Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > THẾ GIỚI TEM CHUYÊN ĐỀ > Tôn giáo > Phật giáo

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 24-05-2013, 14:57
Poetry's Avatar
Poetry Poetry vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Chủ nhiệm, Trưởng Ban Biên tập - CLB VIET STAMP
 
Ngày tham gia: 02-09-2007
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Bài Viết : 7,875
Cảm ơn: 35,663
Đã được cảm ơn 54,841 lần trong 7,659 Bài
Mặc định Tem Phật giáo giới thiệu điển tích "Thái tử Siddhattha dạo chơi bốn cửa thành"

Ngày 18-05-2013, Bưu chính Sri Lanka phát hành bộ tem "Vesak 2013" chào mừng Đại Lễ Phật Đản 2013 (PL.2557). Bộ tem gồm 4 mẫu và 1 bloc chứa 4 tem giới thiệu một điển tích Phật Giáo về Thái tử Siddhattha (Sĩ-Ðạt-Ta), người sau này trở thành đức Phật Thích Ca Mầu Ni.

Name:  351_001.jpg
Views: 1409
Size:  308.0 KB

Name:  260.jpg
Views: 1317
Size:  126.3 KB

Name:  048_001.jpg
Views: 1510
Size:  146.4 KB


Thái tử Siddhattha dạo chơi bốn cửa thành

Tiên ông Suddhavasa (Tác-Bình) muốn cho thái-tử đi chơi ra ngoài thành để biết những việc xấu tốt của đời, mục-đích khuyến-khích thái-tử chán bỏ năm món dục-lạc[67] chốn hoàng cung. Ông giả một tên quân hầu nói chuyện với thái-tử, khen chốn sơn lâm là nơi lạc thú nhất của con người. Thái-tử nghe rồi đến xin phép vua cha được ra ngoài các cửa thành dạo chơi. Vua ra lệnh sửa sang đường xá, treo cờ dựng phướn trang nghiêm trên các nẻo đường thái-tử sắp đi qua.

Hôm đó thái-tử ngồi trên xe vàng sáng chói cùng với Channa (Xa-Nặc) và đoàn quân hầu hộ-tống ra cửa thành phía đông. Dân chúng được tập họp hai bên đường để rải hoa và hoan-hô thái-tử. Tiên ông Suddhavasa biến hình làm một ông lão nghèo-nàn, lưng còng, răng rụng hết, đi thất-thểu, mặt cúi xuống đất, hơi thở phì-phào, đầu bạc như tuyết, tay chống gậy, run rẩy, khập-khểnh đi qua trước xe thái-tử. Thái-tử nhìn thấy, ngậm-ngùi hỏi Channa:

- Người này làm sao thế?

- Thưa thái-tử, người này là người già.

- Già là gì?

- Thưa thái-tử, người ta sinh ra lúc còn ít tuổi gọi là trẻ. Từ sáu mươi tuổi trở lên cơ-thể suy-tàn, tóc bạc da mồi, lưng còng sườn vạy, tinh-thần mờ tối, thở ra không hẹn hít vào, chỉ còn chờ chết, gọi là già.

- Thân ta rồi đây cũng bị như thế ư?

- Vâng! Thưa thái-tử, sang hèn tuy khác nhau, có trẻ tất có già, nhất định không ai thoát khỏi cảnh già nua như ông lão này. Thái-tử sau này cũng thế.

Thái-tử cảm thấy buồn cho thân-phận con người, liền bảo đoàn tùy-tùng quày xe trở về cung. Suốt mấy hôm liền thái-tử trầm-ngâm suy-nghĩ một mình để tìm cách thoát tướng già khổ cho tương lai mình và tất cả chúng sinh.

Một hôm khác, thái-tử lại cùng với Channa và đoàn tùy-tùng ra cửa thành phía nam. Suddhavasa biến thành một người bệnh, thân hình tiều-tụy, run rẩy, nằm trên phẩn và nước tiểu của mình bên lề đường, rên rĩ thảm-thiết, hầu như sắp chết. Thái-tử nhìn thấy, hỏi Channa:

- Người này sao lại như vậy?

- Thưa thái-tử, người này đang cơn bệnh nặng sắp chết.

