Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Lang thang lượm lặt > Triết lý cuộc sống

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 16-04-2015, 03:32
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Lightbulb Khen và Chê



Giống anh Cần (Mạnh Thương) hồi còn nhỏ trúng giải tem bì và bị Hải Lâm phỏng tay trên vào giờ cuối cuộc đấu giá!

Khi được khen thì quý vị lập tức thích liền đúng không? Hãy dùng lý trí mà phân tích xem tại sao quý vị thích?
Tôi sẽ kể cho quý vị một câu chuyện.

Có một chú tiểu rất thông minh đến gặp một vị Lạt ma và nói rằng: “Trời ơi Ngài nổi tiếng lắm, đi đâu con cũng nghe danh ngài”.

Được khen vị Lạt ma liền hướng vô bên trong và kêu: “Này thị giả, hãy mang kẹo ra cho chú tiểu”.

Chú tiểu nói tiếp: “Ngài làm như vậy, sao mà giống như Phật dạy quá!”.

Vị Lạt ma lại gọi: “ Thị giả, mang thức ăn ngon ra cho chú tiểu”.

Chú tiểu khôn ngoan đó lại nói tiếp: “Chính Ngài là Đức Phật taị thế”.

Vị Lạt ma lại gọi vào trong: “Hãy mang thêm 3 đồng tiền vàng cho chú".

Chú tiểu nghĩ rằng như vậy là đủ rồi và đứng chờ nhận quà.

Chờ mãi mà không thấy ai ra, chú hỏi vị Lạt ma sao thị giả của Ngài chưa đem kẹo, thức ăn và vàng ra.

Vị Lạt ma nói, “Tại sao ta phải cho con kẹo, thức ăn, vàng thật chớ? Con chỉ cho ta những lời nói trống rỗng. Ta cũng cho lại con những lời nói trống rỗng”.

Nếu có ai khen lập tức quý vị cảm thấy vui sướng. Quý vị hay thường bị gạt gẫm bởi những lời nói vô nghĩa. Những lời nói đó đôi khi lừa gạt quý vị. Cũng thế, khi có ai chê bai quý vị sẽ không thích dù đó là lời thành thực để giúp quý vị điều chỉnh mình.

Khi tôi sắp rời thành phố này, có một Phật tử đã làm thơ tặng tôi. Trong bài thơ đó cô ta nói: “Nụ cười của Ngài làm tan hết phiền não của con.”

Tôi thấy thật buồn cười cho chính bản thân. Chính tôi tu hành mười mấy năm mà chưa tan hết phiền não của mình thì làm sao nụ cười của tôi có thể làm tan đi phiền não của người khác!

Cho nên người tu khi được người khen cũng không lấy đó làm vui, và khi bị người chê cũng không lấy đó làm buồn.



Nguồn : từ email bạn bè
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
6 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Dat_stamp (16-04-2015), huuhuetran (20-04-2015), HuyNguyen (17-04-2015), manh thuong (16-04-2015), Poetry (19-04-2015), temhp88 (19-04-2015)
  #2  
Cũ 16-04-2015, 03:38
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Lightbulb




Học người xưa cách đối diện với chuyện thị phi trong cuộc sống

Trong cuộc sống hàng ngày đôi khi ta hay nghe người khác mắng nhiếc chửi bới mình vô căn cứ ! Cho dù bạn không tạo ra lỗi lầm gì đối với họ !

Bạn chửi lại ư ?
- Không nên ! Mà cho dù có chửi lại chắc gì làm cho người ta chịu im lặng?!
-Tốt nhất dùng tâm tự tại và lặng thinh ! Đó là cách đối xử hay nhất !
Hãy đọc câu chuyện của người xưa và 1 câu chuyện Phật giáo. !

Câu chuyện thứ nhất :


Trong một buổi nhàn hạ, vua Đường Thái Tông hỏi chuyện vị quan cận thần là Hứa Kính Tôn rằng :

– Trẫm thấy khanh phẩm cách cũng không phải là phường sơ bạc. Sao lại có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?
Hứa Kính Tôn trả lời:
– Tâu bệ hạ. Mưa mùa Xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Còn hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích.

Cho nên ngu thần trộm nghĩ, đối với tiếng thị phi trong thế gian nên bình tâm suy xét, đừng nên vội tin nghe. Vua tin nghe lời thị phi thì quan thần bị hại. Cha mẹ tin nghe lời thị phi thì con cái bị ruồng bỏ. Vợ chồng tin nghe lời thị phi thì gia đình ly tán. Tiếng thị phi của thế gian nọc độc còn hơn rắn rết, bén hơn gươm đao, giết người không thấy máu.

Câu chuyện thứ hai:


Một lần, Phật đi giáo hóa ở vùng có nhiều người tu theo Bà La Môn giáo. Các tu sĩ Bà La Môn thấy đệ tử của mình đi theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật mà mắng chửi. Phật vẫn đi thong thả, họ đi theo sau không tiếc lời rủa xả. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức giận, chặn Phật lại hỏi:
– Ngài có điếc không?
– Ta không điếc.
– Ngài không điếc sao không nghe tôi chửi?
– Này tín đồ Bà La Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng họ không nhận thì quà đấy về tay ai?
– Quà ấy về tôi chứ ai.
– Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.


Trong kinh Phật viết rằng:''Khi người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận thì người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rời xuống ngay mặt người phun. Có thọ nhận mới dính mắc đau khổ, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Thế nên từ nay về sau nếu có nghe thấy ai đó nói lời không tốt về mình, chớ có thọ nhận thì sẽ được an vui."

Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành nhưng vết thương gây ra bởi lời nói thì chẳng biết ngày nào mới lành lại được.

