Xem riêng 01 Bài
  #2  
Cũ 14-07-2019, 00:52
Poetry's Avatar
Poetry Poetry vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Chủ nhiệm, Trưởng Ban Biên tập - CLB VIET STAMP
 
Ngày tham gia: 02-09-2007
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Bài Viết : 7,875
Cảm ơn: 35,663
Đã được cảm ơn 54,830 lần trong 7,659 Bài
Mặc định

CHA TÔI – TÌNH YÊU CUỘC SỐNG

Hôm nay (6-5-1912) là ngày sinh Cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Người ta vẫn nói, con người ta có số. Nếu đúng vậy, tôi dám chắc cha tôi số vất vả, ngay từ lúc sinh ra. Điều này do chính ông kể lại, trong tự thuật “Cái đời tôi”, viết năm 18 tuổi. Trong đó ông cho biết ngay khi sinh ra, suýt chút nữa thì đã không còn được chứng sống: “Mẹ tôi kể chuyện lại rằng, lúc sinh tôi ra, bà đỡ, già đã ngoại bảy mươi, cắt rốn cho tôi xong – cắt bằng một cái mảnh sành – vì lẫn cẫn mà quên không buộc rốn lại cho tôi, khiến cho máu chảy ra nhiều mà không ai biết. Kịp đến lúc bà mợ tôi ra, ẵm tôi cho bú, bấy giờ mới biết, thì tôi đã tái như con gà cắt tiết rồi. Bấy giờ cả nhà ngơ ngác, chạy chạy, chữa chữa, cúng cúng, tế tế, bà đỡ thì gọi mẹ, mẹ tôi thì khóc mếu. Tôi may lại qua được cái tai nạn ấy, nhưng người tôi quắt lại, da dẻ xám lại, hơn hai tháng giời tôi mới thành hình đứa bé, mới thành một đứa bé có hồn người, tức là có hy vọng nuôi được.”

Nguyễn Huy Tưởng thoát chết lần ấy. Nhưng cái chết còn bám theo ông và các anh chị em suốt thời niên thiếu. Ông có năm anh chị và một em gái, tất cả là bảy chị em. Năm ông lên hai thì hai người chị mất. Năm lên 7, đến lượt người anh trai sát mình. Một năm sau lại đến người em gái ra đi. Khi ấy, Nguyễn Huy Tưởng 8 tuổi và em gái 6 tuổi. Cả hai anh em cùng ốm một lúc, ròng rã suốt mấy tháng giời. Nhờ sự chăm sóc không quản ngày đêm của thân mẫu, ông may mắn qua khỏi, nhưng em ông thì không. Và đây là hình ảnh bậc sinh thành mà ông được thấy trong trận ốm ấy, giữa một lần thức dậy lúc nửa đêm: “Mẹ tôi ngồi giường gian giữa, chân duỗi dài, hai tay thu bọc – vì bấy giờ giời rét – mặt đăm đăm nhìn vào phía tôi nằm. Nét mặt hiền hòa của mẹ tôi nay lại ngụ biết bao nhiêu vẻ buồn rầu đau đớn. Tôi không sao quên được cái hình mẹ tôi hôm ấy, cái nhà của tôi hôm ấy. Một ngọn đèn con, ba gian nhà ngoài – chỗ tôi nằm – mờ mờ không tối không sáng, hiện ra một vẻ âm thầm. Mẹ tôi ngồi yên, nét mặt thê lương thảm đạm, ở má anh ánh một vài giọt nước mắt, cứ từ từ giọt nọ tiếp giọt kia mà rơi xuống áo bông của mẹ tôi. Trên đầu mẹ cuốn cái khăn vuông mỏ quạ. Trừ mặt ra, toàn thân mẹ tôi đen nghịt, càng nổi rõ cái vẻ buồn. Nhất là nén hương, sao mà ngào ngạt thơm tho; khói hương lên nghi ngút, bay cao lên, gặp cái đèn tọa đăng, tỏa ra như hình tòa sen của đức Phật ngồi, tăng thêm vẻ cung kính lúc bấy giờ. Mẹ tôi chắc ngồi cầu khấn Phật trời cho chúng tôi chóng tai qua nạn khỏi, chóng mạnh khỏe vui chơi.”

Tôi xin không bàn về giá trị văn chương của đoạn văn ấy – trích trong những trang hồi ức Nguyễn Huy Tưởng viết cho riêng mình năm 18 tuổi và không có ý định đem in. Tôi cũng không muốn lạm dùng chữ “khải thị” trong Kinh Thánh để chỉ việc ông gặp được hình ảnh ấy của mẫu thân, như ai đó từng được soi chiếu bởi một thứ ánh sáng chói lòa từ trên trời giội xuống để được thấy Chúa; ở đây chỉ đơn giản là một hình ảnh thân quen, gần gũi của bậc sinh thành mà hằng thường ông vẫn thấy, có khác chăng chỉ ở chỗ nó bừng lên với một đứa trẻ đang ốm là ông lúc chợt tỉnh. Chính vì thế mà nó cảm động, nó lung linh, và nó sẽ theo ông suốt đời trong những thôi thúc viết về thân mẫu mình…

Vào ngày sinh của Cha, tôi kể những chuyện này chỉ cốt để nói rằng, những vất vả mà ông từng trải qua, những mất mát mà ông phải chứng kiến đã làm cho Nguyễn Huy Tưởng càng thêm ý thức về cái giá của cuộc sống, để ông càng thêm quý trọng đời mình và trân trọng cuộc sống của mọi người. Tác giả “Cái đời tôi”, dù chỉ thọ 48 tuổi theo dương lịch, đã để lại những dòng sau trong nhật ký, cho thấy ông tha thiết với đời với người biết nhường nào: “Muốn sống một cuộc đời rất thường, có liên hệ với mọi người, với cuộc sống, với những chi tiết tỉ mỉ của cuộc sống: một ánh mặt giời lên - gió mát gốc đa - lá khô bay trên đường - cái mái nhà mối rúc, v.v...” (22-4-1956); và: “Cúi đầu trước cuộc sống, dù đấy là một cuộc sống tầm thường, một mảnh con của cuộc sống, cuộc sống của cả những loài súc vật, như con mèo trong tay người gác cổng Tatar” (cảm xúc khi xem phim về M. Gorki, 7-6-1956)…

Name:  fdc vs ng huy tuong tg cho ng huy thang.jpg
Views: 846
Size:  114.7 KB
Bì thư có in kí họa Nguyễn Huy Tưởng (theo nét vẽ của Văn Cao), do Câu lạc bộ tem Viet Stamp gửi tặng gia đình nhà văn nhân ngày đầu phát hành tem Nguyễn Huy Tưởng.

Nguồn: Facebook của Nhà văn Nguyễn Huy Thắng - con trai cố Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
__________________
Họ tên: Hoàng Anh Thi
Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh 736022, Việt Nam.
Điện thoại: (84-8) 38111467
Di động: 0918 636 791
Email: hoang.anhthi@gmail.com / vietstamp.net@gmail.com
Website: www.hoangthethien.net
Số tài khoản Vietcombank: 0071001061473
Đề tài sưu tập: Việt Nam trên tem thế giới, cộng sản, văn hóa phương Đông...
Gửi tin nhắn trên VSF:
Đằng Giang tự cổ huyết do hồng
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn Poetry vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
huytuan1510 (15-07-2019)