- Thế nào gọi là bệnh?

- Khi thân-thể không được yên-ổn, hoặc bị nóng, hoặc bị lạnh, hoặc bị đau nhức, thương tổn trong ngũ tạng, khí lực bạc nhược, tinh thần yếu đuối, mạng sống bấp-bênh, gọi là bệnh.

- Chỉ riêng một người này hay ai rồi cũng thế?

- Thưa thái-tử, không riêng gì người này đâu, tất cả trời, người, cho đến muôn vật, không ai thoát khỏi bệnh hoạn.

- Như vậy chính thân ta đây rồi cũng thế ư !

Thái-tử buồn-bã ra lệnh quày xe trở về cung. Suốt mấy hôm liền thái-tử trầm-ngâm suy-nghĩ một mình để tìm cách giải-thoát khỏi cảnh già, bệnh cho mình và tất cả chúng sinh.

Một hôm khác, thái-tử lại cùng với Channa và đoàn tùy-tùng ra cửa thành phía tây. Suddhavasa biến thành một xác chết nằm bên vệ đường, bắt đầu sình-ươn, hôi thúi, ruồi nhặng bu quanh, trông rất ghê tởm. Thái-tử kinh-ngạc hỏi Channa:

- Này Channa, người này sao lại như vậy?

- Thưa thái-tử, đây là cái xác chết đang chờ thân nhân hỏa táng!

- Sao lại gọi là xác chết?

- Thưa thái-tử, con người hoặc bị bệnh nặng, hoặc bị thương-tích các nơi hiểm-yếu, hồn lìa khỏi xác, cơ-thể không còn một chút sinh-lực, chẳng khác gì gỗ đá, bỏ lại cha, mẹ, vợ, con, họ-hàng, sau khi hỏa táng thân-thể sẽ chỉ còn lại một đống tro tàn.

- Chính thân ta rồi đây cũng lại như thế sao?

- Thưa thái-tử, tất cả các sinh vật cho đến các bậc vua chúa đều không tránh khỏi cái chết.

Thái-tử buồn-bã ra lệnh quày xe trở về cung. Suốt mấy ngày liền, thái-tử trầm-ngâm suy-nghĩ một mình để tìm cách giải-thoát khỏi các tướng khổ già, bệnh, chết cho mình và tất cả chúng sinh.

Ít lâu sau thái-tử lại cùng với Channa và đoàn tùy-tùng ra cửa thành phía bắc. Suddhavasa lần này hóa thân làm một vị sa-môn[68] mặc áo cà-sa, tóc râu nhẵn-nhụi, trang-nghiêm trầm-tĩnh, vẻ mặt thanh-thoát, chân bước khoan-thai, tay cầm bát đi khất thực bên vệ đường. Thái-tử ngắm nhìn một hồi, chợt nhớ lại kiếp xưa, liền xuống xe, đến trước vị sa-môn đảnh-lễ rồi hỏi:

- Thưa ngài sa-môn, xuất gia như ngài thì được lợi ích gì?

- Thưa thái-tử, tôi nhận thấy con người tại gia luôn-luôn bị đau-khổ về sinh, già, bệnh, chết, tất cả các pháp ở thế-gian đều vô thường, bại-hoại, không an, nên tôi lìa gia-đình, thân-tộc, đến ở chỗ an-nhàn, thanh-vắng, để cầu thoát ách khổ-não ấy. Tôi tu-tập đạo vô-lậu[69] giải-thoát, điều phục năm giác quan[70], không cho sa-ngã vào năm cảnh dục-lạc[71] của thế-gian, phát tâm từ-bi để ban những pháp vô-úy[72] cho đời, và giữ tâm bình-đẳng hộ-niệm[73] chúng sinh không bị ô-nhiễm bởi các pháp thế-gian, được đạo giải-thoát. Ðó là mục-đích xuất-gia của tôi.

