Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Lang thang lượm lặt > Ẩm thực

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #11  
Cũ 02-07-2013, 21:08
VAPUTIN's Avatar
VAPUTIN VAPUTIN vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Không Răng
 
Ngày tham gia: 30-01-2013
Bài Viết : 1,047
Cảm ơn: 1,502
Đã được cảm ơn 6,371 lần trong 1,062 Bài
Mặc định

Hát Tiều thì có nghe qua nhưng chưa từng được xem còn vụ Sơn Đông mãi võ của người Tiều thì Va tui chưa từng nghe nói, Va tui tưởng là người Quảng hay Hẹ mới Sơn Đông mãi võ


Đội nhạc "tùa lò cấu" và gánh hát Tiều ở Cần Thơ



Đầu thế kỷ XX, nhiều đoàn hí kịch Triều Châu từ Trung Quốc đến lưu diễn ở Nam bộ. Các đoàn hát này mang tên: Lão Ngọc Xuân Nương, Lão Bửu Mai Xuân, Lão Mai Chánh… Tuy nhiên, người Nam bộ gọi nôm na đó là "gánh hát Tiều" phía sau có thêm "thùng đỏ", "thùng đen" hay "thùng xanh" để phân biệt vì các gánh này sử dụng các thùng sơn các màu trên để đựng y trang, đạo cụ.
Các gánh hát Tiều từ Nam Trung Quốc thường sang Chợ lớn (TP. Hồ Chí Minh) lưu diễn, sau đó, chuyển xuống những nơi có đông người Hoa như Mỹ Tho (Tiền Giang), Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hà Tiên (Kiên Giang)… diễn tại các chùa, miễu.
Gánh hát Tiều từ Trung Quốc sang được trang bị rất đơn sơ về cảnh trí, trang phục, đạo cụ… Các tuồng tích lấy từ trong các truyện Tàu: Tiết Nhơn Quí, Tiết Đinh San, Mộc Quế Anh, Mạnh Lệ Quân, Triệu Ngũ Nương… Diễn viên của gánh là các nam thiếu niên từ 7-16 tuổi. Phương thức đào tạo theo lối truyền nghề: Một thầy dạy cho nhiều trò, nhiều vai. Khi quá tuổi 17-18, bị "bể giọng", các diễn viên sẽ bị loại ra khỏi gánh theo một nội quy rất khắt khe.
Nhiều diễn viên bị sa thải ra khỏi gánh đã ở lại Việt Nam làm ăn, sinh sống. Trong số đó có người thành lập lại gánh hát Tiều ở Nam bộ. Tại Chợ Lớn, có ông Dương Tỷ thuở nhỏ bị gia đình bán cho gánh hát Tiều trong 8 năm. Đến năm 17 tuổi, trong một lần lưu diễn ở Chợ Lớn, ông bị sa thải. Không có đủ tiền về Trung Quốc, ông đành ở lại đây đi hát và làm nhiều nghề để sinh sống. Sau đó, ông thành lập gánh Lão Bửu Mai Xuân (thùng đen), tiền thân của Đoàn nghệ thuật Thống Nhất - Triều Châu sau này.
Tại Cần Thơ, có ông Vương Thiệu (Năm Tiệm) cũng là diễn viên gánh hát Tiều từ Trung Quốc sang ở lại lập nghiệp thành công tại chợ Thốt Nốt. Ông làm chủ hãng xe đò Vạn Phước Nguyên, Công xi rượu nếp Phước Hiệp, tiệm tạp hóa Vĩnh An Đường và khoảng 6.000 công ruộng. Năm 1916, ông Vương Thiệu cùng con trai là Vương Có bỏ tiền ra thành lập gánh hát Tập Ích Ban, ban đầu diễn theo lối hát Tiều.
Ban nhạc trong gánh hát Tiều chia thành 2 đội: Đội "tùa lò cấu" (trống, thanh la) được bố trí phía bên trái từ dưới sân khấu nhìn lên. Đội này có nhiệm vụ đánh nhạc sôi động để mở màn, làm sạch sân khấu, đuổi "tà ma" hoặc đánh trong các đoạn vở diễn có cảnh rượt đuổi; để chuyển cảnh mới, màn mới. Đội "hí" gồm các nhạc cụ thuộc bộ dây, được bố trí phía bên phải từ dưới sân khấu nhìn lên. Đây là dàn nhạc chính, đánh các bài bản theo vai diễn trên sân khấu.
Từ năm 1945-1960, các gánh hát Tiều ở Nam bộ suy yếu dần và tan rã do không cạnh tranh được với các loại hình nghệ thuật khác: cải lương, hát bội, Hồ Quảng… Từ năm 1960, những người Hoa gốc Triều Châu tập hợp các nghệ sĩ hát Tiều rã gánh, những người yêu thích nghệ thuật truyền thống Trung Quốc thành lập ra các "nhạc xã" (một tổ chức văn nghệ nghiệp dư). Ở Chợ Lớn có các nhạc xã: Đông Phương, Ỷ Vân, Tân Nghệ…


