Ðề Tài: Điểm báo tin Tem
Xem riêng 01 Bài
  #62  
Cũ 28-10-2009, 15:26
kimma kimma vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Sống
 
Ngày tham gia: 12-06-2009
Bài Viết : 225
Cảm ơn: 397
Đã được cảm ơn 2,059 lần trong 226 Bài
Mặc định Điểm tin TTXVN

Hà Nội (TTXVN 22/6/2009)

Chiều 22/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Áo, ngài Giô-han-nét Pi-tơ-líc (Johannes Peterlik) đến chào từ biệt nhân kết thúc nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam.

Cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, Đại sứ Giô-han-nét Pi-tơ-líc bày tỏ tình cảm tốt đẹp, ấn tượng sâu sắc về đất nước và con người Việt Nam; khẳng định dù ở vị trí công tác nào cũng sẽ tích cực đóng góp vào việc vun đắp mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đại sứ cho biết, trong nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam ngài đã tích cực thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo, hợp tác đầu tư, thương mại và viện trợ ODA. Nổi bật là hợp tác trong lĩnh vực giáo dục như hỗ trợ có hiệu quả trong việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tại Áo và đào tạo tiến sỹ.... Ngoài hợp tác song phương, Cộng hoà Áo tích cực ủng hộ Việt Nam trong các diễn đàn đa phương.

Bày tỏ vui mừng trước mối quan hệ giữa Việt Nam và Cộng hoà Áo ngày càng phát triển sâu rộng và thiết thực hơn, mang lại lợi ích cho cả hai bên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao đóng góp tích cực của ngài Đại sứ trong nhiệm kỳ vừa qua trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực thương mại hai chiều tăng bình quân 10-15%/ năm ( đạt 250 triệu USD), hỗ trợ ODA có hiệu quả cho Việt Nam trên lĩnh vực giáo dục và y tế...Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam mong muốn và làm hết sức, đưa quan hệ Việt Nam-Áo ngày càng phát triển sâu rộng hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Đặc biệt là tăng cường thúc đẩy thương mại hai chiều, khuyến khích các doanh nghiệp Áo đầu tư tại Việt Nam, hỗ trợ ODA trong phát triển giáo dục và y tế cho Việt Nam...Thủ tướng mong muốn dù ở cương vị công tác nào ngài Giô-han-nét Pi-tơ-líc tiếp tục đóng góp trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai nước .

Nhân dịp này, Thủ tướng đã cảm ơn và đánh giá cao Cộng hoà Áo trọng việc phát hành bộ tem trọng đại nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước ./.

Thiện Thuật

Môi trường pháp lý về lĩnh vực bưu chính chưa phát huy được thế mạnh của doanh nghiệp


Hà Nội (TTXVN 25/10/2009)

Môi trường pháp lý về lĩnh vực bưu chính bộc lộ sự chưa đồng bộ, nhiều quy định còn chồng chéo, chưa phát huy được sở trường, và thế mạnh của doanh nghiệp bưu chính. Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng tại buổi đối thoại trực tiếp về chủ đề: “Bưu chính Việt Nam - Hội nhập và phát triển”, diễn ra sáng 25/10 trên kênh VTC2, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Cuộc đối thoại còn được thực hiện trực tuyến trên các báo điện tử VTC News, VietNamNet, ICT News, Trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Thứ trưởng : Hệ thống pháp lý về bưu chính đã được hoàn thiện cơ bản từ năm 2002, nhưng trong quá trình vận động và phát triển của xã hội, các quy định liên quan đến dịch vụ công ích và mục tiêu kinh doanh chưa được thể hiện cụ thể. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XII đang diễn ra, Quốc hội sẽ thảo luận xem xét bổ sung để sửa đổi những quy định này cho phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh của ngành bưu chính.

Cho tới nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho hơn 20 doanh nghiệp cùng phát triển bưu chính với Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam, trong đó có những công ty bưu chính khá phát triển như Công ty cổ phần Bưu chính Viettel, Công ty Bưu chính Sài Gòn, Công ty Bưu chính Tín Thành….Trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ với bên ngoài, ngành Bưu chính Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp dịch vụ mới, trong khi điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng bị cắt giảm đi nhiều so với thời kỳ còn đứng chung với Viễn thông. Trong thời gian tới, cần thiết phải tăng chất lượng dịch vụ thì doanh thu mới có thể tăng lên. Theo đà phát triển, ngành bưu chính sẽ đặt ra lộ trình để tăng giá cước: năm 2011, tăng giá cước đối với dịch vụ công ích lên 80% và đến 2012 thì tăng lên ngang với giá thành.

