Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > KIẾN THỨC CHƠI TEM > Người làng Tem > Họa sĩ vẽ Tem

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 10-07-2019, 02:00
Poetry's Avatar
Poetry Poetry vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Chủ nhiệm, Trưởng Ban Biên tập - CLB VIET STAMP
 
Ngày tham gia: 02-09-2007
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Bài Viết : 7,875
Cảm ơn: 35,663
Đã được cảm ơn 54,830 lần trong 7,659 Bài
Mặc định Người đưa cuộc sống vào những con tem

Chúng tôi tìm đến nhà họa sĩ Trần Vinh vào ngày Hà Nội lên tới 400C. Ngôi nhà cao đẹp nằm ở một góc thật bình yên trong con ngõ nhỏ trên phố Ðội Cấn. Người họa sĩ đã ngồi đó chờ khách, để kể cho chúng tôi chuyện đã gắn bó cả cuộc đời của ông với những con tem.

Name:  hs tran vinh.jpg
Views: 503
Size:  106.9 KB

Họa sĩ Trần Vinh đang hoàn tất một mẫu tem mới.

Từ cơ khí đến vẽ tem

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, họa sĩ Trần Vinh trẻ hơn nhiều so với tuổi 64. Sự điềm đạm và giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng của ông khiến câu chuyện về nghề từ khi bắt đầu cũng giản đơn như vốn dĩ ông được nghề chọn lựa. May mắn được sinh ra trong gia đình có bố là họa sĩ Trần Mai - người nổi tiếng với tranh cổ động, tốt nghiệp Trường cấp III Công nghiệp, chàng trai Trần Vinh hồi ấy đã kịp đi làm kỹ thuật viên, thiết kế trong ngành cơ khí, sau đó được lãnh đạo cử đi học chuyên ngành đồ họa tại Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Khoảng những năm 80, cơ duyên đến với ông khi ngành bưu chính tổ chức cuộc thi vẽ tem toàn quốc. Sau khi tham gia và được chọn mẫu, bưu điện đã xin Trần Vinh về để phục vụ ngành. Mặc dù thế, cơ khí vẫn là niềm đam mê và khiến chàng trai ngoài 20 tuổi khi ấy phân vân, đắn đo nhiều. Cuối cùng, nghề đã chọn người, họa sĩ Trần Vinh chính thức đầu quân cho ngành bưu chính.

Trần Vinh trở thành họa sĩ bưu chính sau cuộc thi lớn về vẽ tem nhân kỷ niệm 40 năm thành lập đất nước lần đầu tiên được tổ chức. Khoảng hơn 1.000 người tham gia dự thi và họa sĩ trẻ Trần Vinh đã bất ngờ giành giải cao nhất, trong khi hai thầy giáo của ông lúc đó - họa sĩ Ngô Mạnh Lân giành giải nhì và họa sĩ Trịnh Quốc Thủ giành giải ba. Kinh nghiệm không nhiều, nhưng Trần Vinh đã tạo ấn tượng mạnh với các thầy và đồng nghiệp bởi sự sáng tạo và cách tư duy khác hẳn. Kể từ đó, cứ đi thi là giành giải cao nhất, họa sĩ Trần Vinh đã chinh phục hầu hết các cuộc thi vẽ tem trong suốt nhiều năm.

Phải thừa nhận rằng, những năm tháng trong ngành cơ khí đã tạo cho người họa sĩ chuyên vẽ tem ấy một thái độ nghiêm túc, cách làm việc khoa học, logic từ suy nghĩ đến cách thể hiện. Nếu vẽ về dòng tem chính trị, kỷ niệm, có lẽ khó ai có thể có nhiều tác phẩm tem nổi bật giành giải thưởng như họa sĩ Trần Vinh. Thậm chí, nhiều người còn yêu mến gọi ông là “vua vẽ tem chính trị”.

