Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > KIẾN THỨC CHƠI TEM > Café VietStamp

Café VietStamp Nơi tán gẫu, "bình loạn" tất cả những gì liên quan đến Tem.

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 21-04-2015, 18:29
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Lightbulb Hồn Tem



Xin mượn hàng của Hồng Đức để minh họa bài này nha.


Một hôm, có anh bạn ở Sài Gòn rủ đi nhậu lai rai nói chuyện. Rượu ngà ngà, nói chuyện trên trời dưới đất mới biết ông bạn mới quen của mình là dân chơi tem chuyên nghiệp, chỉ có sơ sơ khoảng 2 vạn con tem, đủ mọi chủ đề, lại còn sưu tầm cả tiền cổ, sách cổ nữa chứ. Đã hơn 20 năm không ngó ngàng gì đến mấy album tem sưu tầm hồi nhỏ, tự nhiên gặp ông bạn mới, máu chơi tem nó trổi dậy, để rồi lục lọi tìm lại mấy quyển tem ngày xưa và bắt đầu.... làm lại từ đầu. Lên mạng tra cứu catalogue Scott (Mỹ) mới thấy “gia tài” của mình không đến nổi tồi, chỉ khoảng 3 - 4 ngàn con, đa số là tem chết thuộc dòng tem xưa trước 1975. Tem Quốc gia VN giai đoạn 1951-1954 (thời vua Bảo Đại), tem VNCH từ 1954-1975 hầu như có đầy đủ, chỉ thiếu một vài con thời kỳ đầu như Bảo Đại, Bảo Long và phong cảnh Việt Nam, có cả tem nước ngoài Mỹ, Pháp, Đức, Vatican, Ý, Tây Ban Nha, Cambodia, Lào, Malaysia, tem thuộc địa Anh, Pháp (colonie)... Trong dòng tem thuộc địa có nhiều tem quý thời Pháp thuộc như tem Indochine cuối thế kỷ 19 hiện có giá khá đắt.


Những con tem xinh xắn với những hàng răng cưa mỏng manh, mỗi lần gỡ ra, gắn vào phải nâng niu, nếu nó rách góc hoặc hỏng mấy cái răng cưa thì công toi. Dân chơi tem chuyên nghiệp thì khoái cái vụ tem được dán phong bì đóng dấu ngày phát hành đầu tiên (FDC), người thích tem sống, người mê tem chết. Dân chơi thượng thừa sưu tập các bản tem thử màu (tem mẫu thử màu trước khi phát hành chính thức); tem sống còn nguyên blog chưa xé rời (hàng tồn trong Bưu điện VNCH sau năm 1975), các mẫu tem Deluxe Proof (mẫu in chuẩn phát hành chính thức) với giá cực kỳ đắt (Deluxe Proof của bộ phong cảnh VN hiện có giá hơn 3000 dollars). Độc chiêu nhất là tem Indochine dán vào bì thư thực gửi qua đường hàng không Bưu chính những năm cuối của thế kỷ 19, khi Tây mới xâm chiếm Việt Nam, được Bưu điện đóng dấu, có tên người gửi, người nhận viết bằng cây bút rong này xưa bằng tiếng Tây (hồi đó ông bà mình học xong tiểu học là nói tiếng Tây được rồi) được giữ nguyên xi. Nghe đâu hôm rồi có một cái bì thư như thế đem bán đấu giá trên Ebay được mấy nghìn đô.

Thương nhất là dòng tem VNCH trước năm 1975, một thời kỳ lịch sử không thể phai mờ trong ký ức người dân miền Nam và những người miền Bắc di cư, những con tem tuy nhỏ bé nhưng chuyển tải không biết bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử Việt Nam thời cận đại. Lên Sài Gòn, săn lùng mấy con tem còn thiếu của giai đoạn từ 1951-1975, dù mua với giá trời ơi nhưng lòng vẫn cứ vui như Tết vì chẳng uổng công tìm kiếm. Vậy là đủ bộ dòng tem VNCH giai đoạn 1951-1975 với tổng cộng 559 mẫu tem đã được phát hành (theo Danh mục Scott tại Mỹ) kể cả các tem in đè giá và 3 mẫu tem quân bưu được in thẳng vào bì thư. Bộ tem Bảo Đại (3 tem) và phong cảnh VN (10 tem) phát hành đầu tiên năm 1951 là những bộ chính trong bộ sưu tập tem VNCH , nhưng đình đám nhất hiện nay lại là bộ Di cư gồm 7 tem phát hành năm 1955-1956 kỷ niệm sự kiện lịch sử hơn 1 triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam sau Hiệp định Genève 1954 đang có giá từ 1,2 đến 1,5 triệu VND/bộ. Dân ghiền tem VNCH còn sưu tầm cả các tem đã in nhưng không phát hành vì lý do chánh trị, trong đó có 2 bộ tem nổi tiếng: Kỷ niệm ngày Đại hội Thanh niên Phật tử Thế giới (1967) và Bắc tiến (1968).