Về tình trạng hoạt động kém hiệu quả của mô hình điểm bưu điện văn hoá xã, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, trên toàn quốc hiện có 8.027 điểm bưu điện xã và số điểm có doanh thu dưới 500 ngàn đồng/tháng chiếm quá nửa. Nếu lấy doanh thu làm chủ đạo thì mô hình này hoàn toàn thất bại. Nhưng cung cấp dịch vụ bưu chính cho người dân không thể tính bằng tiền. Do vậy, việc duy trì các điểm bưu điện văn hoá xã là cần thiết. Tuy nhiên, ngành Bưu chính cần chuyển đổi theo hướng: những điểm dân cư phát triển, không cần thiết nữa thì mạnh dạn bỏ còn những điểm dân cư khó khăn, chúng ta phải tiếp tục đầu tư và không vì mục đích kinh doanh./.

Việt Hà

Dự thảo Luật Bưu chính chưa tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các doanh nghiệp


TP Hồ Chí Minh (TTXVN 16/9/2009)

“Dự thảo Luật Bưu chính thể hiện quá nhiều đặc quyền cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam”, Phó Giám đốc Trung tâm Bưu chính Sài Gòn (SPT) Huỳnh Thị Kim Hoàng nhận định. Đây cũng là một trong những ý kiến đáng chú ý nhất tại TP Hồ Chí Minh khi đóng góp vào dự thảo Luật Bưu chính.

Tại TP Hồ Chí Minh, SPT là một trong hơn 200 doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát nhanh đang hoạt động, đóng góp đáng kể vào việc cung ứng các dịch vụ bưu chính cho người dân ở nhiều vùng miền. Tuy nhiên, SPT cho rằng việc viện dẫn Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNP) phải thực hiện nghĩa vụ công ích để hưởng rất nhiều đặc quyền (lắp đặt thùng thư công cộng, ưu tiên qua cầu, phà, đỗ trong đô thị, sản xuất tem và cung ứng tem bưu chính mang dòng chữ Việt Nam trên mạng bưu chính công cộng…) là bất bình đẳng trong khi các doanh nghiệp bưu chính khác gần như không có quyền nào cả. Trên thực tế, đây phải là các quyền mà doanh nghiệp bưu chính nào cũng có, được phép thực hiện khi họ được cấp phép kinh doanh dịch vụ bưu chính.

Khoản a, mục 6 (điều 10) quy định cấm khuyến mại trong cung ứng dịch vụ làm ảnh hưởng tới phạm vi dịch vụ dành riêng, cũng theo nhiều doanh nghiệp bưu chính, là đi ngược lại quyền quảng bá sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của doanh nghiệp.

Theo đại diện Công an TP Hồ Chí Minh, Luật cần thêm vào nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự xã hội (điều 5) trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính do thực tế tại Việt Nam đã phát sinh nhiều vấn đề bưu chính liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự (bom thư, chất nổ, thư chứa chất độc hại...). Hoạt động lợi dụng bưu chính vận chuyển hàng cấm vẫn diễn ra do nhiều nhân viên bưu chính chưa thực hiện đúng trách nhiệm, Luật cần có quy định về xử phạt những giao dịch viên bưu chính sơ hở, dễ dãi, làm không hết trách nhiệm, thiếu trách nhiệm khi tiếp nhận bưu gửi, bắt tay với người buôn lậu để giao nhận, vận chuyển bưu gửi bất hợp pháp. (điều 20).

Một số ý kiến đề nghị Luật chú ý thể hiện chặt chẽ quyền bảo đảm an ninh thông tin cho công dân, làm rõ những khái niệm như “phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam” đối với nội dung tem trong quy định kinh doanh tem bưu chính, khái niệm “công ích” của tổ chức bưu chính Việt Nam … để có thể vận dụng được chính xác trong thực tế, sử dụng từ “Tổ chức bưu chính Việt Nam” thay cho Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam… “Các tranh chấp, khiếu nại…trong lĩnh vực này cũng phải làm rõ hơn nữa mới xử lý được”, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh Trần Du Lịch nhấn mạnh./.

Thi Cầm

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Phải bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất


Hà Nội (TTXVN 5/5/2009)

Tiết kiệm là quốc sách. Đảng và nhà nước ta luôn kêu gọi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải hết sức tiết kiệm để xây dựng đất nước. Đi đôi với tiết kiệm là phải chống lãng phí. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm khác với ki bo, bủn xỉn; lãng phí thì tội còn nặng gấp nhiều lần tham ô. Trong cuộc sống, sinh hoạt và công tác, Hồ Chủ tịch là một tấm gương mẫu mực về tinh thần tiết kiệm, một chiếc phong bì đã dùng rồi, Bác cũng tận dụng và dùng lại đến lần thứ hai.

Ngày hôm nay, đất nước đang trong thời kỳ khởi sắc, nền kinh tế phát triển, cứ nghĩ nhắc lại câu chuyện tiết kiệm chiếc phong bì, chắc có một ai đó cho rằng đều là chuyện nhỏ, không có gì đáng nói. Tuy nhiên, nếu ý thức được vấn đề, nhất là trong thời điểm chúng ta đã và đang thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thì chuyện tiết kiệm, tránh lãng phí trong chi dùng ngân sách từ những việc làm nhỏ nhất thì càng có ý nghĩa hơn. Liên quan mật thiết đến việc tiết kiệm chiếc phong bì của Bác, có thể thấy sự lãng phí đó xẩy ra xung quanh việc sử dụng những chiếc tem bưu chính hàng ngày để gửi công văn.