Vở tuồng Cáo thân phu của Ban văn nghệ nghiệp dư
Triều Châu.
Ở Cần Thơ, người Hoa không thành lập nhạc xã mà thành lập hội chung của người gốc Triều Châu. Ban đầu hội lấy tên là Thiên Hòa hỗ trợ xã Phong Dinh, đến năm 1976 đổi thành Thiên Hòa hỗ trợ xã Hậu Giang.

Năm 1960, ông Thái La Thành (Lò Sé) đứng ra thành lập đội nhạc "tùa lò cấu" ở Thiên Hòa miếu. Ông cũng là người tổ chức việc truyền dạy các loại nhạc cụ cổ truyền. Đội nhạc thu hút các diễn viên hát Tiều rã gánh, bà con người Hoa yêu thích nghệ thuật truyền thống ở chợ Cần Thơ tham gia. Tại Thiên Hòa miếu, các buổi tối, đội nhạc đều tổ chức biểu diễn hòa tấu nhạc Tiều hoặc một số trích đoạn tuồng tích của gánh hát Tiều thu hút rất đông bà con người Hoa đến xem.
Ngoài việc phục vụ tại chỗ, do yêu cầu của bà con, Đội nhạc tuyển chọn một số loại nhạc cụ gọn nhẹ đi biểu diễn lưu động. Đội nhạc chuyên phục vụ: Tết Nguyên tiêu, lễ Vu lan, khai quan (khánh thành) các chùa, miễu và đám tang cho đồng bào người Hoa-Triều Châu ở Cần Thơ và một số tỉnh trong khu vực.
Đội "tùa lò cấu" ở Thiên Hòa miếu ngày càng phát triển. Đến năm 1974, ông Hồng Thư Lương, một người Tiều giỏi nghệ thuật truyền thống Triều Châu từ Campuchia về Thiên Hòa miếu phát triển lên thành đoàn nghệ thuật Triều Châu. Ông Hồng Thư Lương tập hợp thêm diễn viên, nhạc công; truyền dạy âm nhạc, diễn xuất… Ông Lưu Tập Phong thay mặt Hội người Hoa đứng ra vận động đóng góp mua sắm thêm y trang, đạo cụ, cảnh trí, sân khấu… Đoàn nghệ thuật Triều Châu được thành lập với tên gọi: Ban văn nghệ nghiệp dư Triều Châu - Phong Dinh (đến năm 1976 đổi thành Ban văn nghệ nghiệp dư Triều Châu tỉnh Hậu Giang) do ông Vương Bách Kiên làm trưởng đoàn.
Mang tên: "Ban văn nghệ nghiệp dư " nhưng đây là "đại ban". Sân khấu của đoàn khi dựng phải mất 2 ngày. Đoàn có khoảng 50 người, bao gồm 15 nhạc công, 20 diễn viên và 15 nhân viên. Trang phục, đạo cụ chứa trong các thùng màu đỏ (hí làn). Các vở tuồng của Đoàn: Tô Lục Nương, Cáo thân phu (Kiện chồng), Bích ngọc trâm, Văn võ hương kiều, Nhất môn tam tiến sĩ. Đoàn thường diễn ở rạp Minh Châu (Phan Đình Phùng, Cần Thơ), Huỳnh Cẩm Vân (Trần Hưng Đạo, Cần Thơ), rạp Mỹ Thanh (Vị Thanh, Hậu Giang) và giao lưu với đoàn Đông Phương ở Chợ Lớn. Các đêm diễn của đoàn thu hút hàng ngàn người Hoa từ các tỉnh trong khu vực đến xem. Diễn viên nào diễn hay trên sân khấu được các ông chủ người Hoa lì-xì tiền đựng trong các túi đỏ.
Năm 1978, nhiều diễn viên của Ban văn nghệ nghiệp dư Triều Châu tỉnh Hậu Giang đi định cư ở nước ngoài, đoàn tan rã. Hiện nay chỉ còn 2 diễn viên và một nhạc công sinh sống tại TP.Cần Thơ: Quách Mộc Liên (Trường bổ túc Hoa ngữ Cần Thơ), Vương Huệ Quyên - Xuân Quyên (tiệm đồ nhựa đường Nguyễn An Ninh), Kiều Kim Phụng (tiệm điện Cẩm Hưng, Phan Bội Châu) và ông Thái Thuận Phương (Bình) hiện là đội trưởng đội nhạc "tùa lò cấu". Y trang, đạo cụ, cảnh trí… của đoàn hiện còn lưu giữ tại Thiên Hòa miếu, phường An Lạc, quận Ninh Kiều TP.Cần Thơ.
Sau khi Ban văn nghệ nghiệp dư Triều Châu tan rã, đội nhạc "tùa lò cấu" ở Thiên Hòa phục vụ các ngày lễ, Tết, đám tang… của đồng bào người Hoa-Triều Châu cho đến nay.
Hiện nay nhạc "tùa lò cấu" và hát Tiều đang có nguy cơ mai một, thất truyền vì thiếu đội ngũ kế tục. Trải qua hàng trăm năm cộng cư, văn hóa - nghệ thuật của người Hoa - Triều Châu đã làm phong phú, đa dạng thêm cho văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Tài liệu tham khảo:
1.PGS.TS.Phan An (2005), Người Hoa ở Nam bộ, Nxb Khoa học xã hội.
2. Nguyễn Hồng Dương-Phùng Đạt Văn (2009), Tín ngưỡng tôn giáo và xã hội dân gian, Nxb Tự điển bách khoa.
3. Hội đồng khoa học xã hội TP.HCM (1998), Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, TIII: nghệ thuật, Nxb TP.HCM.
4. GS. TSKH. Tô Ngọc Thanh, Đôi điều cần biết thêm về Nhã nhạc, tham luận trong Tọa đàm dành cho báo chí truyền thông về Nhã nhạc cung đình Huế tổ chức tại TP.Huế, ngày 07/8/2012.