Vì vậy hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng trách móc người khác chỉ vì lỗi lầm của họ bởi: “Every saint has a past, every sinner has a future”, nghĩa là “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai”.


Nguồn : từ email bạn bè
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
8 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
asahi (19-04-2015), Hữu Chiến (17-04-2015), huuhuetran (20-04-2015), HuyNguyen (17-04-2015), manh thuong (16-04-2015), NHL-2014 (16-04-2015), Poetry (19-04-2015), temhp88 (19-04-2015)
  #3  
Cũ 19-04-2015, 12:49
asahi's Avatar
asahi asahi vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 17-10-2008
Bài Viết : 1,922
Cảm ơn: 5,782
Đã được cảm ơn 7,974 lần trong 1,497 Bài
Mặc định

buổi sáng chủ nhật, vào đọc mấy bài của bác Hàn post lên thấy mình học được nhiều thứ.
Đúng là sáng chủ nhật này không vô vị tí nào.
__________________
Add: 67 B Ông Ích Khiêm, Huế
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn asahi vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
HanParis (19-04-2015), huuhuetran (20-04-2015), NHL-2014 (19-04-2015), Poetry (19-04-2015)
  #4  
Cũ 20-04-2015, 00:37
asahi's Avatar
asahi asahi vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 17-10-2008
Bài Viết : 1,922
Cảm ơn: 5,782
Đã được cảm ơn 7,974 lần trong 1,497 Bài
Mặc định

bác Hàn có bài nào thêm thì post lên đi nhé, kaka
__________________
Add: 67 B Ông Ích Khiêm, Huế
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
3 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn asahi vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
HanParis (20-04-2015), huuhuetran (20-04-2015), NHL-2014 (20-04-2015)
  #5  
Cũ 20-04-2015, 02:40
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Trích dẫn:
Nguyên văn bởi asahi Xem Bài
bác Hàn có bài nào thêm thì post lên đi nhé, kaka
Anh Khánh có vẽ thích mấy lời hay của Đạo Phật nhỉ? Để Hàn tìm xem... Ít ra những lời hay ý đẹp học làm người. Hay là mấy ảnh vui khác Khánh đi họp CLB Tem Huế?
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
2 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
huuhuetran (20-04-2015), NHL-2014 (20-04-2015)
  #6  
Cũ 20-04-2015, 02:57
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Nhắc về KhenChê, Hàn nhớ khi còn học, thày cô cũng hay khen và chê. Khi khen thì các thày cô tặng điểm tốt (bon point) màu đỏ chói. Nếu có 10 điểm tốt thì đổi được hộp bút chì màu Bạch Tuyết & 7 CL (trường tôi khi đó chả ai biết chơi tem), còn khi bị chê hay quở phạt vì cứ 8 trong lớp không nghe lời thày cô giảng bài, quên học bài, kiểm tra bị trứng vịt thì bọn tôi bị thày khẻ tay đau điếng, viết phạt, hay quỳ trong gốc lớp. Bài viết dưới đây của một giáo viên chủ trương không bạo động về Khen và Chê trong cuộc sống.

Nếu được yêu thương, con người sẽ biết yêu thương và trở nên đáng yêu hơn. Nếu chỉ luôn nhìn vào mặt xấu của một ai đó, điều đó sẽ làm họ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích họ vươn tới những điều tốt đẹp, chắc chắn họ sẽ làm được và sẽ làm tốt hơn.

Trong mối quan hệ con người với nhau khi mà một ai đó mắc phải sai lầm điều đầu tiên nên làm là khen ngợi trước khi góp ý cũng giống như nha sĩ bắt đầu công việc nhổ răng bằng thuốc tê, bởi khát vọng sâu xa của mỗi con người là được khen ngợi, được tôn trọng và được quan tâm. Không gì ít tốn kém bằng lời khen, lời cám ơn và lời xin lỗi. Việc gián tiếp góp ý xây dựng những thiếu sót của mình đối với họ sẽ làm cho họ rất cảm kích, trong khi họ có thể cảm thấy rất khó chịu trước bất kỳ lời phê phán trực tiếp nào.

Con người vốn có bản chất kiêu hãnh tự nhiên. Việc ta nói thẳng ra rằng: “Người nào đó sai lầm” chính là một sai lầm lớn nhất đối với ta trong các mối quan hệ. Nếu người phê phán khiêm tốn thừa nhận rằng chính họ cũng đã từng phạm lỗi như thế thì có khó khăn gì khi mà ta không nghe về những lỗi lầm của ta. Việc nhìn nhận sai lầm của chính mình có thể giúp ta thuyết phục người khác thay đổi hành vi của họ. Cố gắng đừng làm người khác bị tổn thương, dù là chỉ một câu nói đùa. Giữ thể diện cho người khác là một điều hết sức quan trọng. Chỉ cần suy nghĩ vài phút, với vài lời nói ân cần, thông cảm là chúng ta đã tránh được việc làm tổn thương người khác và cũng là tránh làm thương tổn chính nhân cách của mình. Làm thương tổn phẩm giá của một con người là một điều không nên.

