị xã Thủ Dầu Một (TX.TDM) chỉ “chơi cho vui”, không ngờ càng ngày, đam mê của ông không những giảm đi mà còn tăng lên rất nhiều. “Gia tài tem” của ông cũng đồ sộ hơn. Và, điều đáng quý là không chỉ chơi tem một mình, ông còn truyền niềm say mê sưu tập sang vợ, con, cháu và tập hợp nhiều hội viên, hiện ông đang vận động thành lập nhiều câu lạc bộ (CLB) chơi tem tại trong trường học tại Bình Dương.

Từ 20 năm qua, ông công tác tại Hội Chữ thập đỏ TX.TDM (CLB Những người tình nguyện). Hình như ở ông, ngoài niềm vui giúp người, giúp đời là chơi tem. Ông mê tem từ khi 19 tuổi, bắt đầu sưu tập tem từ đó và năm nay 78 tuổi vẫn mải mê theo đuổi những con tem nhỏ nhắn, xinh xinh mà ông quý vô cùng. Trong các bộ sưu tập tem của ông (theo từng chủ đề cụ thể), con tem cổ nhất in từ năm 1946. Trên tem này in hình Bác Hồ và hàng chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có cả những con tem mà giá tiền được quy đổi bằng thóc - một con tem đổi bao nhiêu gam thóc được in hẳn hoi ngay... mặt tiền, ở bên dưới các hình ảnh của tem. Con tem mới nhất là “1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Ngày phát hành đầu tiên của con tem này là 02-10-2010.

Niềm vui của ông được ủng hộ từ gia đình, bạn bè. Thế nên, ông thường dành hết tất cả những khoản tiền mình tiết kiệm được để mua tem. Nghe ông say sưa nói về những bộ tem của mình mới thấy câu “nghề chơi cũng lắm công phu” là đúng thật! Trước năm 1975, muốn mua được con tem phát hành ở miền Bắc phải nhờ bạn bè mua qua đường... Campuchia. Cái thú của người sưu tập tem cũng... lạ lắm! Họ không chỉ chú tâm hơn nhau ở chỗ có nhiều tem đẹp, ý nghĩa mà còn tìm mua bằng được những con tem in sai. Đó là những “kiểu sai” như: tem in lệch răng cưa, không có răng cưa, sai màu, hình trên tem bị lệch, tem in thử (tem dị bản)... Ông chỉ cho tôi xem một con tem in sai mà ông mua giá 750.000 đồng cách đây 6 năm. Ông Điểu nói: “Để có tiền mua con tem giá hơn chỉ vàng so với giá lúc đó, tôi nhịn tiêu vặt trong một tháng!”. Gần đây, ông lại có được con tem dị bản in hình Lenin trị giá 2,5 triệu đồng! Được cái, vợ con ông luôn tạo điều kiện để ông sưu tập tem mọi lúc, mọi nơi. Theo ông, tem không hề mất giá mà “càng lâu càng có giá”. Có con hiện trị giá 3-4 triệu đồng.

Những người chơi tem thường hay tìm mua ở Công ty Tem Việt Nam số 18 Đinh Tiên Hoàng, TP. Hồ Chí Minh và một số nơi khác. Nhiều hội viên còn mua, bán tem cho nhau với giá rẻ nhất, không phải kiếm lời mà để giúp nhau hoàn thành một bộ sưu tập theo chủ đề nào đó. Giá cả được thỏa thuận với nhau và người sưu tập “thích thì người ta trả tiền liền để có con tem mình mơ ước” như ông nói. Theo ông, hiện bộ tem công phu, đầy đủ nhất của ông là bộ “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp” trị giá trên dưới 20 triệu đồng. Các bộ còn lại cũng khoảng vài triệu đồng/bộ chuyên đề.

Ông mê chơi tem và muốn có nhiều người cùng chơi nên con ông và các cháu cũng có những bộ sưu tập riêng của mình. Hội Tem ở Bình Dương có gần 10 năm nay. Sau một thời gian phong trào khá trầm lắng, năm vừa qua mới phát triển mạnh trở lại.


Ông Điểu (phải) trao đổi với Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tem Phạm Khánh Hồng tại Triển lãm Viet Stamp lần thứ III (Bảo tàng Quân khu 7, tháng 11-2009).


Về những bộ tem dự thi

Với hội viên các CLB chơi tem trong cả nước thì 5 năm mới có cơ hội dự thi cấp quốc gia một lần. Mới đây, cuộc thi Vietstampex 2010 tổ chức lại càng có ý nghĩa hơn bởi gắn với các hoạt động văn hóa chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cũng như nhiều người, ông Điểu cùng các cháu của mình (cũng là hội viên CLB tem) tham gia. Ông đã kỳ công chuẩn bị nhiều bộ sưu tập tem theo đề tài: Việt Nam - Đất nước - Con người...

