#1
|
||||
|
||||
Phú Yên (Đất Phú Trời Yên) - Miền đất ước vọng
Nhân dịp kỷ niệm 400 năm Phú Yên hình thành và phát triển, em xin được đóng góp một bài viết về sự hình thành và phát triển của tỉnh Phú Yên. Bài viết được rút trích từ nội dung bộ phim tài liệu "Miền đất ước vọng" vừa phát trên kênh VTV4 lúc 5 gờ sáng ngày 28/3/2011. Nếu có sai chính tả hay có từ nào dùng chưa đúng xin các ace bỏ quá hộ em. Cảm ơn các anh chị.
Phú Yên (Đất Phú Trời Yên) - Miền đất ước vọng Trong vòng 15 năm nay, từ khi một công trình nghiên cứu địa phương khá đầy đủ hoàn thành , bốn tiếng “đất Phú trời Yên” được nhiều người nhắc đến. Đất Phú Trời Yên không chỉ là đất trời Phú Yên, đất trời Phú Yên có ý nghĩa như một khái niệm khách quan miêu tả vùng đất này từ phong cảnh thiên nhiên đến cuộc sống của con người, từ hình sông dáng núi, tài nguyên do thiên nhiên ban tặng sự nổ lực của dân chúng để xây dựng đời sống kinh tế, duy trì những phong tục truyền thống và tạo ra những tập quán mới để hình thành một vùng miền văn hoá mang tính chất đặc trưng có cái riêng nổi bật trong cái chung tương đồng. Đất Phú Trời Yên nói lên niềm ước vọng sâu xa và lớn lao thuở xa xưa hôm nay vẫn còn và mai sau mãi mãi. Đất Phú Trời Yên là thể hiện cụ thể hơn hai tiếng Phú Yên vì địa danh Phú Yên vốn đã ẩn tàng một niềm ước vọng. Những tài kiệu lịch sử liên quan đến vùng đất Phú Yên đều ghi chép : Năm 1558 Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng được cử vào trấn thủ Thuận Hoá. Năm 1570 kiêm lãnh trấn thủ Quảng Nam thành tổng trấn Thuận Quảng. Ngài đã chiêm nghiệm lời nói của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn Nhất Đái Vạn Đại Dung Thân “ và tiên khởi ước vọng dựng ngọn cờ độc lập riêng núi, riêng sông, thoát khỏi sự kiềm toả của Trịnh đến mãi mãi, vạn đời. Song trăm họ còn quá bận rộn, vất vả, để tìm có chén cơm, tấm áo của cuộc sống thường ngày nên kế hoạch bước đầu trong đời ngài đặt ra chỉ với một lãnh thổ giới hạn : từ Ninh Giang tức sông Gianh đến Thạch Bi Sơn tức núi đá bia. Do đó năm 1611 khi Chủ Sự Văn Phong ổn định vùng đất Ngài đã kính cẩn giao phó cho Phù Nghĩa Hầu Lương Văn Chánh người đã đưa lưu dân vào xây dựng hồi năm 1597. Có thể nói rằng : mục tiêu trước mắt đã thành đạt, đơn vị hành chính cấp phủ được thành lập gọi là phủ Phú Yên cử Văn Phong làm Lưu Thủ. Bao thế hệ người dân Phú Yên hôm nay luôn luôn ngưỡng vọng tiền nhân bởi có thể nói rằng hai tiếng Phú Yên định đặt ngay lúc ấy là cả niềm ước vọng của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, của dân chúng địa phương, của hai trấn Thuận Quảng, ngày mở thành cõi Nam Hà và của cả dân tộc Việt Nam. Năm 1613, trước khi lâm chung Chúa Nguyễn Hoàng dặn con là Nguyễn Phước Nguyên sau này là Chúa Sải nối nghiệp rằng : “Đất Thuận Quảng này phía Bắc có Hoành Sơn và Linh Giang hiểm trở, phía nam có Hải Vân sơn và Thạch Bi Sơn vững bền, núi sẵn vàng sắt, biển nhiều cá muối thực là nơi trời dành cho những người anh hùng dụng võ. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với quân Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Còn nếu thế lực chưa địch được thì cố giữ vững đất đai để chờ cơ hội chứ đừng bỏ quên lời dặn của ta.” Năm 1629, nhân một biến động ở biên giới phía nam, Chúa Nguyễn Phước Nguyên cử phó tướng là Nguyễn Phước Vinh vào ổn định, đổi phủ Phú Yên làm dinh Trấn Biên. Nguyễn Phước Vinh lãnh chức vụ trấn thủ với đặc ân được dùng dấu son. Phủ Phú Yên đổi thành dinh Trấn Biên. Sự kiện này có hai ý nghĩa quan trọng : + Thứ nhất : từ khi lưu dân người Việt theo sau vó ngựa Lương Phù già vào đây - năm 1597, trải qua thời Văn Phong cai trị - năm 1611 đến lúc Nguyễn Phước Vinh trấn nhậm - năm 1629, mới có 32 năm. Thời gian quá ngắn thế mà vùng đất này từ buổi ban đầu hoang hoá đã thành cấp phủ rồi nâng lên cấp dinh là đơn vị hành chánh địa phương cao nhất chứng tỏ Phú Yên đã có những thành tựu vượt bậc về mọi mặt, ổn định chính trị, giữ vững an ninh, dân chúng có đời sống no đủ. + Thứ hai : Vào thời kỳ mở cõi, những nơi xa xôi, địa đầu thường gọi là trấn biên làm nhiệm vụ tiền đồn bảo vệ đất nước, như thành luỹ phên dậu kiên cố, che chắn cho toàn bộ lãnh thổ. Dinh trấn biên Phú Yên có một cột mốc ranh giới thiên nhiên vĩ đại là núi đá bia. Tuy chóp đỉnh chỉ cao có 706m nhưng khối đá đặc biệt đứng cheo leo ở một vị trí đắc địa đã tạo ra trong lòng người cổ kim biết bao cảm tình trang trọng và tôn kính. Nằm trên đường thiên lý Bắc Nam (quốc lộ 1A ngày nay), đá bia sừng sững trên dãy núi đèo Cả, nơi đây đang thu hút ngày càng nhiều khách thập phương dù cơ sở hạ tầng những dịch vụ du lịch chưa được hoàn thiện. Trong năm 2011, năm Phú Yên kỷ niệm 400 năm hình thành và phát triển, năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ do Phú Yên đăng cai giải leo núi quốc tế chinh phục đá bia lần đầu tiên sẽ được tổ chức tại đây. Bên trong dinh Trấn Biên Phú Yên, còn nhiều điểm tiểu Trấn Biên khác ở phía Tây . Những nơi này từ buổi ban đầu phải được ổn định để cho đồng bằng duyên hải ổn định cũng như Phú Yên phải ổn định để cho cả Thuận Quảng ổn định. Năm 1623 Hùng Lộc Hầu và Minh Võ nhận lệnh lãnh 3.000 quân từ bàn đạp Trấn Biên Phú Yên vượt qua đèo Hộ Dương dưới chân núi Thạch Bi trong dãy Đại Lãnh nam chinh đến sông Phan Rang lập Thái Khang là tỉnh Khánh Hoà ngày nay . Năm 1744 Chúa Nguyễn Phước Khoát chính thức lên ngôi Võ Vương chia đặt lại các đơn vị hành chánh, nhiệm vụ tiền đồn phên dậu được giao cho miền nam, dinh Phước Long là dinh Trấn Biên, dinh Tân Bình là dinh Phiên Trấn. Hôm nay nhìn lại, ước vọng vẫn nguyên là ước vọng, có khác là mỗi ngày ước vọng một cao xa hơn, vì thành tựu mỗi ngày trong cuộc sống một lớn lao hơn. Từ một vùng hoang hoá thưa dấu chân người, giờ đây trên tận đầu nguồn xuống tới cửa biển bát ngát một màu xanh của ruộng đồng, vườn tược. Đất thổ sườn đồi, son bãi ven sông. Vào thời điểm đầu nhà Nguyễn, lúc lập địa bạ, diện tích canh tác của Phú Yên chỉ có 37.540 mẫu lúc bấy giờ dùng bằng mẫu ta bằng gần 5.000 mét vuông. Từ khi đập Đồng Cam hoàn thành, giá trị nông nghiệp Phú Yên càng tăng cao. Đồng bằng Tuy Hoà được coi là vựa lúa miền Trung. Đồng bằng Tuy An tuy hẹp hơn nhưng độ màu mỡ không kém, ngoài ra còn nhiều cánh đồng nhỏ dọc theo các con sông và trong các thung lũng. Tư liệu đầu thế kỷ 21 ghi 32.710 héc ta đất ruộng trồng lúa và 30.971 héc