Lời khen như tia nắng mặt trời, nó cần thiết cho muôn loài phát triển, trong đó có con người. Vậy mà hầu hết chúng ta luôn sẵn sàng sử dụng những ngôn từ cộc cằn, hằn học khó nghe, để phê phán người khác. Nhưng lại rất ngần ngại khi tặng họ những lời nói chân tình, tình cảm ấm áp, thông qua lời động viên khen tặng. Mọi người đều muốn được khen, nhưng lời khen phải cụ thể rõ ràng, thể hiện sự chân thành chứ không phải là lời sáo rỗng nghe cho êm tai. Chúng ta đều khao khát được tán thưởng, được thừa nhận, đều sẵn sàng làm bất cứ điều gì để được như thế. Nhưng không ai muốn sự giả dối và nịnh hót. Mọi tiềm năng đều nở hoa trong lời khen và héo tàn trong chỉ trích. Chỉ cần một nụ cười ấm áp và một cái vỗ vai thân thiện của ta đã có thể cứu một con người đang bên bờ vực thẳm. Khen ngợi để người khác luôn phấn đấu xứng đáng với lời khen đó. Trong đời thường, cho người khác một thanh danh là quan trọng. Nhưng phê bình một người mà vẫn giữ được danh dự cho người ấy còn quan trọng hơn gấp nhiều lần. Nếu muốn khuyến khích một điều gì ở ai đó, ta hãy làm như điều ấy chính là đặc điểm vượt trội của người đó. Họ nhất định sẽ nỗ lực phi thường để trở nên như thế. Trong cách đối nhân xử thế, nếu ta đối xử với một người như thế nào thì anh ta sẽ trở thành người như thế ấy. Nếu ta nói với ai đó rằng: Họ ngốc nghếch, vụng về hay bất tài… nghĩa là ta đã hủy diệt hầu hết mọi động cơ để họ tiến bộ.

Nhưng nếu ngược lại, ta khuyến khích, làm cho sự việc có vẻ dễ dàng hơn, thể hiện sự tin tưởng rằng họ có năng khiếu nhưng chưa được phát triển thì họ nhất định sẽ cố gắng phát triển năng khiếu mà ta đã phát hiện ra hay thậm chí là ta đã gán cho họ. Ta không thể dạy bảo ai bất cứ điều gì, mà ta chỉ có thể giúp họ phát hiện ra những gì còn tiềm ẩn bên trong con người họ. Con người dễ có xu hướng thay đổi thái độ nếu chúng ta làm cho họ vui thích thực hiện điều mình được gợi ý. Gợi ý một điều gì đó thật khéo léo để họ thực hiện là cả một nghệ thuật. Nếu chúng ta kiên trì rèn luyện và có sự quan tâm chân thành đến họ, chúng ta sẽ làm được.

Khen chê là hai mặt của cuộc sống. Nếu không chê, không phê bình góp ý thì những mặt yêu, mặt tiêu cực khó có thể sửa chữa và phát huy. Nhưng nêu khen mà khen không đúng như vậy đồng nghĩa với sự ta đang chưởi khéo họ. Vậy điều quan trọng và cốt lõi ở đây là việc khen chê phải rạch ròi, minh bạch “Đúng người, đúng tội”, nhưng khen và chê như thế nào để người khác tiếp thu được để sữa chưa mà họ vẫn cảm nhận được sự ấm áp tình người từ phía người góp ý đó mới là điều chúng ta nên làm.



__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
2 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
huuhuetran (20-04-2015), NHL-2014 (20-04-2015)
  #7  
Cũ 20-04-2015, 03:05
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Tin Thần Khen Chê Trong Đạo Phật