Bài được VAPUTIN sửa đổi lần cuối vào ngày 02-07-2013, lúc 21:10
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
2 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn VAPUTIN vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
HanParis (03-07-2013), Poetry (03-07-2013)
  #12  
Cũ 02-07-2013, 21:22
VAPUTIN's Avatar
VAPUTIN VAPUTIN vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Không Răng
 
Ngày tham gia: 30-01-2013
Bài Viết : 1,047
Cảm ơn: 1,502
Đã được cảm ơn 6,371 lần trong 1,062 Bài
Mặc định

Xem “hát Tiều” ở miền Tây Nam bộ

15/02/2010 19:00 (GMT + 7)


“Hát Tiều” là ca kịch của người Triều Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Hiện nay, ở quận 5, TP.HCM, có đoàn ca kịch Thống Nhất của người Hoa, gồm hai bộ phận: Ca kịch Triều Châu và ca kịch Quảng Đông. Năm 1996, có đoàn ca kịch Triều Châu - Sán Đầu của tỉnh Quảng Đông sang biểu diễn ở TP.HCM, được đồng bào người Việt gốc Hoa nhiệt liệt hoan nghênh.


Có dịp đi xem chương trình “hát Tiều” của đoàn ca kịch Thống Nhất ở quận 5, tôi bùi ngùi nhớ lại thời thơ ấu của mình, Khi còn là một chú bé con, đêm này đến đêm khác, cứ lê la ở các chùa chiền của người Hoa để xem các đoàn “hát Tiều” biểu diễn nhân những ngày lễ hội.
Chuyện đó xảy ra đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Quê tôi là thị xã Bạc Liêu, nơi người Hoa sinh sống rất đông, họ nắm hầu hết các ngành kinh tế của thị xã, có trường học riêng của người Hoa, rất nhiều chùa chiền của người Hoa. Người Hoa ở Bạc Liêu cũng như ở các tỉnh miền Tây Nam bộ tuyệt đại đa số là người Triều Châu. Còn ở Chợ Lớn (nay gồm các quận 5, 6, 10, 11 của TP.HCM) người Hoa đa số là người Quảng Đông.
Triều Châu là một huyện của tỉnh Quảng Đông, huyện lỵ là thành phố Sán Đầu. Tuy chỉ là dân của một huyện, nhưng người Triều Châu di cư sang các nước Đông Nam Á rất đông (Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan). Triều Châu có một nền văn hóa địa phương rất độc đáo, có tiếng nói riêng (tiếng Tiều), nghệ thuật ẩm thực riêng (cháo Tiều khác với cháo Quảng), nền âm nhạc riêng, nền ca kịch riêng, gọi là Triều kịch (còn nền ca kịch của Quảng Đông thì gọi là Việt kịch).

