#1
|
||||
|
||||
Những điều chưa biết về nữ họa sỹ đầu tiên vẽ tem Chiến thắng Điện Biên Phủ
“Ngày nay, khi những lá thư tay không còn là lựa chọn phổ biến trong việc liên lạc, có người cho rằng con tem đã phần nào mất đi vị trí của nó. Nhưng đối với những người yêu thích tem, mỗi con tem nhỏ bé đều là một tác phẩm nghệ thuật, nơi người ta có thể tìm thấy mọi điều trong cuộc sống...”.
Họa sỹ Vũ Kim Liên tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp năm 1989 sau 10 năm ngồi trên ghế nhà trường với 4 năm trung cấp đồ họa, 6 năm đại học mỹ thuật trang trí nội thất. Ngay từ khi ra trường, như một duyên phận, nghề thiết kế tem đã đến với chị. Thời gian đó, Công ty Tem Việt Nam bắt đầu tuyển họa sỹ thiết kế. Chị đã dự thi, trúng tuyển và gắn bó với những con tem từ thời ấy đến bây giờ và có rất nhiều bộ tem bưu chính được mọi người mến mộ. Họa sỹ Vũ Kim Liên luôn nghĩ rằng chính nghề thiết kế tem đã chọn chị chứ không phải chị chọn nghề. Có một câu chuyện thú vị rằng khi còn ngồi trên ghế của giảng đường đại học, chị đã yêu thích những con tem và sưu tập tem. Biết được sở thích của chị, có một người bạn đã gửi những tấm bưu thiếp cùng với những con tem về cho chị với lời nhắn nhủ: “Mong rằng khi ra trường em sẽ là một họa sỹ thiết kế tem thành công”. Thật không ngờ duyên phận trở thành một họa sỹ thiết kế tem đã thực sự đến với chị. Từ nhỏ họa sỹ Vũ Kim Liên đã có đam mê về nghệ thuật, đặc biệt là hội họa. Nhưng gia đình của chị không mong muốn con gái đi theo ngành nghệ thuật vì sợ con vất vả. Tuy vậy niềm đam mê bên trong trái tim đã thôi thúc chị quyết tâm thi vào trường mỹ thuật. Phải nói họa sỹ Vũ Kim Liên đến với hội họa bằng sự say mê thực sự. Chính vì thế, khi bước vào nghề thiết kế tem còn nhiều bỡ ngỡ, chị đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo với tất cả nhiệt huyết của mình và đạt được nhiều thành công như ngày hôm nay. Mặc dù trong thời gian học đồ họa cũng có những bài học sơ qua về thiết kế tem nhưng khi bước vào con đường trở thành người vẽ tem, chị gặp không ít ngỡ ngàng vì từ lý thuyết đến thực tế là một khoảng cách không nhỏ. Nhưng với những đam mê trong lòng, họa sỹ Vũ Kim Liên đã vừa tự tìm tòi, vừa học hỏi những người đi trước và tìm cho mình những sáng tạo riêng trên con đường nghệ thuật. Cho tới nay, thành công của chị là một quá trình dài đúc kết những kinh nghiệm sáng tạo và là thành quả xứng đáng cho niềm say mê chưa bao giờ ngừng chảy trong con người chị. Nói đến những đứa con tinh thần – hàng trăm mẫu tem mình đã thiết kế, mỗi mẫu tem đều gắn với những kỷ niệm, những dấu ấn riêng. Mỗi một mẫu tem, dù con tem rất nhỏ bé nhưng nó lại mang đầy đủ hơi thở, cảm hứng sáng tạo của người nghệ sỹ nói riêng và những quy chuẩn đặc biệt dành cho nghệ thuật vẽ tem. Nếu như mỗi tác phẩm hội họa thông thường có thể tái hiện bằng những tư duy sáng tạo theo cách của từng người nghệ sỹ thì tác phẩm tem lại phải mang những tiêu chuẩn nhất định về hiện thực, khoa học và lịch sử v.v... Chỉ đơn cử như vẽ về đề tài hoa lan, người họa sỹ phải tìm hiểu đến từng loại hoa lan, cấu tạo, đặc điểm khoa học của chúng, để từ đó sáng tạo ra những tác phẩm chân thực cũng như đảm bảo tính chất hội họa. Không những vậy, diện tích của một con tem vô cùng nhỏ bé. Người họa sỹ cũng phải tính toán tới điều này để khi thu nhỏ tác phẩm vẫn đạt được hiệu quả tốt nhất. Bộ tem chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ của họa sỹ Vũ Kim Liên. Cho tới giờ họa sỹ Vũ Kim Liên không nhớ chính xác được mình đã thiết kế bao nhiêu mẫu tem. Đề tài nào đối với chị cũng đều thú vị và tạo cảm hứng sáng tạo và say mê. Mỗi khi được nhận đề tài theo kế hoạch của cơ quan, như một điều tự nhiên, những ý tưởng, tư duy về những con tem luôn hiện hữu trong đầu chị. Có những đêm đã tắt điện nằm trên giường, những ý tưởng sáng tạo cứ mơ màng xuất hiện, chị lại bật dậy làm việc thâu đêm. Cũng chính với niềm say mê ấy, cho tới nay họa sỹ Vũ Kim Liên đã rất thành công với nhiều bộ tem được giải thưởng và sự yêu mến của những người chơi tem nói riêng cũng như người yêu hội họa nói chung. Chị sáng tác rất nhiều các bộ tem về các thể loại, đề tài khác nhau như bộ tem về Dế mèn phiêu lưu ký, được đánh giá cao và được rất nhiều giải thưởng về mỹ thuật. Ba bộ tem giải nhất: Việt Nam với thế kỷ XX (1999), bộ tem về Hà Nội ngàn năm văn hiến (2000 và 2005). Đối với họa sỹ Vũ Kim Liên, đây là một niềm tự hào không chỉ cho cá nhân người họa sỹ làm nghề như chị mà còn là một dấu ấn cho những người nghệ sỹ được sinh ra và lớn lên tại đất Thăng Long. Năm nay, trong không khí hào hùng kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, họa sỹ Vũ Kim Liên nhớ lại bộ tem mang nhiều công phu và kỷ niệm 10 năm trước chị đã thực hiện và vinh dự được chọn giữa hơn mười nghệ sỹ cùng tham gia sáng tác để phát hành. Trước khi bắt tay vào sáng tác bộ tem này họa sỹ Vũ Kim Liên cùng các đồng nghiệp đã được đi thực tế tại Điện Biên Phủ. Chị lắng nghe những lời kể của các cựu chiến binh trở về thăm chiến trường xưa và tham khảo các hình ảnh tư liệu đã có. Đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ được thiết kế cho mẫu tem cứ 10 năm một lần. Cho tới thời điểm đó đã có 5 bộ tem được sáng tác. Đối với chị mỗi một bộ tem của các thế hệ đi trước đều đẹp và mang hơi thở khác nhau. Chị cũng phải tự tìm tòi cho mình một hướng sáng tác vừa mang những hình ảnh đặc trưng nhất của chiến thắng hào hùng này, vừa mang được những giá trị mới, hơi thở mới phù hợp với thời đại. Bộ tem 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của chị đang mang cả giá trị lịch sử và cả một quá trình xây dựng đất nước. Là một người họa sỹ Việt Nam, chị cảm thấy mình vô cùng may mắn khi mẫu thiết kế của mình đã được chọn. Chị cũng đã sáng tác những bộ tem về biên phòng, chiến sỹ Trường Sơn. Đề tài quân đội trên tem cũng là một đề tài chị rất yêu thích bởi niềm tự hào dân tộc, niềm tự hào về đất nước Việt Nam nhỏ bé nhưng đầy anh dũng lúc nào cũng gây nhiều cảm hứng sáng tác trong chị. Cho tới bây giờ, những con tem nhỏ bé nhưng đầy thân thương đã mang một ý nghĩa lớn đối với chị. Cả cuộc đời chị đã gắn bó với những con tem. Họa sỹ Vũ Kim Liên vẫn sáng tác những thể loại khác trong hội họa, nhưng sáng tác tem đã mang một dấu ấn riêng, là cảm xúc, là kỷ niệm, là sự cống hiến và sáng tạo không mệt mỏi. Chưa bao giờ chị nghĩ tới việc ngừng sáng tác thiết kế tem. Những lần gặp các bạn sinh viên đang theo học mỹ thuật, không chỉ trao đổi, truyền lại cho thế hệ đàn em những kinh nghiệm về chuyên môn, họa sỹ Vũ Kim Liên đã từng nói với các em rằng: Các em đừng ngại ngần rằng những tác phẩm của mình làm ra có được chọn hay không mà trước hết hãy bắt tay vào làm. Mỗi người đều có những cơ hội và duyên phận trong nghề. Hãy sáng tác bằng sự nghiêm túc và niềm say mê trong trái tim mình. Đó cũng chính là cách mà họa sỹ Vũ Kim Liên đã và đang đi trên con đường nghệ thuật Huệ Lâm (CAND online ngày 07-06-2014)
__________________
Họ tên: Hoàng Anh Thi Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh 736022, Việt Nam. Điện thoại: (84-8) 38111467 Di động: 0918 636 791 Email: hoang.anhthi@gmail.com / vietstamp.net@gmail.com Website: www.hoangthethien.net Số tài khoản Vietcombank: 0071001061473 Đề tài sưu tập: Việt Nam trên tem thế giới, cộng sản, văn hóa phương Đông... Gửi tin nhắn trên VSF: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng
|
Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn Poetry vì đã gửi Bài viết hữu ích này: | ||
huytuan1510 (12-07-2019) |
Tags |
điện biên phủ, chiến tranh đông dương, họa sĩ vẽ tem, hội họa, lịch sử, sự kiện lịch sử, tem kỷ niệm, tem việt nam |
Công Cụ | |
Hiển Thị Bài | |
|
|
Những Đề tài tương tự | ||||
Ðề Tài | Người Tạo Đề Tài | Trả Lời | Bài Mới Nhất | |
“Điểm mặt” các bộ tem bưu chính về chiến thắng Điện Biên Phủ | Mai Hoàng Huy | Lịch sử - Xã hội - Chính trị - Kinh tế ở Việt Nam | 6 | 04-05-2014 01:56 |
Tem kỷ niệm 60 chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ chính thức phát hành vào ngày 05-05-2014 | Poetry | Bản tin Tem trong nước | 2 | 29-04-2014 16:05 |
Thi tìm hiểu 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ qua con tem | BoZoo | Văn bản, quy định liên quan đến Tem Bưu chính và Sưu tập Tem | 0 | 26-02-2014 22:03 |
Tem Chiến Thắng Điện Biên Phủ | HanParis | Café VietStamp | 8 | 29-01-2014 10:49 |
FDC kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ | dammanh | TEM Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: từ 24-06-1976 đến nay | 11 | 27-09-2011 15:54 |