Buổi sinh hoạt hôm nay, chúng tôi sẽ nói về tinh thần khen chê trong đạo Phật. Trong đời sống thường nhật ít ai vượt qua được sự khen chê hoặc không bị khen chê làm bận lòng. Cho nên người tu Phật nhất định không để mất thì giờ vì việc tầm thường này.
Thường khi được khen người ta vui, khi bị chê người ta buồn. Chính cái vui buồn ấy làm trở ngại việc tu của chúng ta. Người thật tu phải tỉnh, phải khắc tiến, phải vươn lên, vượt qua tất cả những việc tầm thường ấy để thực hiện cho được chí nguyện cao thượng của mình. Dù Phật tử tại gia hay hàng xuất gia, chúng ta đều là con Phật, tu Phật, có duyên với Phật nên cùng học Phật, theo đúng chánh pháp của Như Lai mà tu hành.
Xưa nay đâu có người nào bị chê hoàn toàn hay được khen trọn vẹn. Cho nên khen chê chẳng qua chỉ là những đánh giá bên ngoài, không có giá trị cố định, nó tùy thuộc vào cái nhìn cái nghĩ của mỗi người. Hiểu như thế chúng ta sẽ bình thản vượt qua tất cả khen chê. Người làm chủ được mình không bị khen chê suy suyễn, làm chùng bước tu tập. Công phu này đòi hỏi ở chúng ta một sức tỉnh mạnh mẽ. Nếu không thế chúng ta rất dễ bị ngã gục bởi những lời nói, hành động khen chê bên ngoài.
Trong sinh hoạt hằng ngày, ít khi nào chúng ta được bình yên với những sự kiện chung quanh. Trong đó, những điều bất như ý lại nhiều nhất. Như một trăm điều mong ước chưa chắc được đôi ba điều. Mong ước thì quá nhiều, nhưng đạt được như nguyện thì chẳng bao nhiêu. Ví dụ chúng ta cầu nguyện lúc nào mình cũng được khỏe mạnh, nhưng cứ đau yếu hoài. Trời nắng gắt là nhức đầu, vài hột mưa rớt xuống là sổ mũi, thật không bao giờ toại nguyện trăm phần trăm.
Nếu tỉnh giác, lúc nào cũng biết cuộc sống vốn là bất như ý, thì ngay hiện đời ta giảm thiểu được nhiều sự mong muốn. Mong muốn không có thì khổ cũng không còn, rõ ràng như vậy. Chúng ta sáng suốt kiểm soát những hành động, ngôn ngữ, ý nghĩ của mình, đừng để nó phóng ra ngoài, chạy theo ham thích này, mong muốn nọ, nhất định chúng ta sẽ có đời sống ổn định. Không ai có thể mang phước báu đến cho mình khi ta vẫn si mê lầm lạc, tạo tác các nghiệp không tốt. Ngay cả mong cầu khấn nguyện với trời Phật cũng phí công vô ích. Ta không tỉnh, để cho ba nghiệp thân miệng ý lẫy lừng thì chuốc quả khổ là điều đương nhiên, Phật cũng không thể cứu được.
Người tu không bao giờ để những ý nghĩ xấu, những ngôn ngữ không đúng, những hành động sai trái xảy ra. Vì sao? Trước nhất những ý nghĩ, những hành động đó phát tiết ra ngoài làm mất đi tư cách của người tu Phật. Càng tu càng hiểu đạo, càng gìn giữ tư cách, càng hành trì lời Phật dạy. Chúng ta càng được an lạc trong chánh pháp chừng nào thì càng thận trọng giám sát lời nói hành động của mình. Nhờ thế mà tâm được yên. Dù tu pháp môn nào, trong công phu cũng phải giữ điều này, nhất định sẽ bớt phiền não, tu tiến và có lợi lạc thiết thực. Ngược lại, chúng ta không tỉnh, không làm chủ được ba nghiệp của mình, cứ hành động bừa bãi, nói năng tùy tiện, suy nghĩ lung tung, nhất định sẽ chuốc hậu quả xấu thôi. Người Phật tử phải ý thức tự gầy dựng sự an lạc cho chính mình, chứ không mong cầu ở ai khác.
Có khi một lời nói hoặc hành động sơ suất, thiếu tỉnh giác, chúng ta phạm phải sai lầm có thể tha thứ, thậm chí làm mất đi tình bằng hữu thâm giao. Do đó người tu Phật phải kiểm soát từng ý nghĩ lời nói hành động thật vi tế. Phàm làm người, không ai hoàn bị, được cái này thì thiếu cái kia, do đó chúng ta phải có cái nhìn cảm thông tha thứ. Nhìn như thế gọi là chánh kiến, thấy đúng như thật. Mình không bắt buộc người ta phải như vầy như kia, mà mình có sự hiểu biết, cảm thông, tha thứ. Từ đó ta sống bình yên vui vẻ.
Những kẻ xấu xa thì được hạng người xấu xa khen ngợi, tán đồng. Do vậy có những việc không nên xảy ra trong xã hội mà vẫn cứ xảy ra đầy tràn như cướp bốc, xì ke ma túyv.v… Khi thủ lãnh cướp được của, đem về chia cho đàn em thì họ cũng được sự tán tụng hoan hô rầm rộ chứ. Rồi nhóm người khác không đồng ý những việc làm của nhóm này nên cực lực chống đối đã kích… nên mới có tổ chức luật pháp trừng trị, giáo dục vạch bày những lỗi lầm nguy hại của nhóm trước. Đó là sự kiện cho chúng ta thấy xấu tốt không có lẽ thật.
Ví dụ chúng ta là người tu hành, làm những việc tốt. Đối với huynh đệ trong tông môn thì đó là tốt, nhưng chưa chắc người đời đã đồng ý. Như trường hợp chú thanh niên, con của một gia đình khá giả nọ, không biết lý do gì chú chạy lên thưa với tôi:
- Thưa thầy, bây giờ con muốn tu, xin thầy cho con xuất gia.
Tôi hỏi:
- Năm nay con bao nhiêu tuổi?
- Dạ mười sáu tuổi.
- Học tới đâu rồi?
- Dạ tới lớp mười một.
Tôi bảo:
- Không được, con phải về học hết lớp mười hai. Muốn tu ít ra bố mẹ hoặc anh chị con phải đến đây, đồng ý thì thầy mới dám nhận.
- Thưa thầy con muốn tu, con nhất định ở đây thôi, về nhà con không sống nổi.
- Sao vậy?
- Con chán lắm.
- Chán gì?
- Thưa thầy, thầy đừng hỏi chuyện đó, con chán lắm. Chỉ xin thầy cho con ở đây, cho về là con chết tức thì.
Nghe thế, tôi cũng cho ở tạm. Ít ngày sau cha mẹ chú tới khóc lóc:
- Thầy ơi, con không thể nào xa con của con được.
Tôi nói:
- Con của quí vị, quí vị cứ đem về chứ tôi đâu có giữ. Tại nó tới lạy tôi xin tu, tôi sợ nó đi bậy nên cho ở tạm vậy thôi.
Chú về nhà đâu vài hôm lại vọt lên, xin tu nữa. Tôi bảo:
- Cha mẹ con không đồng ý, thầy không dám nhận.
Chú thưa:
- Thưa thầy, việc đi tu có phải là việc tốt không? Đi tu có phải là phúc thiện không? Quí thầy lập đạo tràng hướng dẫn mọi người đi con đường sáng, thành Phật thành tổ, tại sao thầy không cho con đi tu?
Tôi giải thích:
- Không phải thầy không cho, nhưng cần phải có sự đồng ý của cha mẹ con. Trong lúc tuổi con chưa trưởng hành, sự quyết định còn ở nơi cha mẹ. Con muốn ở đây tu không khó khăn gì, nhưng cha mẹ con nói không thể xa con được, nhất là không thể cho con đi tu nên thầy không thể làm khác hơn.
Vài hôm sau, cha mẹ chú lại tìm lên thưa với tôi:
- Thú thật với thầy chúng con là Phật tử sao lại không muốn cho con nó tu. Nhưng đường tu lâu dài, nhiều thử thách mà con của con chay lạt không nổi. Thầy cho nó tu, vài hôm nó cũng sẽ chán và đòi đi nơi khác nữa. Chúng con là cha mẹ nên biết ý con, thật tình vì nó chưa thể tu được, chứ không phải chúng con khó khăn gì.