Thái-tử nghe xong trong lòng hoan-hỷ, tự nghĩ rằng: " Trong toàn cõi nhân thiên, có lẽ chỉ có lối tu xuất-gia này là hơn hết ". Thái-tử liền giục tả hữu quày xe trở về thành. Chiều hôm đó thái-tử ngồi trầm-ngâm suy-nghĩ: "Chính thân ta phải chịu sanh, gìà, bệnh, chết, phiền-não và ô-nhiễm. Tại sao mọi người vẫn mải-mê chạy theo những cái mà bản chất đều vô-thường như vậy. Vì phải chịu sanh, già, bệnh, chết, phiền-não và ô-nhiễm, ta đã nhận thức được sự tai-hại của những điều ấy. Hay ta thử đi tìm cái chưa ai thành đạt, cái chân-lý tuyệt-đối, cái hạnh-phúc tối thượng của cảnh niết-bàn "[74]. Rồi thái-tử lại nghĩ: "Ðời sống tại gia thật tù-túng chật-hẹp, là chỗ ẩn-náu của bụi trần ô-trược, phiền-não và ràng-buộc. Chỉ có xuất gia mới có thể có được một đời sống an-tịnh, thong-dong, tự-tại "[75].
-------------------------
[67] Năm món dục lạc là tiền tài, sắc dục, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ.

[68] Sa-môn: Tiếng Phạn là Sramana, tiếng Pali là Samanna, có nghĩa là người siêng làm điều thiện, dứt bỏ nghiệp ác, cạo râu tóc, mặc áo cà-sa, sống bằng cách xin ăn, chỉ ăn trước hoặc trong giờ ngọ, ngủ dưới gốc cây.

[69] Vô lậu (anasava) là thanh-tịnh, không còn phiền não, không còn tái sanh vào 3 đường ác.

[70] Năm giác quan là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

[71] Năm cảnh dục lạc là sắc, thanh, hương, vị, xúc; hoặc tài, sắc, danh, thực, thùy.

[72] Vô úy (vesarajja, abhaya) là tự tin, không còn sợ phải rơi vào cảnh khổ.

[73] Hộ niệm là hướng dẫn, giúp đỡ người khác suy nghĩ để tìm ra chân lý và hạnh phúc.

[74] Majjhima Nikaya (Trung Bộ), kinh số 26 Ariyapariyesana-sutta.

[75] Majjhima Nikaya (Trung Bộ), kinh số 36 Mahasaccaka-sutta.

Theo quangduc.com
__________________
Họ tên: Hoàng Anh Thi
Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh 736022, Việt Nam.
Điện thoại: (84-8) 38111467
Di động: 0918 636 791
Email: hoang.anhthi@gmail.com / vietstamp.net@gmail.com
Website: www.hoangthethien.net
Số tài khoản Vietcombank: 0071001061473
Đề tài sưu tập: Việt Nam trên tem thế giới, cộng sản, văn hóa phương Đông...
Gửi tin nhắn trên VSF:
Đằng Giang tự cổ huyết do hồng

Bài được Poetry sửa đổi lần cuối vào ngày 24-05-2013, lúc 14:59
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
5 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn Poetry vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
BoZoo (24-05-2013), chie (24-05-2013), Dalbit_VAN (24-05-2013), doquynh (31-05-2013), Pink Kole (26-05-2013)
Trả lời

Tags
phận đản, phật giáo, sri lanka, tôn giáo

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
Triển lãm Tem bưu chính "Các loại hình nghệ thuật trong nền Văn hóa Phật giáo" Poetry Triển lãm trong nước 1 17-05-2013 23:36
Về bộ tem "Kỷ niệm 100 năm sinh Phạm Hùng" sẽ được phát hành vào ngày 11-06-2012 Poetry Ấn phẩm Viet Stamp 29 20-06-2012 07:36
Ngày 11-06-2012, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem "Kỷ niệm 100 năm sinh Phạm Hùng (11-06-1912 - 10-03-1988)" Poetry Tem Việt Nam mới phát hành 7 15-06-2012 23:12
Tác phẩm "Sarah Bernhardt" nổi tiếng của Họa sĩ vĩ đại Alfons Maria Mucha trên con tem Áo 2010 hongduc2008 Hội họa - Điêu khắc 0 06-07-2011 17:03
Về bộ tem "Kỷ niệm 400 năm Phú Yên" sẽ được phát hành ngày 31-03-2011 Poetry Ấn phẩm Viet Stamp 48 19-04-2011 00:30



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.