Kết quả giải Đồng (thứ 3 toàn quốc) thuộc về bộ sưu tập tem “5 điều Bác Hồ dạy”. Tác giả chính là cháu nội của ông Điểu, cô bé Trần Thị Phương Mai, học trường THCS Phú Cường (TX.TDM) nhưng công sức hướng dẫn của ông cũng rất lớn. Bộ sưu tập với 16 khung hình được bố cục chặt chẽ theo đề tài chính là 5 điều Bác Hồ dạy. Cả 5 điều được diễn tả, minh họa bằng những con tem bưu chính đã in từ trước đến nay.

Ngoài giải đồng này, những giải khuyến khích có chủ đề: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cuộc đời và sự nghiệp; Ngày xưa bà kể; Quân đội Việt Nam anh hùng... Với bộ sưu tập “Quân đội Việt Nam anh hùng”, ông sưu tập hình ảnh Quân đội Việt Nam từ lúc thành lập cho đến những chiến công hào hùng qua 2 cuộc kháng chiến và trưởng thành như bây giờ. Trong đó điểm nhấn là chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Không chỉ sưu tập tem, ông Điểu còn cẩn trọng lưu giữ những bức thư có dán những con tem này như những bằng chứng về địa chỉ, thời gian. Những bao thư thực gửi làm cho tem có giá trị hơn nữa. Bởi theo ông, mỗi con tem đều có giá trị lịch sử riêng. Như bao thư phát hành bộ tem Chiến thắng Điện Biên Phủ có chữ ký của Đại tá Hoàng Đăng Vinh - là một trong 5 chiến sĩ đã vào hầm bắt sống tướng De Castries...

Vẫn tiếp tục theo đuổi thú đam mê của mình đến cuối đời là điều mà ông Điểu khẳng định. Với ông, việc Ban Chấp hành Hội Tem Việt Nam tặng bằng khen cho ông “Đã có thành tích xuất sắc xây dựng và phát triển phong trào văn hóa sưu tập tem” là một vinh dự và trách nhiệm lớn lao. Thế nên, người Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tem Bình Dương này hiện đang tiếp tục đi đến các trường học trong tỉnh để vận động “các cháu chơi tem đi, hay và... hiền lành hơn game online nhiều lắm đó!”.

Tâm nguyện của ông là phổ biến thú chơi tem thật rộng rãi trong các trường học. Bởi theo ông, học sinh khi mê sưu tập tem sẽ hạn chế chơi game online, không bị ảnh hưởng xấu từ các tệ nạn khác, hạn chế nạn bạo lực học đường... Chơi tem có phạm vi rộng, mang tính quốc tế bởi người chơi có thể mua bán, trao đổi các bộ sưu tập cùng nhau. Cũng theo ông, tại Bình Dương đã có 4 CLB những người sưu tập tem với gần 80 hội viên. Con số này chưa tính học sinh tại các trường học.
__________________
Họ tên: Hoàng Anh Thi
Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh 736022, Việt Nam.
Điện thoại: (84-8) 38111467
Di động: 0918 636 791
Email: hoang.anhthi@gmail.com / vietstamp.net@gmail.com
Website: www.hoangthethien.net
Số tài khoản Vietcombank: 0071001061473
Đề tài sưu tập: Việt Nam trên tem thế giới, cộng sản, văn hóa phương Đông...
Gửi tin nhắn trên VSF:
Đằng Giang tự cổ huyết do hồng

Bài được Poetry sửa đổi lần cuối vào ngày 25-11-2010, lúc 19:56
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
27 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn Poetry vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
bebu2410 (25-11-2010), BoZoo (22-05-2013), caifincafe (04-03-2011), chie (25-11-2010), chienbinh (25-11-2010), dammanh (26-11-2010), Dat_stamp (02-09-2011), exploration (17-10-2013), gia_nguyen_bao (22-10-2011), HanParis (11-10-2013), hat_de (25-11-2010), hoang.le (26-11-2010), huuhuetran (25-11-2010), Lu Tich Nguyen (26-11-2010), manh thuong (22-05-2013), nam_hoa1 (26-11-2010), Ng.H.Thanh (26-11-2010), Nguoitimduong (25-11-2010), nguyenhuudinhue (22-05-2013), quaden@_cute (11-10-2013), temsong (17-11-2011), The smaller dragon (25-11-2010), Tien (25-11-2010), tiny (22-05-2013), tugiaban (25-11-2010), VAPUTIN (11-10-2013), vnmission (25-11-2010)