Tôi kể câu chuyện này để thấy một đường hướng tốt còn phải tùy đối tượng, tùy hoàn cảnh, không phải ta cho tốt là nó tốt với tất cả mọi người trong mọi thời mọi lúc. Ví dụ trong đạo tràng này tổ chức tu hành, mà có người không chịu nổi, không kham gìn giữ bảo vệ qui chế ở đây, người đó làm sao tu hành được.
Với tinh thần người con Phật, chúng ta không mong cầu được khen hoàn toàn và cũng không sợ bị chê hoàn toàn. Bởi vì giữa cuộc đời này sự khen chê chỉ có giá trị tạm thời, không chân thật. Khen đó rồi chê đó, hôm nay đồng ý thì khen, ngày mai có điều bất như ý thì chê, đó là chuyện thường. Người tu chúng ta là người vượt lên trên những khen chê, không bận lòng ở việc tầm thường như thế. Có gan dạ, có vượt qua, có chấp nhận, có sống thực được như vậy chúng ta mới vững vàng tu tiến.
Những sự khen chê đối với cá nhân, đối với pháp môn, đối với tôn giáo của mình, nhiều thứ lắm. Như ai đó chê vị thầy mà mình hoàn toàn cung kính, mình nương tựa để tu hành, chúng ta nghĩ sao? Có bỏ qua được không, hay mình cảm thấy bị xúc phạm, cần phải lên tiếng này nọ. Nghĩ như vậy là đã mắc mứu rồi, đã thua cuộc rồi đấy. Chúng ta có nhiều lý lẽ để chạy theo thị phi ở đời. Đôi khi ta cho rằng ai khen chê mình cũng được, nhưng đừng đụng đến thầy tổ mình, đừng đụng đến cha mẹ mình. Tưởng nghĩ thế là không nhớ đến mình, nhưng thật ra nếu không có “cái ta” thì thầy tổ cha mẹ đâu còn của mình nữa. Cho nên không khéo, chúng ta chỉ tự lừa dối và đưa mình vào cái bẫy khen chê như thế nhân vậy thôi.
Có câu chuyện thế này. Một Thiền sư muốn kiểm nghiệm lại trong môn đệ xem người nào thật sự thâm hiểu Ngài, có thể tu hành đến nơi đến chốn. Sáng sớm Ngài gọi thầy tri sự đến bảo: “Sắm cho tôi một mâm rượu thịt, bữa nay đám giỗ ông già tôi”. Thầy tri sự y lời sắm rượu thịt đem về. Hòa thượng dọn lên cúng kiến xong, Ngài bảo thị giả xuống mời mấy thầy lớn lên hết, chung mâm với Ngài một bữa. Ông thị giả hoảng vía, thầy mình chắc không ổn rồi, nhưng vì Hòa thượng rất nghiêm nên không dám cãi. Sau khi các vị đệ tử lớn đã có mặt đầy đủ, Hòa thượng nói: “Bữa nay tôi sắm được một mâm rượu thịt cúng ông già tôi, mời quí thầy cùng ăn một bữa cho vui”. Chư đại đệ tử đều chưng hửng, nhiều người tự động rút lui. Về liêu các thầy tự nghĩ: Thầy mình bất ổn rồi, bây giờ ở đây không xong, thôi mỗi người mỗi gói mà đi. Thế là hàng môn đệ kéo nhau đi gần hết. Sau sự vụ đó, Hòa thượng nói: “Ta chỉ cần một mâm rượu thịt mà tống cổ được một số người không ra gì”.
Quả là chỉ có những bậc siêu xuất mới dám làm việc ấy. Qua đó để thấy chúng ta không thể đặt khen chê ở hình thức bên ngoài. Nếu thấy biết của mình chưa tới nơi, chưa chính xác mà đặt vấn đề khen chê là hỏng tất cả. Cho nên đối với khen chê ta cứ giữ tâm bình thường. Nếu chê đúng ta sửa, khắc phục để tu tiến, nếu chê chưa đúng thì ta cám ơn, rồi cho qua vì điều ấy không cần thiết. Khen cũng như thế. Nói tới đây tôi nhớ một bài kinh trong A Hàm kể lại. Có hai thầy trò ngoại đạo nọ đi theo Phật, người đệ tử thì khen từ tướng đi dáng đứng của đức Phật, còn ông thầy thì chê từ đầu tới chân, quái lạ như vậy. Thấy các thầy Tỳ-kheo ngạc nhiên, Phật nói: Khen cũng chưa tới, mà chê cũng chưa tới. Như Lai đối với những lời khen chê ấy không động, không dính dáng gì cả.
Chúng ta nếu hiểu biết và sống được tinh thần như vậy thì việc học đạo tu đạo chắc chắn sẽ thành tựu không khó. Nên biết việc khen chê giữa cuộc đời này không đáng để ta bận lòng mà hãy sống hợp với đạo, thì tự nhiên tâm không vướng mắc việc khen chê. Nhớ được công phu tu hành nghĩa là chúng ta làm chủ, an nhiên giải thoát ngay giữa cuộc đời này.
Giải thoát của nhà thiền nói không có nghĩa là bay lên hư không, mà giải thoát là bình thản an nhiên không vướng mắc không lệ thuộc bất cứ sự kiện gì. Chúng ta làm chủ mình từ cái ăn cái mặc… mọi thứ, làm chủ để được giải thoát. Giải thoát về ăn, giải thoát về ngủ, giải thoát về mặc, giải thoát về tiền tài, giải thoát về danh vị… Hành công phu liên tục để phát huy, làm chủ tinh thần giải thoát của mình. Muốn được như vậy, bản thân chúng ta phải dám nhìn, dám thấy, dám làm chủ, không sợ sệt rụt rè bất cứ chướng duyên hoặc trở ngại nào. Không có việc gì để sợ, không có gì để rụt rè, không có việc gì khiến ta phải bỏ cuộc rút lui. Đó là tinh thần của người có công phu tu Phật, đặc biệt là tu thiền.
Tại sao chúng ta phải làm chủ mình? Vì có những sự việc nếu thiếu đức tự chủ, chúng ta sẽ mất mình, sẽ chao đảo. Mất mình chao đảo thì bị phiền não lôi đi, tu không được. Có rất nhiều người ham tu mà không tiến được, vì thiếu đức tự chủ. Thành ra tôi nhấn mạnh việc làm chủ lấy mình để trí tuệ tỉnh sáng, sống hợp với đạo lý thì công phu tu hành mới tăng tiến được. Người tu thì phải đầy đủ ý chí, phát huy cho được trí tuệ tỉnh táo sáng suốt mới là thật lòng tu hành.
Trong Chứng Đạo Ca ngài Huyền Giác cũng nói: Mặc tình cho người hủy báng, biếm nhẻ. Khen lời Phật dạy cũng không tới nơi tới chốn, mà chê lời Phật dạy cũng không dính dáng gì. Tất cả những việc làm đó chẳng khác đem lửa đốt trời, hoặc phun nước miếng lên hư không, kết quả kẻ ấy tự chuốc mà thôi. Đó là những việc làm của người không có trí tuệ. Chúng ta tu hành không làm những việc như thế.
Ở đây, công phu hằng ngày của chúng ta, dù việc lớn nhỏ gì cũng phải tập trung trong chánh niệm, không bận lòng đến việc khen chê, được mất, thành bại… Được vậy, dù không muốn chúng ta cũng vẫn tự tại giữa cuộc đời như thường. Như tôi đã nói cuộc đời này những chuyện bất như ý nhiều hơn như ý, chúng ta tu đúng chánh pháp thì ngay nơi những sự việc ấy mà tỉnh thức, để nhận ra niềm an vui có sẵn nơi mình, không lệ thuộc bên ngoài. Trong kinh, Phật Tổ nói rất nhiều về điều này để chúng ta nhận được chỗ bình ổn đó, sống an vui giữa mọi trở lực trước mắt. Hiểu và hành như vậy thì công phu tu hành mau tiến. Công phu tiến được, ta có lợi lạc thiết thực, đó chính là phần thưởng lớn nhất cho mình rồi, đâu phải đợi chờ trông ngóng ai ban cho.
Điểm thứ hai tôi muốn nói về cảm nhận của chúng ta trước sự đổi thay vô thường. Ở trên là khen chê không bận lòng, thì đến vấn đề cảm nhận cũng cần phải biết. Từ sự cảm nhận, chúng ta có thể tu tiến được, nhưng cũng có thể lui sụt. Cổ đức xưa có lời răn nhắc thế này:
Ngày nay đã qua,
Mạng sống giảm dần,
Như cá cạn nước,
Nào có vui gì.
Đại chúng hãy siêng năng tu hành
Như cứu lửa cháy đầu,
Cẩn thận chớ có buông lung.
Đó là lời dạy mà hầu hết người con Phật chúng ta nghe qua, cảm nhận đến cuộc đời và đến công phu tu hành hằng ngày của mình. Sự đổi thay nhanh chóng giữa cuộc đời, ngày nay còn ngày mai mất, danh từ nhà Phật gọi là vô thường. Hình ảnh mạng người như cá cạn nước và gấp tu như cứu lửa cháy đầu nói lên tính trung thực và khẩn cấp đối với mạng sống và sự nỗ lực tu tập của chúng ta. Chư Tổ quả thật đã có những phương tiện rất khéo để đánh thức sự mê lầm sâu nặng như chúng ta.