ta là đất nương rẫy trồng các loại hoa màu. Ở Phú Yên không phân biệt thành để có miệt vườn, miệt ruộng, miệt rừng xa cách. Ruộng, vườn, soi, bãi, cổ rẫy gần bên nhau, xóm làng xen lẫn trong đó. Sinh hoạt nông thôn là một bức tranh tứ bình : Canh, mục, ngư, tiều. Việc chăn nuôi phát triển song song với trồng trọt nhất là khi nhà nông chưa dùng các phương tiện cơ giới và phân bón hoá học. Ngựa Phú Yên tốt nhất Trung kỳ, rất đắc lực trong việc chuyên chở, ngày xưa thường được chọn dâng triều đình làm ngựa ngự dụng. Trâu bò nuôi khắp nơi, ở vùng cao nguyên miền núi cả đàn hàng trăm con thả ăn nơi vùng đồi, từng đạt nhiều giải thưởng tại các Hội chợ trâu bò Nam Trung bộ. Sông suối, ao đầm nhiều loài thuỷ tộc, rừng nhiều danh mộc và các loại cây gỗ, trước đây được bảo quản tốt, khai thác chừng mực, nhờ vậy có môi trường sông xanh, sạch, đẹp. Bờ biển Phú Yên dài gần 200 cây số, có vịnh đầm tốt như Cù Mông, Xuân Đài, Ô Loan, Vũng Rô. Ngư dân đánh bắt trong lộng, ngoài khơi thu nhiều loại hải sản. Ngày nay còn đánh bắt xa bờ, đưa về con cá bào ngù với các tên mới rất đẹp là cá ngừ Lạc Dương. Vùng ven biển sông Cầu nhiều ruộng muối, dân chúng gọi là ruộng mặn đánh giá ngang hàng với ruộng lúa là ruộng ngọt. Đúng như lời Chúa Tiên đã nói : biển nhiều cá muối. Mặt hạn chế trong phát triển xã hội ở Phú Yên xưa nay là các nghề thủ công không phát triển mạnh. Thợ mộc, thợ nề, làm gốm, đan lát chỉ nhằm tự túc, phục vụ nhu cầu bản địa một phần có lẽ do bị ngành nông nghiệp chi phối. Những sản phẩm đặc biệt nằm trong vùng châu thổ sông cái Tuy An trung tâm hành chánh và văn hoá một thời dài lâu như gốm Quảng Đức, gấm lãnh lụa Phường Lụa và xa hơn về hướng bắc là lãnh lụa Gò Duối đều mai một, chỉ lưu danh một thời vang bóng. Việc buôn bán phải đến đầu thế kỷ 20 mới phát triển. Trước đó khi người Hoa di cư đông đảo sang xứ Đàng Trong thì Vũng Lấm, Tiên Châu là thương cảng giao dịch với bên ngoài, phương tiện là những chiếc ghe căng buồm vượt sóng vào ra xuôi ngược. Ước vọng Phú Yên được cụ thể hơn với những tên làng có chữ Phú, chữ An, chữ Phước, chữ Bình, chữ Quý. Trong 174 làng lập địa đại triều Gia Long thì có đến 43 làng tên có chữ An, 34 làng tên có chữ Phú và 14 làng tên có chữ Phước. Mỗi tên làng ở Phú Yên còn phản ánh thực trạng địa dư và sản phẩm ở nơi ấy. Làng Bảo Tháp có ngôi tháp cổ là vật báu, làng Thạch Khe có dòng khe từ núi đá chảy ra, làng Hoành Lâm có vạt rừng ngang, là rừng thấp, rừng thưa. Làng Sơn Triều trông thấy dáng núi như chầu hầu. Làng Liên Trì có ao sen, làng Tiếp Diêm, Diêm Điền, Hoa Diêm có ruộng muối. Làng Đa Ngư, Hội Ngư nhiều cá. Điều thú vị là ở mỗi làng đều có đình làng thờ công đức các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn vùng đất, lập làng, lập ấp. Hội làng là hội của cả cộng đồng diễn ra vào xuân thu nhị kỳ. Cư dân trên vùng đất Phú Yên tuy không đông nhưng làng xóm phân bổ khá đều đặn. Ở vùng cao nguyên, vùng núi khi đi bộ lâu lắm khoảng một giờ là gặp một xóm nhà dù không đông đúc nhưng có thể tạo được niềm vui. Khách có thể nghỉ chân, uống nước, hỏi thăm rồi tiếp tục hành trình, không có cảm tưởng suốt ngày lạc lõng nơi hoang dã. Buổi đầu