Theo quy định của ngành Bưu chính, gửi một phong bì nặng không quá 800g thì tương ứng với một chiếc tem 800đ, nhưng trong thực tế thường thấy ở các công văn của nhiều cơ quan, người ta dán luôn đến 2 con, có ý như để “cho chắc”. Một công văn, với trọng lượng thực tế, lẽ ra chỉ cần dán 2 chiếc ( có thể là đã đủ, thậm chí đã thừa) nhưng vì tiện tay dán luôn một vĩ 3 đến 4 chiếc… Và, mặc dù trong một thị trấn nhỏ, các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội thường ở gần nhau, xa nhất cũng chưa đến 1 km nhưng trong thực tế ít thấy những công văn được phát hành trực tiếp, mặc dù cách thức này vừa tiết kiệm, vừa nhanh, vừa đảm bảo sự an toàn, tránh được sự thất lạc. Ngược lại, tất cả những công văn được bỏ vào những chiếc phong bì rồi dán tem, mang tất cả nó bỏ vào một chổ cho bưu điện phân phát đến các công sở cách đó chẳng bao xa. Hơn thế nữa, có rất nhiều trường hợp công văn được gửi cho nhiều cơ quan cùng một lúc, trong đó có cả phải gửi cho cơ quan có trụ sở cách đơn vị ban hành công văn chỉ vài chục mét ( thậm chí ở đối diện nhau) nhưng tiện thể người ta đã mang tất cả bỏ vào thùng thư bưu điện( đi đến bưu điện quảng đường còn xã hơn nhiều lần đến các cơ quan cần gửi và tất nhiên là phải dán ít nhất một chiếc tem). Vì vậy, ngày hôm sau, buộc lòng những chiếc phong bì đó phải hành trình quay ngược lại đến gần nơi mà ngày hôm trước đã mang nó đi.

Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng; trên các diễn đàn, nhất là các diễn đàn có chủ đề xung quanh thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” người ta chỉ thường đề cập và phê phán tình trạng lãng phí trong việc sử dụng của công như sử dụng ô tô công vào việc riêng; lãng phí điện thắp sáng hay sử dụng điện thoại cơ quan một cách vô tội vạ…; Trong các bản thu hoạch sau khi học tập hai chuyên đề“ Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về vấn đề thực hành, tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, “ Sửa đổi lối làm việc” mọi người thường chỉ nêu tinh thần tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; sửa đổi lối làm việc nghe có vẻ như hay lắm trong từng câu chữ. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thực hiện cuộc vận động lớn nói trên thường chỉ đạt được một vế thứ nhất là “học tập” còn điều “làm theo” Bác theo vế thứ hai thì thật ít có thấy ai quan tâm thực hiện cho tốt, cho dù đó là những chuyện hàng ngày phát sinh qua công tác, học tập và sinh hoạt. Câu chuyện tiết kiệm chiếc phong bì của Bác vẫn còn nguyên về giá trị; trong trường hợp này, con tem được nhắc đến như một lời nhắn gửi cho mỗi chúng ta, nhất là trong thời điểm tổ chức, thực hiện cuộc vận động lớn của Đảng. Sự lãng phí này xét ở góc độ từng lúc, từng nơi thì tưởng xem như không có gì đáng nói song một cách tổng thể thì nó luôn diễn ra hàng ngày, hàng giờ và còn mang tính phổ biến ở nhiều nơi. Không thể tính được sự lãng phí nêu trên nhưng chắc chắn rằng nếu tính trên phạm vi cả nước, sự lãng phí này cũng không ít. Thiết nghĩ, chống tham ô, lãng phí; thực hiện cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phải tất cả bắt đầu từ những việc mà hàng ngày chúng ta có thể cho là rất nhỏ kia.

Chẳng có gì phải nói nếu mỗi chúng ta không một ai lên tiếng, đều vô tâm đối với những hiện tượng như chiếc phong bì, con tem. Và, càng đáng trách hơn, khi một ai đó khi đọc và nghe bài viết này sẽ “ biết rồi, khổ lắm, nói mãi”; tiền của nhà nước chứ chi của mình mà băn khoăn cho cực cái thân.

Chẳng cần phải nêu lên giải pháp, kiến nghị gì xung quanh việc lãng phí khi sử dụng văn phòng phẩm ở cơ quan; chỉ nói lên suy nghĩ của mình để mỗi chúng ta cùng suy ngẫm, nhất là khi đã được học tập tấm gương, đạo đức về tinh thần tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí của Bác Hồ./.

Phạm Dân
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
6 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn kimma vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
♥ Voi Cúc Phương ♥ (07-05-2011), hat_de (28-10-2009), hoang.le (26-02-2011), Ng.H.Thanh (08-05-2011), Poetry (28-10-2009), xihuan (25-02-2010)