Vượt qua chính mình

Không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió bởi có lúc mẫu tem của họa sĩ Trần Vinh nhận phải những ý kiến trái chiều. Nhưng cũng may mắn khi cuối cùng mọi người đều hiểu và thừa nhận sự sáng tạo của ông. Tuy vậy, việc giành nhiều giải thưởng trong nghề vẽ tem cũng chính là điều làm họa sĩ Trần Vinh trăn trở: “Ðôi khi, chính những điều đó đã tạo áp lực cho tôi, khiến tôi nhiều lúc mặc cảm. Tôi thậm chí không muốn mọi người nhìn mình với ánh mắt khác thường. Vì thế có thời gian tôi ngừng lại, không tham gia các cuộc thi nữa. Tôi chỉ muốn được làm nghề một cách giản dị nhất”. Ông nói thêm, người thầy của ông - họa sĩ Ðường Ngọc Cảnh đã dạy: “Họa sĩ đừng bao giờ coi mình là nghệ sĩ, chính tác phẩm mới nói lên anh có phải nghệ sĩ hay không”. Chính bởi vậy, họa sĩ Trần Vinh chọn cho mình lối sống khiêm nhường và học cách nhìn mọi việc bao dung.

Họa sĩ Trần Vinh chia sẻ, nếu như khi vẽ tranh, người họa sĩ có thể thích gì vẽ nấy, tung tẩy trong tư duy, thì vẽ tem là câu chuyện khác hẳn. Với những con tem mang ý nghĩa chính trị cần sự nghiêm túc, chính xác thì người họa sĩ phải làm sao để vẫn có sự sáng tạo nhưng thông điệp cần rõ ràng, có định hướng và được truyền tải mềm mại, dễ hiểu nhất. Tem về văn hóa và cuộc sống có thể bay bổng, lãng mạn hơn nhưng cũng phải rất lưu tâm đến giá trị tinh thần đằng sau đó.

Thủ pháp nghề nghiệp của họa sĩ Trần Vinh có sự khác biệt so với các đồng nghiệp khác. Ngay ở cách dùng mầu hay các chi tiết trên tem, ông luôn tìm cách thể hiện sự hòa quyện trong tương phản. Những con tem mang theo câu chuyện lịch sử được ông đưa vào những nét vẽ rất lãng mạn, hân hoan, thể hiện sự tươi mới mà vẫn mang đầy đủ thông điệp và ý nghĩa.

Mỗi con tem, họa sĩ Trần Vinh đều tìm tòi và suy nghĩ rất nhiều. Thế nhưng sau tất cả những đào sâu tìm kiếm kiến thức ấy, ông lại chọn cách thể hiện nhẹ nhàng, dung dị nhất. Như khi vẽ tem nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh Bác không phải ngồi làm việc hay đang hoạt động cách mạng thường thấy, mà Bác hiện lên an nhiên bước đi trên con đường cách mạng của Người. Bộ tem này đã đoạt giải cao nhất trong cuộc thi vẽ tem do Tổng cục Bưu điện Việt Nam và UNESCO tổ chức năm 1990.

Sứ mệnh lịch sử và văn hóa của tem

Bằng ngôn ngữ của riêng mình, những con tem đã đi cùng lịch sử dân tộc trong việc phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh, khát vọng bất tận về hòa bình, thống nhất đất nước. “Tem bưu chính Việt Nam, ngoài chức năng là phương tiện thanh toán cước phí trên mạng lưới bưu chính, là công cụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, còn là đối tượng tìm kiếm của người sưu tập tem. Mỗi bộ tem được phát hành đều gắn liền với các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước; giới thiệu với người dân Việt Nam cũng như bạn bè khắp năm châu về đất nước, con người Việt Nam. Tem bưu chính Việt Nam đã làm tốt sứ mệnh lịch sử của mình, đồng thời tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Hiện nay, tem vẫn phát triển và tiêu thụ rất tốt bởi bên cạnh nhiệm vụ bưu chính, hầu như các tỉnh, thành phố trong cả nước đều có hội chơi tem và họ sưu tập rất nhiều”, họa sĩ Nguyễn Du - Trưởng phòng thiết kế Ban Tem, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khẳng định.