thành lập, phủ Phú Yên có hai huyện, huyện Đồng Xuân từ phía nam núi Cù Mông đến bờ bắc sông Đà Rằng, huyện Tuy Hoà từ bờ nam sông Đà rằng đến phía bắc núi Đại Lãnh. Dưới huyện, vùng đông dân có cấp tổng, những nơi xa xôi hẻo lánh lập ra các thuộc gồm các nậu, phường lẻ tẻ. Năm 1720, Chúa Nguyễn Phước Chu cử Dương Tuần Nam Nguyễn Khoa Đăng vào chia lập các ấp thuộc từ Quảng Ngãi đến Phú Yên. Năm 1726, Chúa Nguyễn Phước Trứ cử Ký Lục Chính Dinh Phú Xuân là Nguyễn Đăng Đệ vào kinh lý định rõ chức lệ các ấp thuộc ấy, vào thời đó, Phú Yên có 38 thuộc. Năm 1773, Phú Yên thuộc quyền nhà Tây Sơn cai trị. Năm 1808, vua Gia Long đổi dinh Phú Yên thành trấn Phú Yên. Năm 1826, vua Minh Mạng đổi dinh Phú Yên thành trấn Phú Yên. Năm 1831, vua Minh Mạng đổi tên phủ Phú Yên thành phủ Tuy An. Năm 1832, vua Minh Mạng chia lại các đơn vị hành chánh trong nước thăng phủ Tuy An thảnh tỉnh Phú Yên. Năm 1833, vua Tự Đức đổi tỉnh Phú yên thành đạo Phú Yên. Năm 1875, vua Tự Đức thăng đạo Phú Yên thành tỉnh Phú Yên. Năm 1976 hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà hợp nhất thành tỉnh Phú khánh. Năm 1989, hai tỉnh Phú Yên với Khánh Hoà tái lập với lãnh thổ như cũ. Cho đến đầu triều Minh Mạng, mỗi huyện có 3 tổng : tổng thượng, tổng trung, tổng hạ. và một thuộc hạ bạc gồm những làng ở ven sông. cửa biển. Năm 1899, triều Thành Thái một lần thay đổi các đơn vị dưới tỉnh, lúc này Phú yên có 2 phủ là Tuy Hoà và Tuy An, 2 huyện Đồng Xuân và Sơn Hoà. dưới huyện có các tổng, dưới tổng là các làng. Toàn tỉnh có 19 tổng, gồm 271 làng. Trải qua 400 năm, ban đầu là phủ Phú Yên có 2 huyện, bây giờ tỉnh Phú Yên có một thành phố, một thị xã và 7 huyện. Năm 1753, dân 5 phủ trong xứ Quảng Nam có 152.370 người, trong đó dân phủ Phú Yên 14.468 người. Thời nhà Nguyễn, theo sách Đại Nam Nhất thống chí, dân đinh Phú Yên năm 1819 có 7871 người, đến năm 1906 có 12.554 người. Ngày xưa chỉ tính số dân đinh còn hạng già yếu, nghèo khổ, tật nguyền, phụ nữ, thiếu niên không kể. Trong vùng châu thổ Tuy An, số dân đinh hơn cả. Những làng có số suất đinh cao nhất tỉnh đều ở Tuy An, sau đó đến vùng thị xã sông Cầu và chung quanh thành Phố Tuy Hoà ngày nay. Đinh số thấp nhất là vùng tây huyện Tây Hoà ngày nay. Tư liệu sau năm 1975 ghi năm 1989 dân số Phú Yên 691.741 người đến năm 2009 có 879.560 người. Đông đảo hơn hết vẫn là người Kinh chiếm trên 90% , các sắc tộc anh em lâu đời có người Êđê, người Chăm, người Hoa, các sắc tộc đến sau năm 1975 thì tương đối đông có người Tày, người Nùng, người Dao và nhiều sắc tộc khác chỉ có dưới 100 nhân khẩu. Bên cạnh việc thờ cúng ông bà, các tín ngưỡng mang theo từ quê cũ được duy trì và phát triển theo điều kiện mới, các miếu am đình được dựng lên sau đó là chùa và nhà thờ của các tôn giáo. Nơi thờ các vị thành hoàng bổn xứ, tiền hiền, hậu hiền khai khẩn sự nghiệp và tuỳ theo vùng miền, nghề nghiệp, dân chúng thờ Sơn Thần, thờ Hà Bá, thờ Ông Nam Hải cùng các vị thần khác. Dần dần công huân hộ quốc an dân của thần linh được tôn lên triều đình để vua ban sắc phong chính thức công nhận. Hằng năm có cúng tế long trọng vào mùa xuân và mùa thu. Hai tôn giáo lớn đến Phú Yên sớm là Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Phật giáo đến Phú Yên cùng lúc với những lưu dân người Việt, chùa chiền rải rác khắp nơi. Hội chùa là hội làng, hội của mọi người, của chùa là của chung thập phương cúng dường đóng góp, thập phương cộng hưởng như lời ca dao mời mọc Rủ lên Đá Chánh ăn xoài Có những ngôi chùa khai sơn rất sớm như chùa Hội Tôn ở Tuy An nay chỉ còn dấu vết tháp cổ, thời niên thiếu Thiền Sư Liễu Quán đã xuất gia vào đây tu học với Thiền Sư Tuế Viên. Có những ngôi chùa chỉ là một hang đá, trong đó vị thiền sư đạo cao đức trọng như Sơn Nhân tăng Hứa Mật Sô tịch cốc ẩn tu cứu độ chúng sinh, tiếng chuông mỏ tụng niệm cảm hoá được cả loài ác thú. Thiên Chúa giáo đến Phú Yên thời phó tướng Nguyễn Phước Vinh được thuiận lợi nhờ phu nhân của quan trấn thủ là công chúa Ngọc Niên tòng giáo. Năm 1641 tại Mạng Lăng linh mục Alexandre de Rhodes , chữ Hán gọi là giáo sĩ Đắc Lộ thường gọi là Cố Tràm đã rửa tội cho 91 giáo dân Tân Tòng, trong đó có một người tử vì đạo và sau này được phong là Chân Phước mà thị giảng an dre Phú Yên. Nhà thờ Mạng Lăng xây dựng năm 1892 là nhà thờ xưa nhất Phú Yên là một công trình kiến trúc hoàn mỹ, các hoạ tiết trang trí 2 phong cách hài hoà Tây phương và Đông phương. Nhà thờ Tuy Hoà xây dưng năm 1960 vừa tổ chức lễ Kim Khánh vào tháng 4 – 2010. Hai tôn giáo chính nữa là đạo Tin Lành và đạo Cao Đài cũng có tín đồ khắp tỉnh, cơ sở thờ phụng chính đặt tại thành phố Tuy Hoà. Nhìn lại quá khứ, Phú Yên có một bước nhảy vọt từ khi có đập Đồng Cam, đường xe lửa xuyên Việt đi qua đường thiên lý nay là quốc lộ 1A được nâng cấp. Người dân Phú Yên có điều kiện vượt qua khỏi bức tường đèo cao, núi dựng, tầm mắt có dịp nhìn xa, trông rộng, khối óc và con tim sáng suốt và bao dung hơn những định hướng cho cá nhân gia đình và tập thể mạnh dạn hơn, thông thoáng hơn. 400 năm với một địa phương khá đủ gọi là chiều dài nhưng so với quá trình xây dựng đất nước từ họ Hồng Bàng trải qua các thời đại tự chủ, độc lập bao lần xâm lược, bao lần giành lại cơ đồ thống nhất giang sơn thì chưa hẳn là dài. Con đường trước vẫn rộng mở chờ đợi dù thuận lợi nhưng cũng đầy thách thức trong buổi hội nhập toàn cầu.
Muốn ăn tương ngọt, Thiên Thai thiếu gì .
__________________
Lâm Minh Hùng Địa chỉ : 311 Phạm Ngũ Lão - P. Phạm Ngũ Lão - Q.1, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. Email : laklih@yahoo.com Số tk : VCB 053 1000 266 744 Chủ đề sưu tập : Hoa lan, bướm, GTVT, động vật, di sản |
Công Cụ | |
Hiển Thị Bài | |
|
|
Những Đề tài tương tự | ||||
Ðề Tài | Người Tạo Đề Tài | Trả Lời | Bài Mới Nhất | |
Phú Yên - Tôi thấy tem vàng trên lá thư | Ace512phuyen | Bạn Tem cả nước | 0 | 23-08-2017 19:48 |
Ngày 31-03-2011, Bộ TT&TT phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 400 năm Phú Yên” tại Phú Yên | Poetry | Tem Việt Nam mới phát hành | 7 | 04-04-2011 16:39 |
400 năm Phú Yên: đất & người Phú Yên trên tem bưu chính | Poetry | Lịch sử - Xã hội - Chính trị - Kinh tế ở Việt Nam | 1 | 02-04-2011 01:40 |
400 năm Phú Yên | canto | Bưu ảnh - Bưu thiếp (Post Card) | 3 | 29-03-2011 11:39 |
Phú Yên - Nơi có “Ông già tem” | xihuan | Nhà sưu tập | 4 | 19-03-2009 09:40 |