Mỗi con tem ngày xưa (ngày nay cũng vậy) như có cái hồn của nó được chuyển tải qua nét vẽ của người thiết kế về một nhân vật, sự kiện, danh lam thắng cảnh; ngoài ra nó còn phản ảnh các thời kỳ lịch sử, ý thức hệ, kinh tế, chánh trị, tôn giáo, văn chương, nghệ thuật và muôn vàng những thứ khác không kể hết được, như cách nói bóng bẩy của dân chơi tem: “con tem nhỏ mở ra khung trời lớn”. Dòng tem thuộc địa của Pháp, Anh (Colonie) như mở ra trước mắt ta con người, phong cảnh những đất nước lạ lẫm thuộc Châu Mỹ, Châu Phi hoang dã, chỉ có thể biết qua những con tem ở cái thời chưa có internet như Ceylon, Polynesia, Cote d’Ivoire, Dubagui, Togo, Gabon….

Nhìn lại những phong bì tem có đóng dấu ngày phát hành đầu tiên, lòng bồi hồi nhớ về những ngày tháng cũ, mỗi khi hè đến được ba cho đi Sài Gòn chơi, cùng mấy anh em con cậu Tư thường ghé Bưu điện Sài Gòn gần nhà thờ Đức Bà và các gian hàng tem trên đường Lê Lai mua những phong bì tem có đóng dấu ngày phát hành đầu tiên hoặc ngồi lựa tem chết với giá rẻ bất ngờ. Những con tem chết tuy không có giá trị mấy về tiền bạc nhưng nó lại là một kỳ công của người sưu tập, nó chứa nhiều giá trị tình cảm vì được chuyền tay từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ cha mẹ, cô chú, cậu dì, anh chị để lại hoặc mua cho. Nó gợi cho ta nhớ về một thời hồn nhiên khám phá và tìm tòi những điều mới lạ qua hình ảnh trên những con tem.

Hầu hết mỗi con tem đều có lai lịch và những câu chuyện thú vị xung quanh việc phát hành (hoặc thu hồi), sưu tập, giá cả. Chơi tem mà không biết lịch sử ra đời của tem thì cũng chán. Lại lần mò lên mạng tìm kiếm, xem lai lịch của chúng, giá cả trên catalogue quốc tế xem “gia tài” của mình đáng giá bao nhiêu, để rồi ngắm nghía và ao ước, phải chi có đủ bộ dòng tem Colonie mới đã./.


Từ ngày 10 tháng 1 năm 1951 người Pháp đã giao toàn bộ Sở Bưu Chính Đông Dương cho người Việt và được đổi tên là Sở Bưu Điện Quốc Gia Việt Nam, các thư từ trên toàn cõi Việt Nam vẫn còn sử dụng các con tem Đông Dương cho đến ngày 6 tháng 6 năm 1951 mới có con tem đầu tiên ra đời, đó là bộ 3 tem mang hình Bảo Đại, vị vua cuối cùng triều Nguyễn. Tiếp đến là 10 tem với những thắng cảnh đẹp của VN như Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), đền thờ Quốc Tổ (Sài Gòn), Hoàng thành (Huế) và thác Gougah (Đà Lạt).

Bộ tem cuối cùng trong dòng tem VNCH được phát hành ngày 26 tháng 3 năm 1976 nhân kỷ niệm ngày nông dân VN gồm 2 tem theo mẫu thiết kế của họa sĩ Vi vi Võ Hùng Kiệt và Nguyễn Văn Ri (nguồn: Câu lạc bộ Vietstamp).

Thái Lý

Nguồn : http://thatsonchaudoc.com/banviet2/T...iKy/HonTem.htm + VietStamp
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
5 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
chienbinh (29-04-2015), manh thuong (22-04-2015), NHL-2014 (21-04-2015), Poetry (21-04-2015), Tien (21-04-2015)
Trả lời

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.