Xem riêng 01 Bài
  #8  
Cũ 12-12-2009, 15:03
kimma kimma vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Sống
 
Ngày tham gia: 12-06-2009
Bài Viết : 225
Cảm ơn: 397
Đã được cảm ơn 2,059 lần trong 226 Bài
Mặc định

Vừa thấy một câu chuyện rất lý thú, chủ yếu về bác Thiện:

Chuyện những người chơi tem ở Hà Nội

So với thế giới, số người chơi tem ở Việt Nam không nhiều, chừng khoảng hơn 100 người, trong đó chỉ khoảng 40 có tên chính thức trong các hội chơi như hội của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và hội "mẹ" Việt Nam.

"Sống hay chết?" - ngồi quan sát một cuộc mua bán hoặc trao đổi tem bạn sẽ thường nghe thấy "bên A", "bên B" hỏi nhau câu này. Tem không có dấu bưu điện thì gọi là tem sống, có dấu coi là chết. Cùng một bộ nhưng loại sống đắt gấp 10 lần. Những người mới chơi, nhẹ tiền lại lãng mạn thì thích chơi tem chết nhưng phàm đã là người trông chờ vào lời lãi trên con tem thì chẳng thế.

Tem quý chỉ có trong nhà những người sưu tầm lâu năm. Nhưng thế nào là quý? Mỗi người chơi có quan niệm riêng của mình. Ông Lê Đức Vân (chủ tịch hội tem Hà Nội) nổi tiếng là một người chơi tem họa (tem tranh nghệ thuật). Ông quan tâm đến tem đẹp và tên tuổi của họa sĩ. Tem tranh Picasso, ông có đủ bộ cả thời kỳ lam, thời kỳ hồng, rồi lập thể... cho đến những bộ tem không răng của Bhutan in tranh Van Gogh, Renoir... gợn cả vệt mầu dầu như loại tranh phiên bản cao cấp. "Cứ như có những bảo tàng tranh thu nhỏ trong nhà vậy" - ông Vân nói bằng giọng say mê dường như không hề suy giảm sau hơn 50 năm chơi tem.

Ông Vũ Đức Thúy, một dược sĩ, theo đuổi đề tài tem y tế, tem của ông là những "y sĩ" chống bệnh AIDS, phong, ung thư, suy tim, sốt rét.. Nguồn tem chủ yếu từ trao đổi với bạn bè nước ngoài ở khoảng 30,40 quốc gia khác nhau. Ngày nào ông cũng nhận thư, gửi thư, chờ đợi chúng từ suốt hàng chục năm nay, và có thời gian chờ đợi luôn cả việc vào biên chế ở ngành y tế trong 6 năm vì... tem. Trước 1986, việc thư từ quan hệ với nước ngoài ai tin là việc nhàn sự, bình thường? Ông Thúy sưu tầm cả những loại tem dị thường: tem bằng vàng, tem tam giác, tem lụa, tem thêu... Tem bằng vàng hóa ra chẳng đắt, có thể tìm thấy trong nhà nhiều người chơi tem, vì thường chỉ là loại vàng non, giá khoảng 80.000 - 100.000 đồng/con.

Tem Việt Nam, lạ nhất là những con tem Đông Dương in đè. Sau tháng 8-1945, chính quyền Cách mạng chưa đủ điều kiện để in tem mới đã lấy tem của Bưu chính Đông Dương không còn giá trị sử dụng đem in đè tiêu đề "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" với giá tiền mới. Giờ khoảng hai triệu đồng một bộ 63 con. Tem Đông Dương lưu hành trước 1945 giá cao hơn rất nhiều. Ông Đàm Trung Thiện, một đại gia về tem, người sẽ nhắc đến ở cuối bài với nhiều câu chuyện thú vị, nói rằng con tem đắt nhất hiện nay trong tài sản tem của ông là con tem Nam Kỳ, giá mặt 10 xu, phát hành năm 1886, in hình hai tượng thần thương mại. Và giờ giá của nó lên 2.000 USD. Những bộ tem quý khác như bộ Mạc Thị Bưởi, khoảng 500 USD/bộ 4 con. Người nước ngoài thích chơi tem cộng sản nên tem Việt Nam bán khá tốt, thậm chí có cả những bộ tem Việt Nam Dân chủ Cộng hòa in hình Hồ Chủ tịch do Người Hongkong làm giả.

Chuyện của người chơi tem kỳ cựu

Đàm Trung Thiện là con thứ ba của ông tuần phủ tỉnh Phủ Lý cũ. Nay ông 80 tuổi, từng là giáo viên môn vật lý trường Chu Văn An, từ lâu đã nổi tiếng là một nhà kinh doanh tem cự phách của Hà Nội. "Tôi chưa bao giờ đi mua một con tem nào mà lại không có lãi" - và ông cho rằng "Chơi tem mà không nghĩ đến kinh tế là lãng phí" - kèm theo quan niệm - "Với tôi, một con tem quý là một con tem đắt".

Tài sản tem của ông Thiện rất lớn, đáng kể là bộ tem Đông Dương hoàn chỉnh từ cuối thế kỷ 19 cho đến Cách mạng Tháng Tám mà ông mua lại của một ông già người Pháp với giá 4.500 USD. Ông cũng là người có tương đối đầy đủ những bộ catalogue tem của thế giới, cuốn cẩm nang hướng dẫn cho người sưu tập biết giá cả và lai lịch của những con tem quý.

Năm 1935, khi mới 15 tuổi, là học sinh trường Bưởi, ông Thiện đã mê mẩn tem. Ông nhặt nhạnh chúng và dán vào quyển lịch Trung Quốc bằng giấy bản. Một hôm ngang qua phố Cầu Gỗ, thấy hiệu Nam Long tầm mua tem cũ, ông thử vận may với quyển tem học trò của mình. Bà chủ trả tám hào cả quyển nhưng do không có tiền lẻ vội chạy đi đổi tờ một đồng. Trong khi đó, một sĩ quan Pháp bỗng ghé vào chọn mua một con tem của ông và trả hẳn hai đồng. Cậu bé Thiện lúc đó ngay lập tức hiểu rằng nghề tem là một nghề vô cùng lời lãi. Từ bấy giờ ông bắt đầu nhặt nhạnh tem Đông Dương rồi gửi sang bán ở Pháp, và ngày càng có cơ sở mạnh để chơi.

Năm 1945, ông có cửa hàng tem ở Tràng Tiền. Ông kể mỗi khi cửa hàng nhà nước phát hành loại tem mới, Tây xếp hàng mua tem còn hơn người ta mua gạo thời bao cấp. Ông Thiện có riêng một đội chừng mười cậu nhóc chuyên xếp hàng mua tem. Hồi đó, suất mua mỗi người chỉ được 10 con.

Năm 1946, ông dạy học ở Bắc Ninh, tình cờ trường huyện lại nằm cạnh bưu điện Bắc Ninh hồi ấy. Năm 1948, một lần ông thấy người ta xếp xó mấy cái bao tải tem chưa phát hành, toàn bộ là tem Đông Dương in đè Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sở dĩ số tem này không dùng được nữa vì giá mặt của con tem là 25 xu trong khi để gửi một bức thư lúc đó người ta cần dán khoảng mấy trăm đồng tiền tem. Do không biết dán bao nhiêu cho xuể nên tem loại đó bưu điện đành xếp xó. Ông Thiện bán cái xe đạp và mua gọn cả đống. Mua xong ông nghĩ mình sẽ là một tỷ phú. Năm 1950, ông Thiện về Hà Nội, lúc này đang là vùng tạm chiếm, nên gửi lại mấy cái bao lớn đó cho một người thân quen ở Bắc Ninh trong khi thu xếp thuê người chuyên chở với giá một cây vàng. Giấc mơ tỷ phú tan tành khi ông được người bà con nọ báo tin rằng nhà và tem đều đã cháy rụi. Tất nhiên ông Thiện không tin. Bốn vạn con tem, người nẫng tay trên chỉ bán ra chừng 1 xu/con và mãi cho đến giờ ông Thiện vẫn phải đi lùng mua chính những con tem của ông với giá 150.000 đồng/con.

Về Hà Nội, từ 1950-1954, ông tiếp tục mua bán trao đổi tem và nhờ nó ông nuôi cả gia đình. Năm 1954, ông vào nam vì nghĩ rằng vào đó kinh doanh tem sẽ hiệu quả. Một năm sau ông được vận động quay trở ra Hà Nội. Ông bán sạch chỗ tem hiện có. Nhưng chỉ một thời gian sau thấy tem kháng chiến đẹp ông lại chơi.

Trong đời có không biết bao nhiêu lần ông Thiện gặp những món lời lãi.

Năm 1970, ông Thiện may mắn mua lại tài sản tem của cụ Đức, một đại tư sản cũ về nhà cửa ở Hàng Trống khi cụ qua đời với trị giá chừng 5 chỉ vàng. Cụ Đức giàu tiền nên chơi tem như một người tích trữ. Số tem ấy ông bán suốt 20 năm sau đó vẫn chưa hết. Ông khoe chỉ riêng quyển tem về tòa thánh Vantican đã mang lại cho ông năm cây vàng.

Một lần ông còn được tặng một tờ giấy dầu, vốn là tờ giấy gói 10m lụa Hà Đông do tổ sản xuất lụa Hà Đông gửi tặng Hồ Chủ tịch bằng bưu điện, trên giấy có con tem đóng dấu. Sau đó ông gửi bán đấu giá ở Đức tờ giấy đó được 2.500 USD.

Giờ ông bảo, "Tôi chẳng có lấy vài triệu trong nhà, tất cả tiền từ tem rồi lại thành tem". 80 tuổi nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn, hóm hỉnh; "Khi nào huyết áp lên, tôi ngồi sắp soạn, ngắm nghía tem là nó xuống".

(Nguyễn Quỳnh Chi)

Trích dẫn:
Nguyên văn bởi hat_de Xem Bài
nhanh thật ... thé là sáng mai bác mạnh đã có thể tâm sự trực tiếp với mọi người rồi
Không biêt bác Đàm Mạnh có ra Hà Nội không?
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
17 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn kimma vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Đêm Đông (12-12-2009), Đinh Đức Tâm (12-12-2009), Bảo Khánh (27-10-2010), dammanh (12-12-2009), Dat_stamp (08-10-2011), hat_de (12-12-2009), huuhuetran (12-12-2009), kuro_shiro (15-12-2009), Ng.H.Thanh (15-12-2009), nguyenhuudinhue (10-12-2013), nino huynh (27-11-2011), open (31-01-2010), Poetry (15-12-2009), thanhtruc (12-01-2013), Tien (12-12-2009), tiny (31-01-2010), vnmission (12-12-2009)