Với người tu chúng ta, những sự kiện đó nếu có một cái nhìn cảm nhận được lý vô thường thì chúng ta tu rất tiến. Bởi vì mình không còn đắm luyến thân này nữa, mà lo gầy dựng một sự nghiệp khác, đó là sự nghiệp giác ngộ giải thoát cho chính mình. Thân dù đẹp, dù giàu sang, nhà cửa rộng lớn, quyến thuộc đông vầy… tất cả rồi cũng bỏ lại, không có gì đem theo được ngoài nghiệp mình đã gây tạo trong sinh hoạt hằng ngày. Biết rõ như thế, tự nhiên chúng ta không còn muốn bám víu cái gì nữa, chỉ nỗ lực tu tập để làm chủ được mình trước giờ ra đi.
Một hôm nói về mạng sống dài ngắn, Phật hỏi một vị Tỳ-kheo:
- Mạng sống của con người trong bao lâu?
- Bạch Thế Tôn, mạng sống con người trong vài mươi năm.
Phật nói:
- Ông chưa thấy đạo.
Phật gọi một thầy Tỳ-kheo khác, thầy đó đáp:
- Bạch Thế Tôn, mạng sống con người trong khoảng vài năm.
Phật bảo:
- Ông cũng chưa thấy đạo.
Rồi các Thầy lần lượt đứng lên thưa mạng sống con người trong khoảng vài tháng, vài ngày, vài bữa cho đến một bữa. Tất cả đều bị Phật quở: “Cũng chưa thấy đạo”. Cuối cùng có một vị đứng lên thưa:
- Bạch Thế Tôn, mạng sống con người chỉ trong hơi thở.
Phật gật đầu:
- Ông mới là người thấy đạo.
Chúng ta ai dám thấy mạng sống của mình trong hơi thở. Nếu thấy được như thế thì đâu có cất nhà lầu mua xe hơi làm chi. Sự sống đổi thay nhanh chóng một cách thần tốc khốc liệt đến nổi trở thành bản án đối với con người thì có gì để ta ham thích đuổi theo nữa. Cho nên thấy được thực chất của vô thường là thấy được thực chất lẽ sống chết của con người. Từ đó chúng ta có tinh thần chuẩn bị, để khi ra đi không cảm thấy hoảng sợ, lo âu trước một sự việc tất yếu như vậy.