Theo số liệu từ Hội tem Việt Nam, cả nước hiện có hơn 8.000 hội viên trực thuộc đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Với thông điệp “Con tem nhỏ mở ra khung trời lớn”, thông qua việc sưu tầm, tuyển chọn và quảng bá về sức sống của những con tem bưu chính qua các cuộc triển lãm trong nước và ngoài nước, các hội viên của Hội tem Việt Nam đã góp phần giúp các thế hệ trẻ hôm nay có cơ hội được sống lại với những giai đoạn lịch sử của dân tộc; giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về một Việt Nam kiên cường trong chiến tranh và luôn khát vọng hòa bình; một Việt Nam tươi đẹp và giàu truyền thống văn hóa giữa thời đại công nghệ 4.0.

Họa sĩ Trần Vinh nhớ lại, khi ông đi làm việc ở nước ngoài, lượng khách vào tham quan các triển lãm tem còn đông hơn rất nhiều so với các sự kiện khác. Bản thân ông cũng từng ngồi ký tặng suốt nhiều giờ cho những người sưu tầm tem Việt Nam, từ trẻ nhỏ cho đến những cụ già đã ở tuổi xưa nay hiếm. Bởi ông luôn tin vào sự phát triển và con đường sáng của tem bưu chính Việt Nam, mong mỏi quảng bá nhiều hơn nữa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Hơn 30 năm gắn bó với mầu vẽ và những con tem bưu chính, họa sĩ Trần Vinh hoàn toàn hài lòng khi nhìn lại sự nghiệp của mình. Ông tự hào rằng nghề đã nuôi sống ông và gia đình. Ðó không chỉ là công việc mà còn là tình yêu, là đam mê của cuộc đời ông. Ðược đi, được làm công việc mình đam mê, ông cảm thấy mình may mắn quá nhiều. Cho đến bây giờ, khi đã về hưu được ba năm, nhưng ông vẫn tiếp tục vẽ những bộ tem mang sứ mệnh lịch sử và văn hóa để tiếp lửa cho thế hệ họa sĩ vẽ tem kế cận.

Mong muốn của họa sĩ Trần Vinh thời điểm này là hai cậu con trai mau có gia đình, có cháu để ông có thể truyền nghề, như họa sĩ Trần Mai ông nội chúng, đã sinh ra hai họa sĩ là Trần Thế Vinh và Trần Thế Long.

Họa sĩ Trần Thế Vinh (sinh năm 1955) từng giành giải cao nhất tại các cuộc thi vẽ tem: Kỷ niệm 40 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam, 70 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 300 năm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh và nhiều giải thưởng khác.

Trích dẫn:
Vẽ tem rất khó, bởi phải tính tỷ lệ làm sao để khi vẽ khổ lớn nhưng thu nhỏ lại nhìn vẫn phải đẹp, phải nét. Giữa thời đại công nghệ 4.0, giá trị của tem ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi người ta không còn gửi thư qua bưu điện nhiều nữa nhưng giá trị của tem vẫn vô cùng lớn. Nó mang trên mình sứ mệnh lịch sử, thể hiện chủ quyền quốc gia; phản ánh đời sống văn hóa, xã hội thông qua hình ảnh; lưu giữ những giá trị không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy trong sách vở.

Tiến sĩ Ðoàn Hương
Ngọc Đinh (Nhân Dân điện tử ngày 26-05-2018)
__________________
Họ tên: Hoàng Anh Thi
Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh 736022, Việt Nam.
Điện thoại: (84-8) 38111467
Di động: 0918 636 791
Email: hoang.anhthi@gmail.com / vietstamp.net@gmail.com
Website: www.hoangthethien.net
Số tài khoản Vietcombank: 0071001061473
Đề tài sưu tập: Việt Nam trên tem thế giới, cộng sản, văn hóa phương Đông...
Gửi tin nhắn trên VSF:
Đằng Giang tự cổ huyết do hồng
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn Poetry vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Poetry (10-07-2019)
Trả lời

Tags
họa sĩ vẽ tem, hội họa, người làng tem

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.