Hằng năm, cứ đến mùa lễ hội của các chùa Hoa (các ngày lễ này lại thường gần nhau) là có một hoặc hai đoàn ca kịch Triều Châu từ Sán Đầu sang biểu diễn. Họ diễn ở mỗi chùa vài đêm, lần lượt từ chùa này đến chùa khác. Kéo dài một vài tháng, xong rồi đi đến các tỉnh khác ở miền Tây Nam bộ rồi kéo lên Nam Vang (Phnôm Pênh) là những nơi có nhiều người Triều Châu.
Vì người dân lao động ở miền Tây Nam bộ phát âm chữ “r” rất khó khăn, nên người Triều Châu thì họ gọi là người Tiều, đoàn ca kịch Triều Châu thì gọi là gánh hát Tiều. Hát Tiều gồm hai loại: loại bình dân thì biểu diễn ở sân chùa, loại sang hơn thì thuê rạp (tức nhà hát) mà biểu diễn. Hát Tiều bình dân đến thị xã Bạc Liêu biểu diễn thường có hai đoàn: gánh thùng đen và gánh thùng đỏ.
Sở dĩ gọi như thế là vì một đoàn thì đựng các trang phục, phông màn trong những cái thùng (rương, hòm) màu đen, còn một đoàn thì đựng trong các thùng màu đỏ. Thỉnh thoảng, lại còn có gánh thùng xanh. Họ di chuyển bằng đường thủy, trên những chiếc ghe bầu to lớn như ghe chài (loại thuyền to để chở lúa), ăn ngủ, tập tành trên ghe, chứ không thuê phòng trọ hoặc dựng lều trên bãi đất trống mà ở.
Khi một đoàn hát Tiều nào đến thì bọn trẻ con như chúng tôi nắm được thông tin nhanh nhất. Chạy ra sân chùa, thấy người ta đóng cọc dựng sân khấu, đóng băng gỗ làm ghế ngồi cho khán giả, là chúng tôi thấy lòng rộn lên vì vui sướng. Rồi kéo nhau đến bờ sông, xem quang cảnh gánh hát.
Trước tiên là xem họ ăn sáng. Kẻ ngồi trong khoang, người ngồi đầu thuyền, cuối thuyền, họ điểm tâm bằng bát cháo to tướng nấu với khoai lang, kèm theo một ít dưa cải muối hoặc trứng vịt muối. Đặc điểm của cháo Tiều là cháo nấu chín nhưng hạt gạo còn nguyên, khác với cháo Quảng là phải nấu thật nhừ, không còn dấu vết hạt gạo.
Ăn xong thì kéo vào trong khoang chiếc ghe lớn nhất để diễn tập lại, chuẩn bị cho buổi diễn ở chùa đêm đó. Các diễn viên nam nữ đều rất trẻ, tôi ước chỉ độ 15, 16 tuổi. Có một số chỉ độ 10, 12 tuổi. Các trẻ em nam giới đều cạo đầu trọc. Điều khiển buổi diễn tập là một ông thầy tuồng, với một chiếc roi mây to tướng trong tay. Ai hát sai hoặc làm động tác sai là roi mây quất vào người tới tấp.
Các cô cậu diễn viên đau lắm, nước mắt chảy ròng mà không dám khóc thành tiếng, dừng lại lấy tay quệt nước mắt rồi diễn lại cho đúng bài bản. Tất cả những em bé này đều là con nhà nghèo, cha mẹ không nuôi nổi nên đem bán cho đoàn hát, do đó đã trở thành vật sở hữu của ông bầu gánh.
Sau giờ tập họ cũng được đi dạo phố, nhưng phải xếp hàng đi thành đoàn có người canh gác, xem phố phường chợ búa xong thì trở về thuyền, không một ai được quyền lẻn đi riêng. Sau này, khi xem bộ phim Vĩnh biệt ái cơ của đạo diễn Trần Khải Ca, tôi thấy những đoạn phim mô tả sinh hoạt của một đoàn tuồng cổ Bắc Kinh cũng na ná như kiểu gánh hát Tiều mà tôi chứng kiến hồi còn bé. Tối đến, xem những ông vua, bà hoàng, các văn võ đại thần oai phong lẫm liệt trên sân khấu, mấy ai đã hiểu được trong cuộc sống hằng ngày, họ phải ngậm đắng nuốt cay thế nào.
Đặc điểm của hát Tiều là diễn luôn một mạch từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau, diễn liên tục, không có kéo màn hạ màn trong suốt buổi diễn. Đến nửa đêm, khán giả nào mệt thì về nhà ngủ một giấc, còn nếu xem hát Tiều trong rạp hát thì tựa lưng vào ghế ngủ luôn tại chỗ. Nhưng không thể ngủ lâu, vì chỉ một lúc thì bị dàn nhạc Triều Châu đánh thức dậy.