Ngay bây giờ ai làm chủ được, bình thản đối với sự được mất hơn thua, không vướng mắc bất cứ thứ gì giữa cuộc đời này, người đó có thể gọi là Thiền sư, là Bồ-tát, là Phật. Cái nhìn của người tu hành là cái nhìn như thật, thấy ngay bản chất của sự vật. Nó thành như thế nào, trụ như thế nào, hoại như thế nào, không như thế nào. Cho nên không còn chạy theo các pháp bại hoại nữa. Tất cả đều được thành tựu trong sự kết hợp của nhân duyên, riêng nó không có chủ. Duyên hợp tạm có, duyên hết hoàn không. Nhận định thấy rõ như vậy với tâm tỉnh sáng thì công phu tu hành chúng ta vững.
Có nhiều huynh đệ nói tu thì tu chứ sao không thấy vững. Tại sao? Vì thấy đẹp còn thích, thấy ngon còn ưa, thấy hay còn khen, thấy dở còn chê… thì làm sao tu vững được. Phải công phu như thế nào để trị được cái thích, cái ưa, cái khen, cái chê, không vướng mắc, không chạy theo nó thì mới mong nói đến chuyện tu hành. Người con Phật đối với tất cả sự kiện trước mắt, chung quanh luôn thấy rõ nó đổi thay từng phút từng giây. Ngay thân của mình cũng vậy, không lúc nào đứng yên một chỗ. Thấy thế để thức tỉnh, không ỷ lại ta còn trẻ, tuổi đang mạnh khỏe, gấp gì việc tu hành. Một sáng nào, anh hay chị thấy được như vậy sẽ toát mồ hôi hạn. Vì rằng tất cả sự đổi thay nhanh chóng ấy luôn đem đến cho ta những bất ngờ không trở tay kịp. Nếu không có sự chuẩn bị thường xuyên, chắc chắn ta sẽ không đủ lực để tự chủ, và bị nghiệp dẫn là chuyện đương nhiên thôi.
Nói tóm lại, người con Phật thứ nhất không nên buông lung. Buông lung là mặc tình phóng ý, chạy theo, thả trôi đối với tất cả những sự việc bên ngoài. Thứ hai phải tỉnh để thấy thật chính chắn bản chất không thật của tất cả các pháp. Có được hai điều kiện này thì công phu chúng ta vững, trên đường tu không còn bị lầm nữa. Vì thế có thể nói rằng không có thứ gì kéo lôi chúng ta được. Đã thế chúng ta dễ nỗ lực, dễ tha thứ, dễ tạo được sự đoàn kết, an vui để tu tập. Vì ta không có tâm cố chấp, khó khăn hoặc tâm muốn ôm giữ cho mình. Ta không đủ thời giờ để tu hành có đâu chạy theo những chuyện không thật ấy.
Chư Tổ nói chớ để một đời trôi suông, cần phải cố gắng. Cố gắng như thế nào? Ví dụ trong số các Phật tử đây, tháng này đi học đạo nghe Hòa thượng giảng dạy như vậy, nếu thấy bản thân hoặc trong huynh đệ có gì yếu kém, mình tự nhắc hoặc cùng động viên nhau khắc phục những điểm yếu ấy, để tháng sau ta không còn cảm thấy hổ thẹn vì những khuyết tật của mình nữa. Hướng đến một con đường tu tập như thế thì rất tốt.
Điều quan trọng là chúng ta làm chủ được, chứ không phải chối bỏ hiện cảnh. Nghe nói cố gắng, buông bỏ tất cả Phật tử đòi bán nhà lầu, cất nhà lá cũng không được. Hiểu như vậy không được, nằm trong rừng mà bị đắm trước, bị mắc mứu ở những chuyện xung quanh cuộc sống, cũng không phải là người giải thoát. Có người ở trong nhung lụa, nhà lầu xe hơi mà tinh thần không vướng mắc các thứ đó cũng có thể gọi là giải thoát. Đó là pháp học chúng ta phải học, đó là pháp tu chúng ta phải tu. Có tu có học như thế mới thấy được giá trị thiết thực của lời Phật dạy.
Phật tử có duyên nên mới gặp Phật pháp để tu hành thì đừng bỏ lỡ cơ hội. Có người nói con nghèo quá tu không được, có người nói con bận rộn quá tu không được v.v… Về điểm này chúng ta phải hiểu tại mình chưa thực sự muốn tu thôi, chứ nghèo tu cũng được, mà giàu ráng tu cũng được. Nghèo giàu đâu có dính gì tới chân tánh của chúng ta. Sống trong hoàn cảnh nào cũng vậy, hễ mê là mất mạng, tỉnh là qua sông lên bờ thảnh thơi. Việc mê tỉnh chủ yếu nơi định lực, nơi trí tuệ, nơi ý chí tu hành bên trong của mình, có liên hệ gì tới hoàn cảnh chung quanh. Cho nên mượn lý do này lý do nọ để không tu được là một sai lầm lớn.
Chúng ta có Phật pháp giữa đời thường bận rộn là có được kim chỉ nam để thành công rồi đó. Bởi không thần linh nào có thể đưa chúng ta qua được dòng sông sanh tử, chỉ chính chúng ta tự lội qua thôi. Phật dạy phải tu trong mọi lúc mọi thời, chứ không phải chỉ có tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật mới gọi là tu. Làm sao chuyển hóa được phiền não, khen chê thành an vui hạnh phúc là ta tu được, là giải thoát ngay trong suộc sống hiện tại của mình. Là Phật tử mà không hiểu về điều này thì thật là hiểu quá ít về Phật pháp.
Thật ra Phật pháp thì ta có hiểu mà hành thì chưa tới nơi tới chốn. Bây giờ hãy xem những gì ta đã học hiểu như là một chiếc phao cuối cùng. Nếu chưa qua sông được mà vội buông phao thì chết chìm thôi. Quí vị hiểu nhiều hiểu ít, hiểu về Phật pháp như thế nào đó tùy, quan trọng là hiểu đúng và hành đúng là quý nhất. Lời Phật dạy giống như chiếc phao là phương tiện giúp ta qua sông. Qua được rồi mới được bỏ phương tiện, lên bờ thảnh thơi tự tại. Chừng ấy ngay cả pháp Phật cũng không cần thiết, nói gì đến các thứ khác.
Học pháp mà không hành, Phật nói giống như kẻ đếm của báu cho người, mình không được một đồng xu. Cho nên đối với pháp Phật, tu pháp nào cũng được miễn có tu và tu đúng mới đạt được lợi ích thiết thực. Chúng ta không cố chấp, không bài bác nhau, chỉ chuyên tâm thực hành pháp nào ra pháp ấy cho tới nơi tới chốn, nhất định ta sẽ thành công. Chớ chỉ hiểu và nói suông thôi thì không khác kẻ đếm của báu cho người, mình chẳng có chút lợi lạc gì.
Một điểm nữa là trong đời sống tu hành, chúng ta phải ngay thẳng chân thật. Có những việc nhỏ nhưng nếu không cẩn thận sẽ tạo thành nghiệp. Đã có nhân thì có quả. Trong một ngày, chúng ta kiểm lại xem mình gây bao nhiêu nhân. Không tỉnh thì không sao kiểm nổi. Cho nên thành thật thẳng thắng đối với bản thân, để không tạo những nghiệp nhân xấu, cản trở bước tu tập của mình. Bắt đầu công việc trong một ngày, ta phải luôn xét nét từ ý nghĩ cho tới lời nói, hành động của mình, cái nào không tốt, cái nào vì bản ngã của mình mà làm thì loại nó đi. Thường xuyên tu tập như vậy là người hiểu được Phật pháp và biết tu Phật.

Chúng ta phải nghiêm chỉnh với bản thân mới có thể làm chủ ba nghiệp của mình. Đây là pháp tu hết sức bình thường mà có kết quả cụ thể, ai cũng tu được. Chúng ta tỉnh táo tu hành, thấy rõ thành quả của mình như thế, nhất định có đầy đủ niềm tin nơi mình và niềm tin với mọi người. Từ đó ta không còn hoảng sợ trước mọi thứ, kể cả sống chết. Càng tu càng thấy đúng hiểu đúng, chúng ta càng nỗ lực, càng có niềm vui chân thật.
Lời chư vị thiện hữu tri thức đã nhắc, địa ngục là nơi khổ sở của chúng sanh bị tội, nhưng nếu chúng ta không là người tiên phong phát nguyện vào địa ngục để nhắc nhở, để cảnh giác cho anh em huynh đệ bị khổ trong đó thì ai làm việc này? Người tu Phật là người tiên phong vào những chỗ thống khổ với lời nguyện thế này: Nguyện thay tất cả chúng sanh chịu những khổ sở đó, chỉ mong sao mọi người thức tỉnh đừng gây nhân xấu, hãy hướng về con đường thiện lành tu tập để nhận ra ông Phật của chính mình. Đó là lời nguyện của những người hành Bồ-tát đạo. Muốn thế những vị ấy phải có đầy đủ trí tuệ và từ bi, phải xong việc của mình trước khi độ người. Chúng ta là con Phật thì phải ý thức điều này, tự giác giác tha, giác hạnh viên mãn là công hạnh, là sở nguyện của tất cả các đức Như Lai, trong đó không loại trừ chúng ta.
Buổi nói chuyện hôm nay chúng tôi muốn nhắc người con Phật, tu theo Phật chớ để lòng mình bị vướng bận bởi những việc khen chê. Chúng ta tỉnh sáng làm đúng theo pháp học, được như vậy thành quả, giá trị công phu tu hành của chúng ta nhất định sẽ thành tựu. Ta được như thế rồi thì động viên các bạn đồng tu cùng hướng về con đường ấy, mới gọi là thực hiện trọn vẹn chân tinh thần Phật dạy.



Nguồn : http://thuongchieu.net/index.php/pha...95-khen-va-che

__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
2 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
huuhuetran (20-04-2015), NHL-2014 (20-04-2015)
Trả lời

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
CLB Viet Stamp thực hiện công tác khen thưởng 2015 Poetry Cơ sở Pháp lý của CLB VIET STAMP 0 16-11-2015 23:41
CLB Viet Stamp thực hiện công tác khen thưởng 2014 Poetry Cơ sở Pháp lý của CLB VIET STAMP 3 13-01-2015 18:34
CLB Viet Stamp thực hiện công tác khen thưởng 2013 Poetry Cơ sở Pháp lý của CLB VIET STAMP 6 13-01-2015 18:30
Trao khen thưởng VSC tại Hải Phòng Russ Hoạt động offline 0 12-06-2013 11:32



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.