Đặc điểm của dàn nhạc Triều Châu là có rất nhiều nhạc cụ gõ gồm trống lớn, trống nhỏ, thanh la, chập chõa các cỡ khác nhau. Dàn nhạc đó gọi là đại la cổ (la là thanh la, chập chõa, còn cổ là trống), dân Bạc Liêu quen gọi theo tiếng Triều Châu là tòa lò cấu. Mỗi lần đến cao trào, các thanh la và trống đánh hết cỡ, làm vang động cả một góc trời, ở bên ngoài rạp hát và các nhà kế cận đều nghe tiếng. Điều này trái ngược hẳn với dàn nhạc Quảng Đông, chủ yếu gồm nhạc cụ thổi, như kèn, sáo, tiêu… nên người nghe âm thanh ò í e rõ hơn tiếng trống.
Khán giả người Kinh đi xem hát Tiều cũng rất đông, nhiều nhất là các bà tiểu thương và vợ các công chức, bởi vì tuy không nghe được lời, nhưng họ đều hiểu và thuộc hầu hết các tuồng tích: Tiết Nhơn Quý chinh đông, Tiết Đinh San với Phàn Lê Huê, Địch Thanh với Thoại Ba công chúa, Bàng Quyên đấu với Tôn Tẫn, Bao Công tra án Quách Hòe, Tam Anh chiến Lữ Bố
Thích nhất là vào khoảng một, hai giờ đêm, có màn biểu diễn võ thuật. Lúc bấy giờ mọi phông màn được dẹp hết, để sân khấu trống trải, lộ rõ cả bàn thờ tổ ở hậu trường. Tiếng trống nổi lên ầm ĩ, các diễn viên nam cởi bỏ hết áo mũ cân đai, nai nịt gọn ghẽ theo lối hiệp sĩ, bắt đầu biểu diễn võ thuật và nhào lộn. Khi đến pha đấu hấp dẫn nhất, tiếng trống dừng lại, cả sân khấu im lặng, chỉ nghe tiếng phách gỗ gõ đều đều, khiến cho khán giả phải tập trung chú ý. Tiết mục biểu diễn võ thuật kéo dài chừng nửa tiếng đồng hồ. Sau đó, sân khấu được bố trí lại để tiếp tục tuồng tích cho đến sáng.
Còn một đặc điểm nữa là xung quanh chùa hoặc ở ngoài rạp hát, hàng quán ì xèo suốt đêm, vì xem hát từ tối đến sáng thì ai cũng phải đói, phải khát. Tôi và các bạn trẻ rất thích ăn các món bình dân nhưng là đặc sản của Bạc Liêu như hủ tiếu xào tép, bánh cống (người địa phương gọi là bánh xì- tún), bánh xếp, bánh củ cải. Còn những em gái thì mang chiếc mâm nhỏ đi len lỏi giữa các hàng ghế khán giả rao bán củ năng, củ sắn, để ăn giải khát.
Bây giờ, đoàn ca kịch Triều Châu ở Chợ Lớn không biểu diễn suốt đêm, cũng không có màn võ thuật đặc biệt lúc nửa đêm. Trang phục thì đẹp hơn, ánh sáng sân khấu rực rỡ hơn, nhưng âm nhạc, ca khúc, vũ điệu thì vẫn như xưa, vì đó là truyền thống văn hóa của địa phương không thể cải biên được. Trong thời đại hiện nay, những gánh hát Tiều thùng đen, thùng đỏ với những đào kép bị đối xử như đầy tớ, không tồn tại nữa. Nhưng ký ức về một quãng đời thơ ấu gắn liền với những đoàn hát đó vẫn còn in đậm trong tâm trí của tôi.
Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần Xuân
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
2 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn VAPUTIN vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
HanParis (03-07-2013), Poetry (03-07-2013)
Trả lời

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
Ăn Uống Saigon Xưa HanParis Ẩm thực 1 22-03-2015 16:53
Saigon Xưa Và Nay HanParis Các loại khác 7 25-09-2014 23:55
Ảnh Bưu Điện SaiGon Xưa và Nay HanParis Các loại khác 2 21-08-2014 03:47
888 Về Tiền Xu SaiGon Xưa HanParis Tiền Xu 2 24-08-2013 04:47
Ca Nhạc SaiGon Trước 1975 HanParis Văn hóa - Giáo dục - Tri thức 1 14-06-2013 17:39



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.